| Hotline: 0983.970.780

Không lơ là, chủ quan trước nguy cơ cháy rừng cao

Thứ Sáu 03/05/2024 , 14:36 (GMT+7)

UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp 4 và 5.

Cán bộ kiểm lâm cùng người dân phát dọn thực bì. Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ kiểm lâm cùng người dân phát dọn thực bì. Ảnh: Hải Đăng.

Không chủ quan, lơ là 

Tình trạng nắng nóng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang diễn ra trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, đặc biệt tại các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, độ ẩm thấp nhất phổ biến từ 20-25%.

Có nhiều khu rừng đang ở cấp dự báo cháy rừng cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn xảy ra các vụ cháy rừng; tình trạng đốt nương, các điểm cháy nhỏ vẫn xảy ra, nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ cháy rừng là rất cao.

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 vụ cháy làm ảnh hưởng hơn 52ha rừng tự nhiên, rừng trồng tại các huyện: Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn. Gần nhất, vụ cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Trung Chải và xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) xảy ra vào ngày 15/4. Sau khi nhận được thông tin, huyện Nậm Nhùn đã huy động gần 70 người tiếp cận, tham gia chữa cháy. Sau 6 giờ, đám cháy cơ bản được khống chế. Qua nhận định, đám cháy có thể do người dân vào rừng đốt tổ ong để lấy mật rồi gây cháy lây lan.

UBND tỉnh Lai Châu đề nghị các ngành, lực lượng chức năng, địa phương tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời gian cao điểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác…

Với trên 180.000ha rừng, huyện Mường Tè là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu. Vào mùa khô hanh, lớp thực bì dày nhưng bà con vẫn giữ tập quán đốt nương để sản xuất nông nghiệp nên nguy cơ cháy rừng  rất cao. Vì vậy, để bảo vệ rừng, huyện Mường Tè xác định “phòng cháy là chủ yếu, chữa cháy phải kịp thời”. 

Cụ thể, UBND huyện Mường Tè đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện rà soát, phân định vùng rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao tại các xã: Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Tá Bạ và các khu vực dọc sông Đà. Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ xuống từng địa bàn bám nắm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời tổ chức tuần tra rừng. Cùng với đó cho nhân dân ký cam kết việc thực hiện bảo vệ và phòng chống cháy rừng… 

“Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thường trực 24/24 giờ mùa khô hanh cảnh báo đến vùng nguy cơ cháy cao. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến người dân và chủ rừng, tăng cường công tác tuần tra, giám sát rừng…”, ông Đao Văn Hân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè cho biết.

Cháy rừng giáp ranh giữa xã Trung Chải và xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) hôm 15/4. Ảnh: Hải Đăng.

Cháy rừng giáp ranh giữa xã Trung Chải và xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) hôm 15/4. Ảnh: Hải Đăng.

Gần 900 tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản

Hiện nay, tỉnh Lai Châu có gần 495.000ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết khô hanh kéo dài, cộng với việc người dân còn đốt nương phục vụ sản xuất nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Do vậy, để bảo vệ tốt diện tích rừng cũng như làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu đã phối hợp với các huyện đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ, phát triển rừng thông qua các buổi họp bản, hội nghị từ cơ sở... 

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cơ sở tăng cường tuần tra, giám sát, bảo vệ, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, duy trì hoạt động của 876 tổ chuyên trách bảo vệ rừng tại tất cả các thôn, bản.

Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ý thức bảo vệ rừng của người dân, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chú trọng việc cử cán bộ kiểm lâm phụ trách từng xã, phối hợp với các tổ chuyên trách để thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

“Thời gian vừa qua, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức cao, thường xuyên ở cấp 4 và cấp 5. Về phía lực lượng kiểm lâm chúng tôi chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm tra và phát hiện sớm lửa rừng; thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho bà con cấm sử dụng lửa trong mùa đốt nương làm rẫy hiện nay…", ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết.

Nhờ được tuyên truyền cũng như thấy được tác hại của việc đốt nương làm cháy rừng nên ý thức của nhiều hộ dân đã được nâng lên. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay bà con chủ động không đốt nương và thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng. Đồng thời thường xuyên tuần tra diện tích rừng do mình quản lý.

“Nương rẫy của tôi ở sát rừng, nhờ được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về phòng chống cháy rừng, tôi cùng bà con tham gia làm đường băng cản lửa. Thời tiết hanh khô như hiện nay chúng tôi cũng không dám đốt nương, đợi khi nào ổn định thì mới đốt nương để đảm bảo cho rừng phát triển và không gây ra hỏa hoạn, cháy rừng”, ông Voòng Cá Lành, tổ dân phố Pa So, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết.

Cùng với sự chủ động của các cấp, các ngành chuyên môn và người dân có ý thức bảo vệ, phòng chống cháy rừng… qua đó, góp phần ngăn chặn các vụ cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.