| Hotline: 0983.970.780

Hậu dịch tả lợn châu Phi, các tỉnh tăng tốc tái đàn

Thứ Sáu 14/02/2020 , 09:16 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, khi hơn 90% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Các địa phương đẩy mạnh tái đàn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống cúm gia cầm và dịch bệnh trên gia súc. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống cúm gia cầm và dịch bệnh trên gia súc. Ảnh: Minh Phúc.

Chăn nuôi còn nhiều rủi ro

Sáng 13/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ năm 2002, đặc biệt đỉnh điểm năm 2004, đại dịch cúm gia cầm gây tổn thất rất lớn cho ngành chăn nuôi. Chúng ta phải tiêu hủy 45 triệu con gia cầm, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn. Sau giai đoạn đó, chúng ta có bước tiến vượt bậc cả về thể chế, chơ chế, công nghệ, nhận thức và phương thức tổ chức chăn nuôi. Chúng ta cũng rất tự hào bởi hệ sinh thái xung quanh ngành chăn nuôi đã có bước tiến vượt bậc.

Hiện giá lợn hơi trên thị trường khoảng 80.000 đồng/kg.

Hiện giá lợn hơi trên thị trường khoảng 80.000 đồng/kg.

“Chưa nước nào ở khu vực có quy mô sản xuất cám công nghiệp tới 25 triệu tấn. Chưa nước nào ở khu vực có các thiết chế chăn nuôi lớn gia súc, gia cầm mà đảm bảo sản xuất mỗi năm 40 triệu con lợn, với hệ thống giống gốc từ cụ, kỵ, ông bà thuộc công nghệ mới nhất của thế gới. Cùng với đó chúng ta có quy trình, cung cách chăn nuôi ngày một tiến bộ”, Bộ trưởng khẳng định.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho biết, bây giờ trang trại chăn nuôi cỡ 10.000 con lợn là bình thường. Có những đơn vị hiện nay sản xuất 50 triệu con gà giống, không phải là gà công nghiệp mà là gà đặc sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu nhìn thẳng vào thực tế thì nền chăn nuôi Việt Nam vẫn còn nguy cơ rủi ro rất cao. Vấn đề nổi lên hàng đầu là chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. 

Điểm thứ hai là Việt Nam trải dài ở 15 vĩ độ, cả á nhiệt đới, ôn đới và nhiệt đới, tương ứng với nhiều dạng địa hình và tiểu vùng khí hậu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch dã rất cao, trừ một số tiểu vùng khí hậu rất đặc biệt như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bắc Khánh Hòa.

Điểm bất cập thứ ba của ngành chăn nuôi mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc tới, đó là mật độ đàn chăn nuôi quá lớn. Chưa bao giờ cả nước nuôi tới 467 triệu con gà đủ các loại. 

“Chúng ta cơ bản bước ra đại dịch tả châu Phi. Hơn 90% số xã của cả nước đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc đảm bảo an toàn sinh học không triệt để, không ai dám khẳng định dịch tả lợn châu Phi không quay trở lại”, Bộ trưởng nói.

Điểm đặc biệt của thời tiết năm nay đó là nhuận hai tháng 4, nền nhiệt lạnh vì có rét “nàng Bân”, tiết mưa mù. Đây là điều kiện tối đa cho các loại virus như lở mồm long móng, dịch tả.

Do đó, các địa phương cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch.

“Chúng ta rất muốn tái đàn lợn để phục hồi quy mô chăn nuôi lợn. Nhưng phải đảm bảo tăng trưởng chắc chắn, ổn định bền vững, không được bất chấp rủi ro để tăng đàn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nhiều tỉnh tăng tốc tái đàn

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cho biết: Hiện nay dịch tả châu Phi cơ bản đã được khống chế trên địa bàn Hà Nội (đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch).

Năm 2019, tổng số lợn phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi trên địa bàn TP Hà Nội là 450.000 con (chiếm hơn 29% tổng đàn). Tuy nhiên, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn đã và đang tăng tốc tái đàn, nâng số đầu lợn tăng thêm 231.000 con (tính đến tháng 1/2020).

“Nếu các hộ dân tái đàn mà không khai báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương, khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy, thành phố kiên quyết không hỗ trợ, thậm chí xử phạt”, ông Đăng nhấn mạnh.

Theo thống kê, trong năm 2019, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã lập biên bản xử phạt hành chính 105 hộ nuôi (với hơn 6.000 con lợn) do tái đàn không đúng quy định với số tiền gần 60 triệu đồng, buộc tiêu hủy theo đuy định và không hỗ trợ 551 con.

Giống như Hà Nội, Bắc Giang cũng đang tìm mọi giải pháp để tái đàn lợn. Ông Nguyễn Viết Toàn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, cho biết 100% số xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã qua ít nhất 65 ngày không xuất hiện dịch tả châu Phi. Do đó dự kiến đến tháng 3 tỉnh sẽ công bố hết dịch.

Theo kế hoạch, tỉnh Bắc Giang sẽ nâng tổng đàn lợn từ 819.000 con lên khoảng 1 triệu con. Trước đây các trang trại, gia trại chỉ nuôi lợn đạt trọng lượng 90kg đến 1 tạ là xuất bán. Nhưng, giá lợn đang rất cao nên bà con nuôi vỗ lên 1,2 đến 1,5 tạ mới bán. Do đó, sản lượng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt mức tương đương năm 2018.

Thống kê của tỉnh Đồng Nai cho thấy, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã tái đàn được 354.000 con, tăng 28% so với cuối năm 2019. Hiện đang có 64 cơ sở đăng ký tái đàn với tổng số gần 82.000 con.

Để đạt được những thành tựu trên, tỉnh Đồng Nai đã có định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp và triển khai các chính sách về hỗ trợ phát triển chăn nuôi như xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, áp dụng quy trình VietGAP, an toàn sinh học trong chăn nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2019 đạt gần 3,29 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Trong đó sản lượng thịt lợn trong quý IV giảm nhiều do tháng 5 và 6/2019 là tháng cao điểm của dịch tả lợn châu Phi. Lợn bị tiêu hủy nhiều nhất (trên 1,2 triệu con), tái đàn rất ít dẫn đến nguồn cung các tháng cuối năm thiếu hụt. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế đã khiến giá thịt lợn tăng cao và nhanh.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn, nước uống, phun trong chuồng, độn chuồng, bảo đảm vẫn giữ được an toàn cho đàn lợn.

Điển hình như mô hình của Tập đoàn Quế Lâm (tại Thừa Thiên – Huế), Công ty Hà Long (Hưng Yên), HTX Hoàng Long (Hà Nội), Công ty Amafarm (Hưng Yên, Hải Dương).

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất