| Hotline: 0983.970.780

Không để nông dân bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số

Thứ Hai 17/07/2023 , 14:57 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Nông dân Quảng Bình đã và đang được hỗ trợ, trang bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa…

Thời gian qua, các cấp, ngành và nông dân tỉnh Quảng Bình đang hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, tự động hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức xây dựng nhật ký điện tử, số hóa dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, hỗ trợ cho nông dân thực hiện mục tiêu chuyển đổi số để góp phần phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa.

Nông dân làm quen với sàn giao dịch thương mại điện tử

Nhằm giúp hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp cận với công nghệ số, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã đưa hơn 30 sản phẩm tiêu biểu đại diện cho các sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc vùng miền của tỉnh tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La.

Cùng với việc tham gia các chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP và nông sản, các hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ nông sản của tỉnh Quảng Bình đã tham gia ngày càng nhiều hơn vào các gian hàng trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Sản phẩm OCOP được giới thiệu và tăng lượng đơn hàng trên sàn thương mại điện tử giúp nông dân có nhiều cơ hội. Ảnh: Tâm Phùng.

Sản phẩm OCOP được giới thiệu và tăng lượng đơn hàng trên sàn thương mại điện tử giúp nông dân có nhiều cơ hội. Ảnh: Tâm Phùng.

“Việc tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La năm 2022 đã giúp cán bộ và hội viên, nông dân tham gia được giao lưu, học hỏi về lợi ích của chuyển đổi số, tăng thêm kiến thức để tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên và bà con nông dân tiếp cận trực tiếp với công nghệ điện tử hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Trần Tiến Sỹ nhìn nhận.

Bà Trần Thị Như Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất tinh dầu Như Oanh (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch) chia sẻ: “Tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, tôi có cơ hội tìm hiểu và biết được nhiều lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đặc biệt, khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Posmart, tôi thấy sản phẩm của mình được quảng bá rộng rãi, giảm được chi phí và rút ngắn được thời gian bán hàng”. 

Trước đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình và  Bưu điện tỉnh đã triển khai các nội dung chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội đã tập trung hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, chủ trang trại, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nghề nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng kênh phân phối trong nước và quốc tế.   

Để làm tốt việc chuyển đổi số cho nông dân, các cấp Hội Nông dân Quảng Bình đã tiến hành thu thập thông tin của trên 32.000 hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn có các sản phẩm tiêu biểu. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm, sản phẩm OCOP... để cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn.  

Đến nay, đã có 8/8 huyện, thành phố, thị xã của Quảng Bình thành lập tổ công tác thu thập thông tin sản phẩm nông sản/hàng hóa do chủ tịch hội nông dân cấp huyện làm tổ trưởng và ban hành được kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Về phía Bưu điện tỉnh, đã xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart; xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hỗ trợ nông dân trong quá trình kết nối, mua bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Giúp nông dân hiểu sức mạnh của công nghệ số

Ngoài tập huấn cách đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân Quảng Bình chú trọng phối hợp với các đơn vị hướng dẫn về hiệu quả các nền tảng số như sử dụng tiện ích của dịch vụ mobile money, khai thác các chức năng chính quyền số, xã hội số.

Với cách làm này, đã giúp cán bộ và hội viên nông dân nắm được sức mạnh của công nghệ số đối với đời sống, sản xuất; thu hút nông dân tích cực đồng hành và ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Quảng Bình thời gian tới là vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Quảng Bình đang có nhiều hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận với chuyển đổi số nhằm không để nông dân bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0. Ảnh: TP.

Quảng Bình đang có nhiều hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận với chuyển đổi số nhằm không để nông dân bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0. Ảnh: TP.

Các cấp Hội đẩy mạnh hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện giao dịch thương mại điện tử trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

“Chúng tôi mở nhiều lớp trang bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Bởi chính các chủ thể làm ra sản phẩm nông nghiệp nắm bắt và đưa sản phẩm của mình lên sàn giao dịch thương mại điện tử thì mới thành công”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Thông qua các nền tảng số, cũng là cơ hội để nông dân kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy cơ hội kích cầu, đầu tư, liên kết, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

“Những nỗ lực trong chuyển đổi số sẽ giúp nông dân Quảng Bình không bị bỏ lại phía sau trong thời đại công nghiệp 4.0”, ông Trần Tiến Sỹ chia sẻ.

Với những hoạt động tích cực trong hỗ trợ nông dân, đến nay, đã có gần 50 hộ sản xuất đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Trung bình mỗi tháng có trên 200 đơn hàng giao dịch qua sàn Postmart.vn.

Bà Trần Thị Như Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất tinh dầu Như Oanh cho biết, sau khi tham gia sản thương mại điện tử, sản phẩm tinh dầu dược liệu của đơn vị đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp biết đến và mua hàng.

"Số lượng hàng hóa được giao dịch qua sàn đã tăng lên 50% so với trước đây. Đã có bạn hàng ở nước ngoài tham khảo và ngỏ ý hợp tác tiêu thụ sản phẩm”, bà Oanh chia sẻ.

Tại doanh nghiệp Vương Đoàn (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) chuyên thu mua và chế biến thủy sản, nhờ tiếp cận với thương mại điện tử, đã giúp doanh nghiệp này có nhiều chuyển biến tích cực trong trong kinh doanh.

Nông dân Quảng Bình ngày càng có nhiều hỗ trợ để đưa sản phẩm lên sản thương mại điện tử. Ảnh: Tâm Phùng.

Nông dân Quảng Bình ngày càng có nhiều hỗ trợ để đưa sản phẩm lên sản thương mại điện tử. Ảnh: Tâm Phùng.

Chị Vương Đoàn, Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ, lúc mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vất vả trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Sau khi áp dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, thay vì mỗi năm thu mua chế biến vài chục tấn hải sản thì hiện doanh nghiệp đã thu mua, chế biến hàng trăm tấn hải sản có giá trị cao như mực, tôm, cá xuất khẩu.

"Mỗi năm, doanh thu của đơn vị đã tăng lên vài chục tỷ đồng nhờ dùng thương mại điện tử. Cũng thông qua đó, sản phẩm của chúng tôi đã xuất được vào Thái Lan, Lào và một số nước trong khu vực”, chị Vương Đoàn cho hay.

Huyện Bố Trạch là địa phương đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số cho nông dân. Ông Phan Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân Bố Trạch cho hay, các chi hội nông dân đang đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hội viên về mục đích, lợi ích của công tác chuyển đổi số. Trong đó, tập trung trang bị kỹ năng, kiến thức cho nông dân nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

“Hiện trên địa bàn chúng tôi có trên 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, lúa gạo… đã thực hiện dịch vụ thương mại điện tử. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP thông qua giao dịch điện tử đã quảng bá được thương hiệu và tăng lượng tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… để thực hiện thương mại điện tử nhằm đạt được lợi nhuận cao trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”, ông Phan Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân Bố Trạch cho biết.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.