| Hotline: 0983.970.780

Không nôn nóng xuống giống vụ hè thu

Thứ Ba 26/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nông dân vùng trũng ở Sóc Trăng thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024 nhiều thắng lợi, nhưng ngành chuyên môn khuyến cáo bà con không nôn nóng xuống giống vụ hè thu.

Nằm ở khu vực vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa đông xuân 2023 - 2024 của thị xã Ngã Năm được bảo vệ an toàn trong mùa hạn mặn này. Hiện bà con nông dân nơi đây đang phấn khởi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy giá lúa đã có phần sụt giảm so với đầu vụ, nhưng lợi nhuận của bà con vẫn đảm bảo tăng từ 20 - 30% so với vụ đông xuân trước. 

Nhiều diện tích lúa đông xuân chính vụ ở thị xã Ngã Năm và huyện Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch rộ. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều diện tích lúa đông xuân chính vụ ở thị xã Ngã Năm và huyện Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch rộ. Ảnh: Kim Anh.

Trên những cánh đồng ở phường 2 (thị xã Ngã Năm), không khí thu hoạch lúa đông xuân năm nay khá nhộn nhịp. Nông dân Nguyễn Thành Chức ở khóm Tân Thành (phường 2) vừa cân xong những bao lúa cuối cùng khoe với phóng viên lúa đạt năng suất gần 8 tấn/ha.

ST25 là giống lúa được trồng phổ biến tại địa phương, năm nay gia đình ông Chức canh tác 1,3ha, nhờ thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít nên chi phí đầu tư cho vụ này chỉ dao động từ 20 – 30 triệu đồng/ha. Với giá thu mua 8.600 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình đạt lợi nhuận từ 38 - 48 triệu đồng/ha.

Cách đó không xa, ông Trần Văn Phụng cũng vừa thu hoạch xong 1ha lúa ST25, lợi nhuận thu được tương đương với ông Chức. Theo ông Phụng, giá lúa hiện tại cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ ngành nông nghiệp địa phương, nông dân trong vùng đã bắt đầu canh tác theo hướng bền vững hơn. Trong đó, chú trọng kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng giống gieo sạ, nhờ đó vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch trên 16.300ha lúa đông xuân 2023 - 2024, đạt 88% diện tích sản xuất, năng suất đạt 7,94 tấn/ha. Với tình hình tiêu thụ khá thuận lợi như hiện nay, giá bán lúa tại ruộng ở địa phương nằm ở ngưỡng cao. Cụ thể, giống lúa Đài thơm 8 giá thương lái thu mua từ 7.700 - 8.000 đồng/kg, OM18 từ 7.700 - 8.000 đồng/kg, lúa RVT từ 8.100 - 8.300 đồng/kg, cao nhất là các giống lúa ST24, ST25 từ 8.600 - 8.900đ/kg.

Dù giá lúa có phần sụt giảm so với trước Tết Nguyên đán, nông dân vẫn vô cùng phấn khởi khi lợi nhuận tăng từ 20 – 30% so với vụ đông xuân trước. Ảnh: Kim Anh.

Dù giá lúa có phần sụt giảm so với trước Tết Nguyên đán, nông dân vẫn vô cùng phấn khởi khi lợi nhuận tăng từ 20 – 30% so với vụ đông xuân trước. Ảnh: Kim Anh.

Tại huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng), địa phương có giống lúa Tài Nguyên nổi tiếng với chất lượng gạo ngon, xốp và mềm cơm. Vụ đông xuân năm nay, trên cánh đồng sản xuất giống lúa Tài Nguyên ở ấp Bào Cát (thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị) bà con nông dân vừa thu hoạch dứt điểm, giá lúa cao hơn năm trước 2.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Ngọt ở ấp Bào Cát vui mừng cho hay, năm nay gia đình sản xuất 3,5ha giống Tài Nguyên, với giá bán lên tới 10.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, tổng lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng.

Theo thống kê, năm nay huyện Thạnh Trị xuống giống trên 43.000ha lúa đông xuân, cho sản lượng trên 155.000 tấn. Trong đó, lúa đặc sản chiếm gần 60% diện tích. Dự kiến đến cuối tháng 4 này sẽ thu hoạch dứt điểm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh xuống giống lúa đông xuân trên 182.000ha, hiện đã thu hoạch đạt trên 65% diện tích, năng suất bình quân ước đạt gần 7 tấn/ha,

Trong tuần qua, giá lúa ở một số nhóm giống tăng nhẹ từ 50 - 100 đồng/kg, chủ yếu trên giống lúa IR50404, OM5451 và nhóm giống ST. Cụ thể, giá lúa thường dao động từ 7.400 - 8.300 đồng/kg, lúa thơm nhẹ từ 8.000 - 8.400 đồng/kg và lúa đặc sản từ 8.400 - 10.500 đồng/kg.

Ghe chở lúa tấp nập, sẵn sàng vận chuyển lúa đến nhà máy. Ảnh: Kim Anh.

Ghe chở lúa tấp nập, sẵn sàng vận chuyển lúa đến nhà máy. Ảnh: Kim Anh.

Mặc dù sản xuất vụ lúa đông xuân ở Sóc Trăng tới thời điểm này cơ bản thắng lợi cả về năng suất và giá bán, tuy nhiên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con nông dân, nhất là tại các vùng sản xuất bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn không vì giá lúa ở mức cao mà nôn nóng xuống giống vụ hè thu 2024.

Bởi theo bản tin dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước, tại các vùng được kiểm soát mặn ở tỉnh Sóc Trăng trong tháng 3 đến đầu tháng 4 độ mặn sẽ lên cao, ranh mặn 4g/l có thể vào sâu 50 - 60km. Gió chướng có thể làm mặn sâu hơn từ 5 - 7km so với dự báo. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản xuất và cấp nước ở Sóc Trăng.

Bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tuân thủ lịch thời vụ của ngành chức năng nhằm tránh thiệt hại cho vụ hè thu sắp tới.

Thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tính đến ngày 15/3, gần 196.000ha lúa hè thu 2024 đã được xuống giống tại một số tỉnh, thành như: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và một ít diện tích ở tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Tháng 3 và tháng 4 là cao điểm hạn mặn của năm, các địa phương cần cân nhắc giãn sản xuất một số diện tích vụ hè thu.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.