| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang tập trung chuyển đổi số và mời gọi đầu tư nông nghiệp

Thứ Hai 03/07/2023 , 14:10 (GMT+7)

Nông nghiệp là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của Hậu Giang, được tỉnh tập trung chuyển đổi số và mời gọi đầu tư, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Tứ trụ phát triển kinh tế

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Võ Thị Mỹ Trang, Hậu Giang là tỉnh thuần nông và nông nghiệp được tỉnh xác định là 1 trong 4 trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế. Trong đó, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xác định chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và gia tăng giá trị trong nền kinh kinh tế. Ảnh: Minh Đãm.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xác định chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và gia tăng giá trị trong nền kinh kinh tế. Ảnh: Minh Đãm.

Bà Võ Thị Mỹ Trang cho biết, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư, xây dựng nền tảng để phục vụ chuyển đổi số. Kết quả đến nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống hội nghị trực tuyến và các phần mềm dùng chung đang hoạt động hiệu quả. Đặc biệt Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn. Trung tâm dữ liệu, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng vận hành ổn định…

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang tập trung phát triển nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu số, trên cơ sở đó phát triển các dịch vụ, ứng dụng số ưu tiên. Tiêu biểu như hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ứng dụng giám sát môi trường sản xuất, quản lý chất lượng nông sản, chuyển đổi số trong phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giải pháp giám sát cháy rừng trên công nghệ bản đồ viễn thám…

Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, ông Ngô Minh Long cho biết, song song với chuyển đổi số trong nông nghiệp, đơn vị đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sạch, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tiến đến xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng dựa trên nền tảng ứng dụng các công nghệ cao vào nông nghiệp. Kết nối nhà nông qua các công cụ số hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất. Tăng cường tiện ích, cảnh báo, dự báo và tối ưu hoạt động cơ quan quản lý nhà nước trong các chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu dùng chung. Kết nối chặt chẽ chính quyền, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động phát triển, quảng bá, liên kết chuỗi cung ứng nông nghiệp. Bảo vệ và nâng tầm thương hiệu nông sản Hậu Giang.

Là đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sớm, hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát đã gặt hái được thành công. Ảnh: Minh Đãm.

Là đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sớm, hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát đã gặt hái được thành công. Ảnh: Minh Đãm.

Là đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cách đây mấy năm, Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) đã gặt hái được nhiều thành công. Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát cho biết, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, từ năm 2017 ông đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện mô hình trồng dưa lưới nhà kính theo công nghệ tưới của Israel. Vườn dưa được trang bị hệ thống kiểm tra dinh dưỡng để chăm sóc cây phát triển thuận lợi. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, là có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ đâu.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế tốt, số hộ xã viên tham gia hợp tác xã cũng tăng lên, hiện là 30 thành viên và diện tích nhà lưới đã mở rộng diện tích lên 4ha. Mỗi năm, Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn dưa lưới thương phẩm, thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Giám đốc Võ Văn Trưng cho biết: “Từ khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, chúng tôi giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, bảo đảm được những yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tăng lợi nhuận. Chúng tôi đang liên kết với nông dân để mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Mục tiêu thời gian tới, sản phẩm làm ra của hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát không chỉ là tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu”.

Xây dựng nền tảng chuyển đổi số

VNPT Hậu Giang là đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số trong trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Theo đó, đơn vị này đề xuất lộ trình triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bản tỉnh gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2022) triển khai cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt và chăn nuôi, sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu ngành. Giai đoạn 2 (năm 2023) triển khai cơ sở dữ liệu thủy sản và lâm nghiệp, triển khai bản đồ số (GIS) cho một số ngành nông nghiệp. Giai đoạn 3 (năm 2024 - 2025) triển khai cơ sở dữ liệu các ngành còn lại, hoàn thiện bản đồ số ngành nông nghiệp, triển khai cấp và quản lý mã số vùng trồng, xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC)…

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị quan trắc môi trường nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Tuần lễ chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hậu Giang năm 2023. Ảnh: Trung Chánh.

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị quan trắc môi trường nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Tuần lễ chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hậu Giang năm 2023. Ảnh: Trung Chánh.

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở NN-PTNT Hậu Giang đã và đang ứng dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh và đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng xong bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, áp dụng ứng dụng WebGIS xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp trực tuyến. Trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OCOP, xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi...

Cụ thể, đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” với tên miền: https://nongsanhaugiang.com.vn, ứng dụng trên điện thoại là Agri360. Mục đích của “Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc” này phục vụ cho chính nông dân Hậu Giang, giúp nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Các tổ chức, cá nhân có thể tự đăng ký tài khoản trên Trang Nông sản Hậu Giang, ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất, tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR-Code. Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp thu mua sản phẩm...

Mỗi năm, Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn dưa lưới thương phẩm, thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Ảnh: Minh Đãm.

Mỗi năm, Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn dưa lưới thương phẩm, thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Ảnh: Minh Đãm.

Sở NN-PTNT Hậu Giang phối hợp với Viện nghiên cứu công nghệ không gian và dưới nước (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) triển khai thí điểm công nghệ Autotimelapse trong truy xuất nguồn gốc một số loại nông sản ở Hậu Giang. Đến nay đã thực hiện được 5 điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Autotimelapse trong nông nghiệp là bộ giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh, thông qua các đoạn video ngắn thể hiện tất cả giai đoạn phát triển của cây trồng và vật nuôi, không chỉ báo cáo hình ảnh quá trình nuôi trồng, mà còn hiển thị, phân tích các chỉ số tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, thông báo sự thay đổi của môi trường.

“Đến nay đã có hàng ngàn tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng trên sản giao dịch “Nông sản Hậu Giang” và có trên 300 nông sản, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trên sàn, giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, tăng cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp và góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân”, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất