| Hotline: 0983.970.780

Không để thiếu giống lúa vụ đông xuân 2021 - 2022

Chủ Nhật 19/09/2021 , 20:00 (GMT+7)

Vụ xuống giống sớm lúa đông xuân 2021 - 2022 vùng ĐBSCL đang cận kề. Tuy nhiên nhiều tỉnh lo ngại thiếu lúa giống đảm bảo chất lượng, đề xuất hỗ trợ giá lúa giống.

Nguy cơ thiếu 50.000 tấn lúa giống

Trước nhu cầu cao về nguồn lương thực, thực phẩm cuối năm 2021, đầu năm 2022 phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các tỉnh phía Nam đang triển khai nhiều giải pháp sớm khôi phục sản xuất lúa, đồng thời lên phương án cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022.

Cục Trồng trọt dự báo vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 ở ĐBSCL vẫn còn thiếu khoảng 30.000-50.000 tấn lúa giống so với nhu cầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cục Trồng trọt dự báo vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 ở ĐBSCL vẫn còn thiếu khoảng 30.000-50.000 tấn lúa giống so với nhu cầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tính đến hết tháng 8/2021, sản lượng lúa các tỉnh Nam bộ ước đạt 16,86 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, sản lượng trong những tháng còn lại của năm nay sẽ đạt 8,78 triệu tấn.

Với sản lượng như trên, ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL còn thừa khoảng 3 triệu tấn quy gạo, có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.

Trong khi đó, vụ đông xuân 2021 - 2022 tới đây, vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu ha. Trong đó, xuống giống sớm khoảng 250.000 - 300.000ha vào tháng 10/2021 nhằm né hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra ở các tỉnh ven biển. Ngoài ra, trong các tháng 11 và 12/2021, sẽ xuống giống khoảng 600.000ha mỗi tháng và một phần nhỏ diện tích còn lại sẽ xuống giống trong tháng 1/2022.

Với diện tích xuống giống như nêu trên, ước tính nhu cầu lúa giống cho cả vụ đông xuân 2021 - 2022 khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, các công ty sản xuất, kinh doanh giống lúa và Viện lúa ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa khoảng 100.000 tấn. Các HTX, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50.000 - 70.000 tấn. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 30.000 - 50.000 tấn so với nhu cầu.

“Chính vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương phải tìm nguồn cung ứng giống kịp thời, đúng vụ sản xuất bởi nếu nông dân khó tiếp cận giống lúa thì các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng sản xuất” ông Tùng cho biết.

Nếu khó tiếp cận giống lúa đảm bảo chất lượng, các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nếu khó tiếp cận giống lúa đảm bảo chất lượng, các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điển hình như Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đồng Tháp (DOSECO) là đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp các mặt hàng lúa giống chất lượng cao ở khu vực phía Nam cũng đang gặp không ít khó khăn trong vấn đề kinh doanh và sản xuất lúa giống.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tổng lượng lúa giống của DOSECO bán ra bị giảm từ 30 - 40%. Thay vì các năm trước lượng lúa giống phục vụ phục vụ cho nông dân xuống giống vụ thu đông khoảng trên dưới 500 tấn, năm nay DOSECO chỉ bán có 200 tấn lúa giống, giảm hơn 50% đơn hàng lúa giống bán ra cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc DOSECO lo lắng: Thông thường, vụ lúa đông xuân là vụ lúa chính trong năm, lượng giống tiêu thụ rất lớn. Bình quân mỗi năm, vụ lúa đông xuân công ty bán lượng lúa giống ra thị trường trên dưới 1.000 tấn các loại.

Nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài ở vụ đông xuân 2021 - 2022, lượng giống bán ra của công ty sẽ giảm. Khó khăn nhất là khâu vận chuyển lưu thông ra khỏi tỉnh.

Lo ngại gia tăng diện tích lúa kém chất lượng

"Nếu giống chất lượng không đến tay người dân được, người dân tự lấy lúa hàng hóa hay chia sẻ lúa chất lượng không đảm bảo để xuống giống đông xuân. Lúc đó, lúa hàng hóa nông dân sản xuất ra khi cuối vụ không đạt về mặt năng suất, chất lượng và sâu bệnh lại xuất hiện nhiều", ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc DOSECO ái ngại.

Ngành chuyên môn lo ngại vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích sử dụng giống lúa kém chất lượng sẽ tăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành chuyên môn lo ngại vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích sử dụng giống lúa kém chất lượng sẽ tăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 720.000 ha, sản lượng từ 4 - 4,5 triệu tấn lúa hàng hóa. Ngành chuyên môn lo ngại vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích sử dụng giống lúa kém chất lượng sẽ tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhất là bối cảnh giá lúa giảm, chi phí đầu tư tăng, nông dân không mạnh dạn đầu tư các giống lúa chất lượng có giá bán cao.

