| Hotline: 0983.970.780

Ai đào hầm xuyên bản Sàng Mà Pho?

Thứ Ba 23/04/2024 , 07:00 (GMT+7)

Khi người dân phát hiện, việc đào hầm mới được chính quyền địa phương xử lý, buộc dừng lại. Tuy nhiên, hàng chục mét hầm đã được đào và gia cố xong.

Một đầu hầm thuộc bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) mà người dân phát hiện. Ảnh: Hải Đăng.

Một đầu hầm thuộc bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) mà người dân phát hiện. Ảnh: Hải Đăng.

Lo mất nước, không còn nguồn sống

Lo lắng về cái ăn, cái mặc còn chưa nguôi giờ đây người dân ở những bản nghèo của xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) lại có một mối lo khác, lo bị lấy mất nước đầu nguồn ở suối Séo Lèng ảnh hưởng việc canh tác. 

Từ xưa đến nay, chủ yếu diện tích nương rẫy của các hộ dân ở đều tập trung quanh suối, dọc theo dòng chảy. Có rất nhiều hộ dân canh tác ở đây. Con cá nước lạnh cũng nhờ nguồn nước đó mà lớn, nên không có nước cũng coi như người dân mất đi sinh kế. 

Ông Tẩn Sài Chỉn ở bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết, mặc dù nguồn nước nằm ở bản Sàng Mà Pho nhưng chúng tôi ở Dền Sung và Chung Hồ đều sử dụng nguồn này tưới cho cây, cho lúa. Gia đình tôi có gần 1ha ruộng với đất thủy sản để nuôi cá hồi, cá tầm nhưng hiện nay không biết thế nào mà người ta lại đào hầm để lấy nguồn nước đó. Tôi phát hiện ra cách đây tầm một tuần; nghe tin đồn thì lên khảo sát đã thấy họ khoan hầm rồi.

Ở bản Dền Sung, hầu hết các hộ gia đình đều sống phụ thuộc sản xuất nông nghiệp. Các thành viên trong mỗi gia đình cùng nhau làm, cùng trông chờ vào những mùa vụ, những con cá mà họ nuôi được. Vì vậy, nguồn nước ở suối Séo Lèng được coi như nguồn sống của họ. 

Ông Tẩn Sài Phú ở bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ cho biết, cách đây khoảng 1 năm, tôi có nghe tin công ty thủy điện có kéo nước ở bên này sang bên kia để đổ về hồ chứa cho có nhiều nước để phát điện. Tôi có gọi điện cho công ty để phản đối, song họ không trả lời. Sau đó, không thấy họ thi công gì. Gần đây, tôi nghe người dân bản Sàng Mà Pho nói họ khoan hầm và nắn dòng suối này, lên tới nơi sự việc đã rồi.

Theo những người dân, nguồn nước ảnh hưởng tới 2 bản phía hạ lưu gồm bản Dền Sung và Chung Hồ của xã Sin Suối Hồ. Có khoảng 39 hộ dân sử dụng nguồn nước này tưới tiêu cho hàng chục hécta đất nông nghiệp, thủy sản. Khi không còn nguồn nước thì người dân ở những bản nghèo này khó còn cơ hội phát triển kinh tế. Khi phát hiện người dân đã lên UBND xã Sin Suối Hồ để hỏi thì vỡ lẽ, xã cũng chưa nắm được sự việc.

Người dân bản Dền Sung lo lắng việc việc đào hầm rồi sẽ lấy nước canh tác của họ. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân bản Dền Sung lo lắng việc việc đào hầm rồi sẽ lấy nước canh tác của họ. Ảnh: Hải Đăng.

Thuê phu vàng để đào hầm?

Khi người dân bản Dền Sung phát hiện sự việc đã kéo lên khu vực đào hầm để xem xét cụ thể. Tuy nhiên, nhóm người đào đã chặn họ ngay ở cửa hầm, không thể vào bên trong. Những hộ dân này đành bỏ về trong bất lực.   

Ở khu vực rừng của Sàng Mà Pho, đoạn gần suối có hai lỗ hầm đã được khoét. Một hầm đang đào dở thì bị bỏ. Còn đầu ra ở bên kia, giữa bản Sàng Mà Pho đã xuất hiện một lỗ thủng to. 

“2 bên hầm sắp sửa nối với nhau rồi, anh em cũng bảo tôi. Trước đó, bà con dân bản đã cấm, cãi nhau một tuần rồi. Càng nói họ càng đào, càng làm, dân thua, thôi đành kệ. Giờ cái ao cá, với mấy thửa ruộng nước chảy xuống hầm hết rồi. Trước nước ở đây nhưng khi họ đào hầm thấp hơn nên nước đã nhỏ đi”, trưởng bản Sàng Mà Pho Lý A Dế nói.

Cũng theo vị trưởng bản, họ đã thuê những phu vàng có kinh nghiệm đào hầm ở nơi khác về để làm. Dù không biết rõ số tiền công cho mỗi mét hầm đào được, nhưng vị này ước tính không thể có giá vài triệu đồng một mét dài vì làm hầm rất nguy hiểm và phức tạp.

Suối Séo Lèng nằm trên địa bàn bản Sàng Mà Pho, được bắt nguồn từ con thác nhỏ. Ảnh: Hải Đăng.

Suối Séo Lèng nằm trên địa bàn bản Sàng Mà Pho, được bắt nguồn từ con thác nhỏ. Ảnh: Hải Đăng.

Sau khi sự việc loang ra, UBND xã, đồn biên phòng, công an đã vào kiểm tra thực địa. UBND xã Sin Suối Hồ đã lập biên bản sự việc.  

Ông Lý A Dế còn là người chứng kiến sự việc khi cơ quan chức năng kiểm tra, gọi ô tô chở 2 máy nổ và đồ dùng điện khi ở hầm không ai thừa nhận số thiết bị này là của họ. Ông Lý A Dế cho biết, họ đào vào khu vực hưởng dịch vụ môi trường rừng.

Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết, đối tượng cai thợ đào hầm là Hoàng Đức Mạnh (sinh năm 1988, trú thôn Tân lợi, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã thừa nhận hành vi san ủi đào bới đất rừng tại lô 06, 07 khoảnh 10, 11 tiểu khu 57.

Hoàng Đức Mạnh đã thừa nhận hành vi tự ý san ủi đào bới đất rừng là vi phạm pháp luật và chấp nhận nộp phạt theo quy định, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét để được hoàn trả lại hiện trạng.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì đối tượng Hoàng Đức Mạnh bị xử phạt 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, ai đứng sau bỏ ra số tiền "khủng" để đào hầm xuyên bản Sàng Mà Pho và với mục đích gì thì chưa có câu trả lời rõ ràng. Trong khi, những hộ dân ở Dền Sung và Chung Hồ đều không đồng tình với lời giải thích đưa ra từ UBND xã Sin Suối Hồ rằng một số hộ dân Sàng Mà Pho đào hầm lấy nước nuôi cá.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.