| Hotline: 0983.970.780

Không làm GAP phong trào

Thứ Ba 14/09/2010 , 10:52 (GMT+7)

Ngày 10/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tổ chức Diễn đàn “Khuyến nông @ Nông nghiệp” lần thứ 5 – 2010 chuyên đề “Sản xuất lúa theo GAP”.

Ngày 10/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tổ chức Diễn đàn “Khuyến nông @ Nông nghiệp” lần thứ 5 – 2010 chuyên đề “Sản xuất lúa theo GAP”. Tham gia và chủ tọa diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng và hơn 300 đại biểu gồm các nhà quản lí, khoa học, doanh nghiệp, công ty và nông dân các tỉnh, thành ĐBSCL.

Nhiều đại biểu quan tâm tới các báo cáo: “Định hướng sản xuất lúa theo Gap ở ĐBSCL” của PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, “Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy (Tiền Giang)” của TS. Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy, “Ứng dụng công nghệ sinh thái trong mô hình 3G3T tại Tiền Giang; 1P5G tại An Giang; cơ sở vững chắc của Gap cho sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL” của TS. Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, “Xã hội hóa việc sản xuất chế phẩm sinh học OMETAR để quản lí rầy nâu hại lúa theo hướng an toàn và bền vững” của TS. Nguyễn Thị Lộc, Viện lúa ĐBSCL…

Báo cáo của PGS.TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh việc nâng cao tính an toàn cho hạt gạo theo hướng giảm thiểu tồn dư hóa chất, VSV. Chuyển hướng chất lượng gạo, cần tăng sản xuất gạo 5% tấm, giảm gạo 25% tấm vì nhu cầu gạo 5% tấm trên thị trường hiện nay rất lớn. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, để sản xuất theo GAP trên cơ sở 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và hướng dẫn nông dân thực hiện sổ tay ghi chép trong quá trình canh tác lúa...

Báo cáo của TS Lê Hữu Hải giới thiệu mô hình HTX lúa GlobalGAP Mỹ Thành, sự liên kết bao tiêu của Cty ADC trong xây dựng thương hiệu gạo “Tứ quý”. Việc sản xuất theo hướng GAP làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tăng tính cộng đồng, đồng ruộng sạch, nhà cửa khang trang, góp phần “tăng tuổi thọ nông dân” như GS.TS Võ Tòng Xuân nhận xét. Tuy nhiên, kinh nghiệm quan trọng cho thấy, cần phải có doanh nghiệp liên kết bao tiêu vì nếu không sản phẩm GAP cũng xuống ghe như bao hạt lúa khác và nông dân cũng không còn vốn để tái chứng nhận Gap mỗi năm. Như vậy, sự liên kết 4 nhà là hết sức cần thiết.

Ông Cao Văn Hóa, PGĐ Sở NN & PTNT Tiền Giang cũng cùng quan niệm: Không có DN tham gia thì việc sản xuất theo hướng GAP nào, Global hay Vietgap, cũng hết sức bối rối, mà hiện nay, không tìm được nhiều doanh nghiệp như ADC sẵn sàng đứng ra “cùng ăn, cùng chịu” với nông dân đâu. Báo cáo của TS. Nguyễn Hữu Huân đề cập đến thực nghiệm “kiến thiết lại đồng ruộng” ở Tiền Giang và An Giang, bằng cách trồng hoa, cỏ trên bờ chung quanh ruộng nhằm thu hút thiên địch ngay từ ban đầu, giúp chống lại sâu rầy hại lúa, mà hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu; giúp giảm giá thành và tăng lợi nhuận, đưa lúa hè thu có thể đạt được 6,5tấn/ha, tiết kiệm được 4- 5 lần phun thuốc. Đây là một hướng làm GAP góp phần làm “sạch đẹp” đồng ruộng đáng chú ý.

Đề cập mối quan hệ 4 nhà trong sản xuất GAP, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa DN và nhà nông, cần có “sự đồng thuận”, trên cơ sở nhà nông phải được lợi nhiều hơn, vì họ làm ra sản phẩm, kế đến là các DN. Thứ trưởng chúc nhà nông không chỉ có được những vụ mùa bội thu mà quan trọng hơn là phải bán được giá, sớm giàu và tạo được bộ mặt nông thôn mới phát triển khang trang, hiện đại.
Một báo cáo khác của TS. Nguyễn Thị Lộc về chế phẩm sinh học Ometar được ứng dụng rộng rãi để trừ rầy nâu hại lúa tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… có hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng tới thiên địch, lại an toàn cho hệ sinh thái, môi trường và con người. Vấn đề là cần xã hội hóa và nhân rộng để sử dụng được chế phẩm trên khắp ruộng đồng.

Phần thảo luận, ý kiến các đại biểu tập trung vào vấn đề mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân: cần có sự thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau, không vì lợi ích cục bộ, trước mắt, một vài vụ nhỏ lẻ mà phá vỡ cam kết. Có ý kiến đề nghị các doanh nghiệp nhà nước phải đứng ra khuyến khích, bao tiêu cho hướng sản xuất Gap. Vì GAP không chỉ cho XK mà cho người tiêu dùng Việt Nam và là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chia sẻ những rủi ro của người làm Gap không có DN bao tiêu, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, nêu rõ: “Sản xuất theo hướng GAP là điều cần và khuyến khích, còn việc xây dựng để đạt được chứng nhận GAP, nhất là chứng nhận quốc tế, tốn kém nhiều tiền bạc, không thể làm theo phong trào, mà cần phải cân nhắc thực lực nhiều mặt trong sản xuất…”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.