| Hotline: 0983.970.780

Không nên chuyển đổi sang trồng sầu riêng ồ ạt

Thứ Hai 26/12/2022 , 18:19 (GMT+7)

TIỀN GIANG Việc chuyển đổi cây sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái nói chung không nên thực hiện ồ ạt, chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng trong vùng quy hoạch.

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT Tiền Giang đã kiểm tra, khảo sát thực địa về tình hình phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh này.

Diện tích sầu riêng vẫn phù hợp với chuyển đổi sản xuất

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Năm 2021, cả nước có khoảng 85.000ha cây sầu riêng, tập trung tại Tây Nguyên (35.000ha), Đông Nam Bộ (20.000ha) và ĐBSCL (30.000ha). Năm 2022, theo số liệu ước tính từ các sở NN-PTNT, diện tích sầu riêng đã tăng thêm từ 7.000 - 10.000ha. Tại ĐBSCL, diện tích cây sầu riêng được mở rộng tại các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang.

Empty

Các nhà chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân cần xem xét cẩn thận trước khi quyết định đầu tư cây trồng khó tính như sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết thêm, nhiều năm gần đây, nhất là giai đoạn từ 2015 đến nay, việc tăng trưởng của cây sầu riêng tại ĐBSCL là tương đối đồng đều. Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận có sự đột biến về diện tích sầu riêng trong năm 2022 do Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vừa được ký kết, tạo sự phấn khởi trong nông dân. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cây trồng của các tỉnh trồng cây ăn trái ở cả khu vực phía Nam. 

ĐBSCL có khoảng 350.000ha cây ăn trái, trong đó diện tích cây sầu riêng đạt khoảng 30.000ha. Gần đây cây trồng này được bà con nông dân quan tâm tìm hiểu chuyển đổi sản xuất.

Tại Tiền Giang, địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn nhất ĐBSCL, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tiền Giang cho biết: Tính đến nay, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt 17.653ha, trong đó diện tích đang cho trái khoảng 10.539ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Cái Bè, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy. So với đầu năm 2020, đến nay, diện tích cây sầu riêng của tỉnh tăng trên 3.142ha.

“Theo mục tiêu Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025, Tiền Giang sẽ có vùng chuyên canh cây sầu riêng đạt 17.000ha, tuy nhiên theo khảo sát thì đến nay đã hoàn thành”, ông Men khẳng định, diện tích sầu riêng phát triển phù hợp theo Đề án.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng đồng quan điểm nhận định số liệu này là phù hợp với sự tăng trưởng chung bởi vừa qua, một diện tích lớn các vườn cây sầu riêng bị ảnh hưởng đợt hạn mặn 2019 - 2020 đã được phục hồi rất tốt. Bên cạnh đó, thời gian qua, cây sầu riêng chứng tỏ được hiệu quả kinh tế cao, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên càng được nông dân quan tâm chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu, cây ăn trái già cỗi, cây ăn trái yếu ớt do nhiễm mặn…

Cần cân nhắc khi chuyển đổi sang cây sầu riêng

Việc phát triển cây sầu riêng hiện nay tại ĐBSCL tuy vẫn còn nằm trong quy hoạch của các tỉnh nhưng vẫn còn một số vấn đề các ngành chức năng khuyến cáo người dân quan tâm tìm hiểu trước khi chuyển đổi sang loại cây trồng khó tính này.

Empty

Thời gian qua, giá sầu riêng thuận lợi đã khuyến khích nông dân chuyển đổi sang cây trồng này nhiều hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Văn Men khuyến cáo: Bà con nông dân chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng trong vùng quy hoạch; đặc biệt là tuân thủ quy định, nhất là Nghị định 62 về việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đất trồng lúa. Khi chuyển đổi cần có sự liên kết tiêu thụ; không chuyển đổi trên đất lúa không thích nghi; thực hiện rải vụ đều hơn nữa tránh thu hoạch cùng lúc gây sản lượng ùn ứ, tránh mùa thu hoạch của sầu riêng Thái Lan; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Lê Thanh Tùng, việc chuyển đổi cây sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái nói chung không nên thực hiện ồ ạt bởi khi đó sẽ thiếu đi nguồn giống chất lượng cao để đáp ứng. Cây ăn trái cần có thời gian dài để chăm sóc, nếu chất lượng không đạt sẽ mang hiệu quả thấp, thậm chí thiệt hại cho bà con. Việc chuyển đổi cũng cần phải theo quy hoạch đã được Sở NN-PTNT các tỉnh nghiên cứu kỹ càng.

Ông cũng cho rằng, đối với các loại nông sản nói chung, trong đó có trái cây khi xuất khẩu tại các thị trường Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… các yêu cầu hàng rào kỹ thuật rất gắt gao. Đó là sự nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch... Nếu nông dân đầu tư mà không đủ năng lực quản lý chất lượng nông sản để vượt qua các hàng rào thị trường thì lợi nhuận không cao, rủi ro lớn.

Bên cạnh đó, số lượng HTX trong lĩnh vực cây ăn trái hiện tại có rất ít và hoạt động hiệu quả chưa cao. Nếu phát triển một cách tự phát sẽ không đủ diện tích để xây dựng cấp mã số vùng trồng xuất khẩu (khoảng 10ha liền canh và chuyên canh).

Ông Lê Thanh Tùng cũng dẫn ra rất nhiều loại cây trồng trước đây phát triển mà không có sự chuẩn bị, cứ phát triển đến lúc thị trường không tiêu thụ được cần phải có sự "giải cứu". “Sẽ không có sự giải cứu nào mang lại hiệu quả cao, chúng ta phải tự giải cứu chúng ta ngay từ bây giờ”, ông Tùng nhấn mạnh và khuyến cáo.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.