Vụ đông xuân hàng năm, diện tích xuống giống lúa của nông dân Kiên Giang khoảng 280.000ha. Với lượng giống gieo sạ theo khuyến cáo là từ 100 - 120 kg/ha, thì lượng giống cần cho sản xuất khoảng 28.000 – 33.600 tấn. Tuy nhiên, thực tế nông dân thường có tập quán gieo sạ dày nên lượng giống cần cho sản xuất sẽ tăng lên.

Theo TS Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, để đảm bảo nguồn cung lúa giống phục vụ cho nông dân trong vụ đông xuân 2021 - 2022, đơn vị đã tăng lượng nhập kho, dự trữ so với các năm trước. Cụ thể, lượng lúa giống dự trữ từ nay đến đầu vụ sản xuất khoảng 2.500 - 2.700 tấn, cao hơn mọi năm khoảng 700 tấn. Hiện Trung tâm đang tập trung sản xuất và thu mua từ mạng lưới liên kết sản xuất lúa giống, để đánh giá chất lượng, chế biến, đóng bao nhập kho.

Đông xuân là vụ đặc biệt quan trọng trong năm ở ĐBSCL, vì vậy cần đảm bảo nguồn cung lúa giống chất lượng. Ảnh: LHV.

Đông xuân là vụ đặc biệt quan trọng trong năm ở ĐBSCL, vì vậy cần đảm bảo nguồn cung lúa giống chất lượng. Ảnh: LHV.

Với lượng giống này, cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Thức, trên địa bàn tỉnh còn có các công ty, đơn vị khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng lúa giống. Ngoài ra, còn có một lượng lúa giống khá lớn từ các HTX nông nghiệp, các nông hộ tự sản xuất giống phục vụ nhu cầu sản xuất và trao đổi với nhau. Do đó, về lượng lúa giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất không lo thiếu nguồn cung.

Lo ngại là do nhiều hộ nông dân đã bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian áp dụng giãn cách xã hội kéo dài nên việc sản xuất gặp khó khăn, nông hộ tự làm lúa giống không đảm bảo quy trình và chất lượng. Dịch bệnh cũng đã gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến đầu ra, hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá, chi phí đầu tư tăng, nông dân không còn điều kiện tái đầu tư sản xuất.

Đề xuất hỗ trợ một phần giá lúa giống

“Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ NN-PTNT mới đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã đề xuất, cần kiến nghị với Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ một phần giá lúa giống cho nông dân sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, nhất là những hộ gặp khó khăn do dịch bệnh.

Nhiều địa phương cũng đã kiến nghị mức giá hỗ trợ là 50%. Tránh tình trạng nông dân sử dụng lúa giống không đạt phẩm cấp đưa vào sản xuất, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của lúa nguyên liệu trong thời gian tới”, ông Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết.

Tương tự, TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn có một tỷ lệ nông dân không có điều kiện mua lúa giống đạt phẩm cấp để sản xuất hoặc việc đi lại mua lúa giống gặp khăn nên đã tự làm giống.

Một số địa phương ĐBSCL đề xuất được hỗ trợ một phần giá lúa giống nhằm đảm bảo duy trì diện tích lúa chất lượng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số địa phương ĐBSCL đề xuất được hỗ trợ một phần giá lúa giống nhằm đảm bảo duy trì diện tích lúa chất lượng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cũng có nhiều nông dân tự sản xuất, trao đổi lẫn nhau. Theo ông Giàu, với việc sử dụng lúa giống không đủ phẩm cấp, thậm chí là lúa thịt đưa vào sản xuất, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà nguy cơ dịch bệnh cũng nhiều hơn. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nông dân không có điều kiện tái đầu tư sản xuất thì diện tích sử dụng giống lúa kém chất lượng sẽ tăng lên.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh, nguồn lúa giống mặc dù có khó khăn ở vụ lúa đông xuân sắp tới, nhưng để chủ động ngành nông nghiệp, Long An đã mạnh dạn tạm ứng ngân sách của tỉnh để thu mua lúa giống nhằm bảo đảm cung cấp giống xác nhận cho nông dân. Điều đáng lo ngại là người dân thiếu tiền mua giống, cho nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ 50% lúa giống cho nông dân tái sản xuất, kể cả giống vật nuôi.

Còn tại An Giang, ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 sẽ đảm bảo 100% lượng lúa giống chất lượng cao phục vụ cho nông dân sản xuất trong tỉnh với diện tích trên 230.000ha, trong đó phấn đấu có đến 85% diện tích nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao nhằm phục xuất khẩu như OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900, OM38…

"Hiện An Giang đã cơ bản xuống xong vụ thu đông 2021. Các diện tích lúa này đều nằm trong các ô đê bao kiểm soát lũ tốt. Vì vậy vụ lúa thu đông được xem là vụ chính cho công tác làm giống để phục vụ cho vụ sau là đông xuân 2021 - 2022 rất thuận lợi. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân, HTX hay các doanh nghiệp liên kết sản xuất giống nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cho nguồn giống tốt phục vụ cho thị trường" ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.