| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: 100% các xã, phường hết dịch tả lợn châu Phi

Thứ Ba 11/02/2020 , 09:41 (GMT+7)

Sau gần 1 năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi, 100% các xã phường xảy ra dịch bệnh tại thành phố Hải Phòng đã công bố hết dịch.

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 175 xã, phường tại Hải Phòng, gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 175 xã, phường tại Hải Phòng, gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.

Dịch bệnh xảy ra ở 13/15 quận, huyện

Ngày 22/2/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chính thức xuất hiện tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và sau đó nhanh chóng lan ra ra 175 xã, phường thuộc 13 huyện, quận. Toàn thành phố chỉ còn quận Ngô Quyền và huyện đảo Bạch Long Vĩ là không có dịch.

Dịch bệnh đã gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng với tổng số lợn bị tiêu hủy là 183.000 con (hơn 9.700 tấn), chiếm hơn 53% tổng đàn lợn trước khi có dịch.

Sau gần 1 năm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành địa phương, tính đến ngày 28/1/2020, toàn bộ 175 xã phường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã qua 30 ngày không phát hiện lợn bị ốm chết buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 7/2, UBND thành phố Hải Phòng đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi ở 3 huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (3 huyện UBND thành phố Hải Phòng công bố dịch). Đây là 3 địa phương cuối cùng của thành phố Hải Phòng công bố hết dịch.

Bài liên quan

 Ông Bùi Văn Luyện – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết: “Đến nay sau gần 1 năm, dịch tả lợn châu phi đã được khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi. 3 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Thủy Nguyên do UBND thành phố công bố dịch thì nay thành phố công bố hết dịch, các địa phương khác đã công bố hết dịch trước đó”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, quá trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Hải Phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh DTLCP; khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng; kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn; giám sát, cảnh báo dịch bệnh và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh, diễn biến dịch bệnh, cách truyền lây của bệnh, các biện pháp phòng bệnh, xử lý khi dịch bệnh xảy ra, tuyên truyền người dân thực hiện “5  không” trong phòng, chống dịch.

Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng gần 1 nă quan được cả hệ thống chính trị quan tâm, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng gần 1 nă quan được cả hệ thống chính trị quan tâm, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Đồng thời tuyên truyền về bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh cho người để người dân tích cực sử dụng thịt lợn,giảm khó khăn cho chống dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, quận có xã, phường, thị trấn nằm trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm… thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thúy khi có công bố dịch, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo của UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh DTLCP trên đàn lợn.

Tuy nhiên, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị hiệu quả. Vì vậy công tác phòng, chống, khống chế dịch gặp nhiều khó khăn, dịch đã xảy ra trên diện rộng và kéo dài hơn 09 tháng, gây tổn thất nặng nề về kinh tế và gây ô nhiễm môi trường sống. Mặt khác vẫn còn tâm lý chủ quan khi dịch có chiều hướng suy giảm (từ tháng 10 đến nay) và cơ quan truyền thông đăng tải một số thông tin, hình ảnh không đúng sự thực về biện pháp phòng chống dịch (như dùng hèm rượu, chữa khỏi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ...), dẫn đến tình trạng người chăn nuôi buông lỏng các biện pháp an toàn sinh học.

Gần 2.000 cơ sở đã tái đàn

Ngay sau khi dịch được khống chế, để đảm bảo sản xuất, đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt lợn trên thị trường, các cơ sở chăn nuôi đã từng bước tái đàn trở lại. Tính đến hết tháng 12/2019, đã có gần 2.000 cơ sở với quy mô tái đàn gần 85.000 con lợn, đưa tổng đàn lợn lên 240.000 con, bằng hơn 60% tổng đàn lợn trước khi có dịch.

Đã có gần 2.000 cơ sở chăn nuôi ở Hải Phòng tái đàn lợn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu của thị trường.

Đã có gần 2.000 cơ sở chăn nuôi ở Hải Phòng tái đàn lợn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ông Lương Văn Sáng – Giám đốc Công ty TNHH Quang Sáng, 1 doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại Hải Phòng cho biết: “Khi đang vướng dịch thì dân không dám thả lợn nhưng đến bây giờ được tin hết dịch trên thành phố, chúng tôi cố gắng dồn hết kinh tế để đưa con giống lợn vào chăn nuôi lại”.

Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng, dù đã công bố hết dịch, song thời gian tới, cơ quan chức năng và người chăn nuôi sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Đồng thời nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học đã có hiệu quả trong thời gian qua. Riêng các địa phương sẽ quản lí chặt chẽ việc tái đàn lợn theo quy định, các hộ chăn nuôi không tuân thủ, cố tình vi phạm sẽ không được nhận chính sách hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra. 

Ông Bùi Văn Luyện – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng cho biết: Sau khi dịch tả lợn châu phi đã được khống chế và đẩy lùi, thành phố đã công bố hết dịch để cho người chăn nuôi tiếp tục tái đàn, phục vụ sản xuất phục vụ người tiêu dùng, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, của các cấp chính quyền địa phương để đảm bảo khi tái đàn thì sẽ bảo vệ được đàn lợn phát triển.

Tính đến nay, các xã, phường có dịch đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi từ ngày 22/2/2019-26/6/2019 với tổng số tiền là 338 tỷ đồng theo Quyết định số 2062/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 của UBND thành phố Hải Phòng. Các địa phương tiếp tục hoàn thành chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi đợt 2 sau khi có quyết định phê duyệt kinh phí của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.