| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre: Nhanh chóng khống chế bệnh viêm da nổi cục nhờ xã hội hoá vacxin

Thứ Bảy 02/04/2022 , 14:52 (GMT+7)

Bến Tre Bệnh viêm da nổi cục trên bò khởi phát ở Bến Tre từ tháng 8 năm 2021 nhưng nhanh chóng được khống chế nhờ công tác xã hội hoá vacxin tiêm phòng.

Khống chế được bệnh viêm da nổi cục

Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò ở tỉnh khởi phát từ tháng 8 năm 2021 tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Sau đó, bệnh này lây lan ra 53 xã thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh với hơn 830 con bò bị nhiễm bệnh. Trong đó có 226 con bò bị chết và tiêu hủy để khống chế mầm bệnh lây lan.

Bệnh viêm da nổi cục trên bò khởi phát ở Bến Tre từ tháng 8 năm 2021 nhưng nhanh chóng được khống chế. Ảnh: Minh Đảm.

Bệnh viêm da nổi cục trên bò khởi phát ở Bến Tre từ tháng 8 năm 2021 nhưng nhanh chóng được khống chế. Ảnh: Minh Đảm.

Kể từ cuối tháng 1 năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh không có ca bệnh mới phát sinh. Dịch bệnh này đã được kiểm soát. Các giải pháp triển khai phòng chống dịch bệnh được thực hiện đảm bảo đủ điều kiện hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở địa bàn 4/6 huyện, thành phố, gồm: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre.

Nói về việc nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, ông Phan Trung Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bến Tre cho biết: Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin là giải pháp hữu hiệu khống chế được dịch bệnh này. Thời gian đó, ngân sách phòng chống dịch Covid-19 được ưu tiên hàng đầu nên chúng tôi đẩy mạnh xã hội hoá công tác tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục trên đàn gia súc.

Đội ngũ thú y viên cấp cơ sở kết hợp với chính quyền địa phương thành lập các đội tiêm phòng đến từng hộ dân. Người dân rất sẵn lòng trả tiền cho công tác tiêm phòng. Tuy mỗi liều vacxin có giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng hiệu lực bảo vệ đến 1 năm. Từ đó, thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục thấp, tổng thiệt hại chỉ trên 1 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục được hơn 87% so với tổng đàn trên 200 nghìn con, trong đó vùng có dịch tỷ lệ tiêm đạt trên 97%. Công tác phun hóa chất tiêu độc môi trường chăn nuôi được thực hiện đồng bộ trên diện rộng.

Riêng đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, từ đầu năm đến nay phát sinh tại 9 ấp, 7 xã, 6 huyện thành, phố gồm: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP. Bến Tre. Buộc phải tiêu hủy trên 1.000 con, tổng trọng lượng tiêu hủy gần 49 tấn.

Tính từ ngày con bệnh cuối cùng bị tiêu hủy (1/2022) đến nay có 6 huyện, thành phố gồm: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm và TP. Bến Tre đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh và thực hiện đảm bảo các giải pháp chống dịch cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.

Tiếp tục xã hội hoá công tác tiêm phòng

Theo giám sát của Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho thấy bệnh viêm da nổi cục tại các huyện, thành phố cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh vẫn có thể tái phát do mầm bệnh hiện vẫn còn lưu hành ngoài môi trường. Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chưa áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong khi đó véc-tơ truyền bệnh viêm da nổi cục tồn tại và phát triển. Thời tiết nắng nóng và mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Riêng bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có vacxin phòng bệnh do đó nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh là rất cao.

Sở NN-PTNT Bến Tre đề nghị các địa phương thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh. Ảnh: Minh Đảm.

Sở NN-PTNT Bến Tre đề nghị các địa phương thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh. Ảnh: Minh Đảm.

Nhằm kịp thời khôi phục chăn nuôi, Sở NN-PTNT Bến Tre đề nghị các địa phương thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động hộ dân tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho tất cả các con trâu, bò chưa được tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục hoặc các con đã được tiêm phòng cần tiêm mũi tăng cường theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định số 13/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Trong đó, tập trung triển khai và thực hiện việc đăng ký chăn nuôi theo quy định nhằm đảm bảo cho công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh cũng như đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và triển khai Quyết định số 205 của Cục Chăn nuôi về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi cho trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ.

Nói về chính sách tiêm phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi năm 2022, ông Phan Trung Nghĩa cho biết thêm: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền tiêm phòng theo dạng xã hội hoá đối với một số bệnh bắt buộc tiêm phòng. Trong đó có 5 loại bệnh gồm: Viêm da nổi cục, lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm và bệnh dại được hỗ trợ khi có dịch bệnh xuất hiện. Riêng bệnh dịch tả heo Châu Phi được hỗ trợ hoá chất phun tiêu độc khử trùng. Ngành đã tham mưu cho tỉnh chủ động dự trữ các hoá chất và vacxin phòng chống dịch.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.