| Hotline: 0983.970.780

Không để phát sinh điểm nóng về môi trường trong chăn nuôi

Chủ Nhật 23/06/2024 , 16:06 (GMT+7)

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh không để phát sinh điểm nóng về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi.

Hiện tỉnh Bình Thuận có 63 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại quy mô lớn. Ảnh: KS.

Hiện tỉnh Bình Thuận có 63 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại quy mô lớn. Ảnh: KS.

Tăng cường kiểm tra, xử lý dự án chăn nuôi vi phạm

Mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật đối với các dự án chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền quản lý, không để phát sinh điểm nóng về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các trang trại chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của UBND cấp huyện.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, đánh giá, báo cáo rõ các nguồn phát sinh mùi hôi trong hoạt động chăn nuôi heo tại các trang trại. Từ đó, nghiên cứu, áp dụng các biện pháp để xử lý mùi hôi phát sinh và yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện theo đúng quy định.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần lưu ý quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải có biện pháp, công trình xử lý mùi hôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi đảm bảo không ảnh hưởng đến các đối tượng xung quanh khu vực dự án, cơ sở chăn nuôi theo quy định.

Khu vực trang trại nuôi heo của Công ty TNHH Làng Việt Nam. Ảnh: KS.

Khu vực trang trại nuôi heo của Công ty TNHH Làng Việt Nam. Ảnh: KS.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, một số trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xử lý mùi hôi từ nước thải chăn nuôi chưa hiệu quả nên gây mùi hôi ảnh hưởng đến cộng đồng cư dân xung quanh. Vì thế người dân đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Điển hình như các trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Làng Việt Nam trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Người dân tại thôn 1, xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) phản ánh việc phát sinh mùi hôi khó chịu từ trang trại chăn nuôi này từ đầu tháng 5/2023 đến nay, nhất là lúc trời âm u, không có gió, với tần suất 1 lần/ngày. Còn vào buổi chiều tối từ 18 - 20 giờ, mùi hôi phát sinh kéo dài khoảng 60 phút, diễn ra liên tục từ 3 đến 5 ngày.

Không để lợi dụng việc tưới cây để xả nước thải chưa qua xử lý

Cũng tại văn bản số 2246, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NN-PTNT tiếp tục tăng cường kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh theo Luật Chăn nuôi và có biện pháp xử lý các vi phạm theo đúng quy định hiện hành.

Cùng với đó, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trong công tác kiểm tra các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; hướng dẫn chủ đầu tư các trang trại về nước thải chăn nuôi sau xử lý sử dụng cho cây trồng, thực hiện đăng ký công bố hợp quy theo QCVN 01 195:2022/BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, tránh tình trạng lợi dụng việc tưới cây để xả nước thải chưa qua xử lý ra nguồn tiếp nhận, môi trường đất không đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương rà soát các trang trại chăn nuôi hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư không phù hợp với quy hoạch để yêu cầu chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp. Ảnh: KS.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương rà soát các trang trại chăn nuôi hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư không phù hợp với quy hoạch để yêu cầu chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp. Ảnh: KS.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn quản lý. Từ đó đảm bảo các trang trại chăn nuôi hoạt động thực hiện đầy đủ hồ sơ, pháp lý và xây dựng hoàn thành các công trình xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép trước khi đi vào hoạt động; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định, kể cả việc tạm ngưng hoạt động dự án hoặc thu hồi dự án (tùy mức độ vi phạm) theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương rà soát các trang trại chăn nuôi hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư không phù hợp với quy hoạch của tỉnh, quy hoạch xây dựng của huyện, xã, không đảm bảo về khoảng cách an toàn trong chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, Nghị quyết số 04 ngày 09/5/2023 của HĐND tỉnh và các quy định pháp luật khác có liên quan để yêu cầu chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp đảm bảo không còn hoạt động trong khu dân cư theo đúng quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thông qua Sở NN-PTNT để xem xét, giải quyết…

Đối với các dự án đầu tư mới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ phải kiểm tra, rà soát, thẩm định kỹ nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu thuộc đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường), các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai, khoáng sản, nông nghiệp, xây dựng, khoảng cách an toàn với hiện trạng, quy hoạch khác có liên quan và các quy định của pháp luật.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn và gần 30.000 hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ (chăn nuôi nông hộ).

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi rất thấp

Hiện nay, dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vacxin tại các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn rất thấp.

Thị xã Giá Rai có vụ lúa - tôm lãi nhất từ trước tới nay

BẠC LIÊU Năng suất lúa trong mô hình lúa - tôm đạt 7 - 7,5 tấn/ha, giá lúa cao nên nông dân có lãi hàng trăm triệu đồng/ha, cao nhất từ trước tới nay.

Sinh viên cũng là những nhà nghiên cứu khoa học

Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ dành 500 đề tài cho sinh viên nghiên cứu khoa học và hàng tháng, hàng quý sẽ tổ chức cho các em đăng ký, thi các ý tưởng.