| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng giữa thành phố vùng cao

Thứ Ba 30/04/2024 , 13:38 (GMT+7)

So với các địa phương khác, diện tích rừng của thành phố Lai Châu ít hơn nhưng lại có những đặc thù riêng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu triển khai công tác bảo vệ, kiểm tra rừng định kỳ. Ảnh: Hải Đăng.

Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu triển khai công tác bảo vệ, kiểm tra rừng định kỳ. Ảnh: Hải Đăng.

Chủ động bảo vệ rừng mùa hanh khô 

Thành phố Lai Châu có diện tích tự nhiên gần 10.000ha, trong đó khoảng 2.600ha là rừng phòng hộ và rừng sản xuất, 200ha rừng cảnh quan…

Từ trung tâm thành phố Lai Châu đi tới các xã không quá xa song địa hình rừng cũng hết sức phức tạp, đồi núi cao, dốc đứng không kém gì các huyện miền núi. Rừng và diện tích đất lâm nghiệp của thành phố Lai Châu chủ yếu tập trung ở các khu vực giáp ranh với các xã Thèn Sin, Hồ Thầu, Tả Lèng, Nùng Nàng của huyện Tam Đường; xã Lản Nhì Thàng của huyện Phong Thổ và xã Lùng Thàng, Ma Quai của huyện Sìn Hồ nên công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp khó khăn… 

Thời điểm này đang là cao điểm hanh khô, nắng nóng trong khi thực bì trên đất lâm nghiệp chủ yếu là cỏ gianh, lau lách, nương rẫy của đồng bào các dân tộc ở các huyện và địa bàn thành phố canh tác xen kẽ trong rừng nên là nguy cơ cháy rừng do đốt nương rẫy rất cao. 

Ông Nguyễn Văn Thế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu cho biết, vào mùa khô, Hạt đã tham mưu, kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, kiện toàn các tổ đội chuyên trách và có các văn bản đề nghị các xã phường triển khai công tác phòng chống cháy rừng với các phương án cụ thể để đối phó với những tình huống xảy ra.

Công tác chữa cháy của các địa phương đảm bảo được phương châm “4 tại chỗ”. Khi phát hiện đám cháy các lực lượng tại chỗ tại bản giữ vai trò quan trọng khi sớm tiếp cận đám cháy, khoanh vùng, dập lửa không để cháy lây lan, giảm tối thiểu diện tích thiệt hại…

Ông Vàng Văn Tín ở tổ 12 phường Quyết Thắng cho biết, nhóm 11 hộ do ông làm tổ trưởng quản lý bảo vệ 34ha rừng được giao. Mỗi năm, thu nhập từ việc bảo vệ rừng được hơn 7 triệu đồng. Cùng với việc canh tác, sản xuất nông nghiệp thì số tiền này giải quyết được tương đối nhiều việc của gia đình. 

“Chính vì lợi ích từ việc bảo vệ rừng đem lại, nên chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, phòng chống cháy rừng. Giờ đang mùa khô, các thành viên trong nhóm hộ luân phiên, đảo nhau tuần tra liên tục. Bởi mùa khô, người dân hay phát nương, làm rẫy, có người sơ ý làm cháy, đốt nương nên chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ rừng. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm tuyên truyền đối với bà con rằng đốt nương phải dọn dẹp bên rìa nương mới được đốt, để không cháy lây lan. Khi kiểm soát, chủ động được, ngọn lửa sẽ không lan vào rừng”, ông Vàng Văn Tín nói.

Rừng cảnh quan giữa thành phố Lai Châu. Ảnh: Hải Đăng.

Rừng cảnh quan giữa thành phố Lai Châu. Ảnh: Hải Đăng.

Lợi ích giữ rừng ở thành phố

Lợi thế trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở thành phố Lai Châu là nhận thức của người dân tương đối cao. Tuy nhiên, không vì vậy Hạt Kiểm lâm thành phố lơ là trong công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Thế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu cho biết, trước khi chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên trao đổi với người dân để nắm bắt các thông tin, để người dân có ý thức cao hơn trong tuần tra, bảo vệ rừng…

Trong đó, bà con trên địa bàn được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính; không được khai thác lâm sản trong rừng khi cơ quan có thẩm quyền chưa cấp phép; không được chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì…  

Cùng với việc nắm bắt các quy định, bà con còn có hương ước riêng để giúp người dân nâng cao nhận thức, xử lý những trường hợp vi phạm chưa đến mức xử lý theo pháp luật.

Khu vực rừng từ thành phố Lai Châu đi động Pu Sam Cap. Ảnh: Hải Đăng.

Khu vực rừng từ thành phố Lai Châu đi động Pu Sam Cap. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Vàng Văn Thịnh ở tổ 12 phường Quyết Tiến cho hay, từ năm 1990, ở đây chủ yếu đất trống đồi trọc. Đến năm 1995, nhà nước cho trồng những cây thông để phủ xanh. Tất cả anh em đều cùng nhau bảo vệ, từ đó cho đến nay, cây rừng mới to như vậy. Riêng ngày 2/2 hằng năm, bà con tổ chức cúng rừng. Tập tục này do các cụ để lại, cúng rừng để mong mưa thuận, gió hoà, chăn nuôi phát triển, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt, sau khi cúng rừng, ai vào chặt phá cây cối sẽ bị phạt theo lý. Lần đầu tiên sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, lần thứ 2 thì phạt 4-5 triệu đồng, trừ vào tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này sẽ được dùng mua lợn, nấu cỗ cho cả bản, tổ dân phố…

Tỉnh lộ 128, từ thành phố Lai Châu tới động Pu Sam Cáp cũng là đoạn đường có rừng đẹp ở thành phố Lai Châu với những cây cổ thụ lớn. Ông Nguyễn Văn Thế cho biết, hiện đang có chủ trương phát triển du lịch quanh động Pu Sam Cap. Việc phát triển du lịch, người chủ rừng sẽ được hưởng lợi vì đơn vị du lịch sẽ phải trả 1% doanh thu để chủ rừng quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, thành phố Lai Châu ở vị trí khá cao so với mức nước biển nên trên địa bàn không có thủy điện, song năm 2023, số tiền 7 doanh nghiệp thủy điện phải nộp khi sử dụng lưu vực rừng của thành phố lên tới 2,9 tỷ đồng.

“Thành phố Lai Châu ở đầu thượng nguồn, do đó nước sẽ chảy về vùng thấp, ở những nơi đó, thủy điện sử dụng nước để vận hành nhà máy. Vì vậy, các công ty này phải chi trả cho những người quản lý bảo vệ rừng, giữ nước đầu nguồn và người dân sẽ được lợi”, ông Thế nói.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất