| Hotline: 0983.970.780

Không giữ nổi nghề

Thứ Hai 24/12/2012 , 10:28 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Phúc đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân, trong đó nghề nuôi con đặc sản được bà con hào hứng tham gia.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân, trong đó nghề nuôi con đặc sản được bà con hào hứng tham gia. Sau học nghề, việc chăn nuôi được triển khai rộng rãi, song đến nay nhiều hộ không sống nổi với nghề.

Nuôi nhím không theo... thị trường

Năm 2010, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức & đào tạo nghề cho nông dân (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) mở 2 lớp nghề chăn nuôi con đặc sản tại các xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc và xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường. Đây là một nghề khá mới mẻ ở Vĩnh Phúc, mỗi xã có 25 học viên tham gia. Kết thúc khoá học, bà con đã có đầy đủ kỹ thuật để phát triển nghề, nhiều hộ đầu tư xây dựng cơ sở nuôi dúi, nhím, ếch, ba ba…

Ông Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Tiến cho biết: “Năm 2010 xã mở lớp dạy nghề nông, bà con rất phấn khởi và đến lớp đầy đủ, chịu khó lắng nghe, học hỏi kỹ thuật. Khoá học kết thúc có 4 hộ đầu tư với quy mô lớn, còn các hộ khác nuôi với số lượng nhỏ, chủ yếu là nuôi dúi, nhím. Tưởng rằng đây là một nghề mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ai ngờ đầu năm nay giá cả “tụt dốc”, không có thị trường tiêu thụ nên hầu hết đã bỏ nghề".

Tương tự xã Văn Tiến, tại xã Thượng Trưng, lớp học mở ra có đến 30 nông dân theo học. Khoá học thực sự rất bổ ích cho bà con, bởi lần đầu bà con được đi học, được tiếp cận với kỹ thuật nuôi con đặc sản. Ông Lê Văn Bớt, Chủ nhiệm HTX Thượng Trưng cho hay: “Sau lớp học người dân tập trung nuôi nhím, thời điểm đó mỗi cặp nhím giống từ 7-8 triệu đồng, thậm chí có cặp lên đến 15-20 triệu. Vậy mà không ít người bỏ vốn đầu tư bởi con nhím rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là sẵn có. So với nuôi lợn thì nuôi nhím dễ hơn rất nhiều”.


Giá nhím thê thảm khiến người dân không còn mặn mà với nghề

Cũng theo ông Bớt, ngoài chi phí khá lớn mua con giống, còn lại việc chăm sóc và nuôi nhím rất đơn giản, nhanh lớn. Mỗi năm, nhím đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Thời gian đầu giá nhím giống cao, người nuôi thu lợi nhuận lớn, giờ đây bán với giá rẻ như cho, người hỏi mua cũng ít dần.

Sau 2 năm nuôi con đặc sản, tất cả các hộ dân ở xã Thượng Trưng, Văn Tiến đứng bên bờ vực phá sản. Người dân chẳng mặn mà với loại vật nuôi này nữa. Bởi lý do, giá bán bấp bênh, thị trường tiêu thụ khan hiếm. Có những hộ đến thời kỳ xuất chuồng với số lượng lớn nhưng may mắn là chỉ bán được ít con vào nhà hàng, còn nhím giống không có ai hỏi mua.

Khâu tiêu thụ là quyết định

Theo ông Lê Văn Bớt, trước đây cả xã có đến gần chục hộ đầu tư vào con nhím thì nay không còn một ai nuôi. Nhiều hộ bán tháo, bán chạy nhím giống, nhím thịt để kiếm được ít tiền. Ban đầu người dân bỏ ra gần chục triệu đồng mua mỗi cặp nhím giống, sau hơn 1 năm đẻ ra thì chỉ bán được 1,5 triệu đồng/cặp. Tiền vốn chưa đủ, chứ đừng nói đến lời lãi. Giá bán nhím thịt 150.000 đ/kg mà cũng không có người mua.

Ở xã Thượng Trưng, bà Nguyễn Thị Lý được xem là “chúa nhím” cũng xuất thân từ lớp học nuôi con đặc sản. Bà nắm bắt kỹ thuật và đầu tư phát triển loài vật có gai nhọn này. Thời điểm đó bà mua 10 cặp nhím giống để nuôi, với số tiền hơn 150 triệu đồng.

“Thời gian tới, chúng tôi muốn bà con được học và làm quen với... tin học. Khi nông dân biết sử dụng công nghệ thông tin, họ có thể lên mạng tìm kiếm thông tin thị trường, nghề nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... và có thể kết nối được doanh nghiệp, thị trường để tiêu thụ sản phẩm”, ông Lê Văn Bớt.

Bà Lý kể: “Tôi bắt đầu nuôi từ năm 2010, sau một năm nhím đẻ ra tiền, chưa lấy lại vốn được bao nhiêu. Giai đoạn đầu năm 2012 nhím bắt đầu sinh sản lứa thứ hai, ai ngờ giá nhím giống lao dốc, từ 10 triệu đồng/cặp rồi xuống 1,5 triệu/cặp. Còn nhím thịt từ 400.000-500.000 đ/kg nay chỉ 150.000 đ/kg. Hơn 2 năm đầu tư nhưng kết quả đem lỗ vốn nặng. Tôi quyết định giải nghề, nay chỉ để lại mấy con nhím bố mẹ”.

Chẳng khác bà Lý, bà Lê Thị Lân, thôn Phúc Cẩm, xã Văn Tiến sau lớp học đầu tư nuôi nhím cũng thất bại. Bà Lân chia sẻ: Việc học nghề, có nghề là rất dễ. Nhưng để giữ nghề là rất khó. Chúng tôi làm ra sản phẩm nhưng thị trường tiêu thụ không có. Nuôi con gì cũng mong muốn cho thu nhập, ai ngờ làm mà lỗ thì chuyển qua nghề khác, chẳng hạn nuôi lợn, trồng rau cho thu nhập ít nhưng cũng tìm ra được nơi tiêu thụ.

Ông Bớt cho hay: “Với người dân cái đích cuối cùng vẫn là khâu tiêu thụ. Họ học nghề và SX đều được, nhưng sản phẩm làm ra không bán được mới gay go. Vì vậy cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, cá nhân đứng ra tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Khi doanh nghiệp bắt tay với người dân để đảm bảo khâu tiêu thụ thì chắc chắn mới giữ được nghề".

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.