| Hotline: 0983.970.780

Không nên tái đàn ồ ạt khi chưa có chỉ dẫn của ngành chức năng

Thứ Ba 25/02/2020 , 08:17 (GMT+7)

Quảng Ninh hiện không còn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trong nhiều tháng, cơ quan hữu trách khuyến cáo tới người dân không nên tự ý tái đàn ồ ạt.

Nhiều hộ dân tại Quảng Ninh đã lên kế hoạch tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

Nhiều hộ dân tại Quảng Ninh đã lên kế hoạch tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

Để thực hiện tốt việc quản lý đàn lợn, phát triển chăn nuôi trong và sau khi xảy ra DTLCP, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương không nên thực hiện việc tái đàn tại các nơi đang xảy ra dịch, các hộ có lợn bị bệnh trong thời gian qua.

Việc tái đàn chỉ nên áp dụng đối với các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi nằm trong "an toàn", tức là qua 60 ngày không phát sinh dịch và thực hiện nghiêm chỉnh công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại mới được phép tái đàn.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh): Dự kiến tổng sản lượng thịt lợn trên địa bàn năm 2020 là 98.516 tấn; sản lượng thịt lợn cung ứng hết quý II/2020 khoảng 45.000 tấn.

Hiện nay, tình hình tái đàn chỉ mang tính cầm chừng, thăm dò (khoảng 20%), chủ yếu tại cơ sở chủ động được nguồn giống. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (5-20 con) để trống chuồng, nhất là các hộ có lợn bị bệnh buộc tiêu hủy trong thời gian qua (16.225 hộ/29.688 hộ chiếm 54,65%).

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong thời gian tới các hộ chăn nuôi còn chịu tác động của các quy định chặt chẽ của Luật Chăn nuôi 2018. Theo đó các hộ nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi buộc phải di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi; các hộ nằm trong khu vực được phép chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về mật độ nuôi, quy mô nuôi, khoảng cách đến các đối tượng chịu ảnh hưởng...

Do đó, chủ trương của ngành chỉ khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện, chủ động nguồn giống sạch bệnh, thực hiện cải tạo hạ tầng đảm bảo an toàn sinh học để đầu tư nuôi mới. Chi cục Thú y cũng đã khuyến cáo tới người dân xác định rõ con giống, vùng đảm bảo an toàn, không nên tự ý mua giống lợn trôi nổi trên thị trường với mục đích tái đàn ồ ạt.

"Công tác chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả con giống và thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá thành sản phẩm còn thấp nên người chăn nuôi chưa dám mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi.

Chủ yếu các hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ, nằm xen kẽ với khu dân cư, phân tán rải rác gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh", ông Đông cho biết thêm.

Thời gian qua, DTLCP đã bùng phát và lây lan rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số hộ chăn nuôi lợn bị dịch với số lợn phải tiêu hủy rất lớn đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của nhân dân, nguồn kinh phí của tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu đàn vật nuôi và nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ số hộ dân đã nhận được hỗ trợ/số hộ xảy ra dịch là 97,73%. Tổng số hộ dân được hỗ trợ là 15.610 hộ với 141.176 con lợn, kinh phí hỗ trợ: 323.962 triệu đồng.

Có 11 huyện, TX, TP đã hoàn tất việc chi trả kinh phí hỗ trợ thiệt hại. Còn 3 địa phương (Quảng Yên, Hải Hà và Tiên Yên) đang thực hiện niêm yết danh sách các hộ chăn nuôi đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Một xã ở Bắc Giang có hơn 4.000 cây trám, thu 5-6 tỷ đồng/năm

Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 4.000 cây trám đen đang ở độ tuổi cho thu hoạch, riêng ở thôn Vân Xuyên có gần 3.000 cây.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.