LTS: Năm 2023 ghi dấu tròn 30 năm phát triển của hệ thống Khuyến nông Việt Nam. Trên hành trình đóng góp to lớn cho sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn, có dấu chân thầm lặng, không biết mệt mỏi của những cán bộ khuyến nông cơ sở.
Gieo nhu cầu, hái quả ngọt
Năm 2007, chị Văn Thị Thúy Vi lúc đó đang là Phó Bí thư Đoàn xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm làm khuyến nông viên của xã. Thời điểm đó, chị chỉ nhận được phụ cấp 300 nghìn đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, yêu nghề chăn nuôi - thú y, chị Vi vẫn cố bám trụ. Đến nay, chị đang là Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm nhiệm khuyến nông viên xã Hải Phú. Từ hai nguồn phụ cấp này, mỗi tháng chị được nhận 3,9 triệu đồng và hỗ trợ một phần đóng bảo hiểm xã hội.
Nhưng có thời điểm, cũng như rất nhiều khuyến nông viên tại tỉnh Quảng Trị, chị Vi phải làm việc “không lương” nhiều tháng liền. Đó là khi chính sách của UBND tỉnh Quảng Trị đối với khuyến nông viên và nhân viên thú y bị gián đoạn.
Sâu sát với các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương giúp chị Vi nhận ra, sản xuất nông nghiệp tại Hải Phú còn nhỏ lẻ, manh mún. Người dân ở đây vẫn chủ yếu sản xuất chỉ để tự cung tự cấp, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Vì vậy, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích còn thấp.
Hải Phú có diện tích rừng rất lớn, đất đai trù phú…, đầy tiềm năng để phát triển kinh tế. Nhưng lâu nay, đời sống kinh tế người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Những cánh rừng sản xuất cứ 4 - 5 năm lại thu hoạch 1 lần, đốt thực bì rồi trồng mới. Những vườn đồi vốn dĩ có thể quy hoạch trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao thì người dân chỉ trồng cây hàng năm. Trồng lúa theo phương thức truyền thống đầu tư cao, giá bán thấp nhưng nó đã ăn sâu vào tiềm thức nông dân Hải Phú. Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân không phải là câu chuyện một sáng một chiều.
“Ai cũng có nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhưng lại ngại thử nghiệm và thay đổi. Nếu không làm một vài mô hình điểm thì người dân sẽ không tin đâu. Để làm mô hình điểm, là khuyến nông viên, mình phải chấp nhận đánh cược với rủi ro, phải là người chịu trách nhiệm chính về hiệu quả. Ngoài ra, người dân không phải ai cũng rành về các thủ tục hành chính nên mình phải phải hỗ trợ thêm, mất rất nhiều thời gian”, chị Vi chia sẻ.
Mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế để khuyến khích và lắng nghe ý kiến của người dân, chị Vi tìm đến các đơn vị chuyên môn về chăn nuôi và trồng trọt để tham vấn, đề xuất nguyện vọng. Từ đó, nhiều đoàn cán bộ, giảng viên của các trường dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cũng về Hải Phú tập huấn.
Nông dân vỡ ra nhiều điều, hóa ra con đường thoát nghèo nằm ở chính mảnh đất này chứ không phải ở đâu xa xôi. Người dân từ chỗ hoài nghi dần đã thay đổi tư duy và suy nghĩ. Những cánh đồng lúa hữu cơ liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị ngày một rộng thêm. Hàng trăm ha rừng được chuyển từ rừng lấy gỗ dăm sang trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. Những vườn cam, vườn ổi kéo dài tít tắp từ chân lên tận đỉnh đồi K34. Những mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò tập trung được hình thành… Người dân Hải Phú nói, dấu chân chị Vi có mặt khắp nơi trên vùng đất này.
Ông Trần Kim Quang tại thôn Long Hưng vừa hoàn thành thủ tục để được hưởng nguồn hỗ trợ 100 triệu đồng triển khai mô hình nuôi bò 3B thâm canh. Ông Quang cho hay, nếu không có những buổi tập huấn về xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò thì đến thời điểm này ông cũng chỉ dám đầu tư nuôi vài ba con thử nghiệm. Nắm chắc kỹ thuật trong tay, đủ tự tin, ông Quang mới dám đầu tư hàng trăm triệu đồng để triển khai mô hình.
“Được tập huấn, mình mới vỡ ra nhiều điều về chăn nuôi. Những buổi tập huấn giúp nông dân tự tin hơn hẳn. Được hỗ trợ tiền xây dựng mô hình ai cũng vui nhưng hữu ích nhất vẫn là được trang bị những kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp”, ông Quang chia sẻ.
Cầu nối ý đảng – lòng dân
Trước đây, ông Văn Anh Minh ở đội 3 Phú Hưng (xã Hải Phú) chỉ nuôi vài con bò. Tuy nhiên, vài năm nay, anh đầu tư chuồng trại, thuê thêm đất của người dân trồng cỏ nuôi 9 con bò sinh sản. Anh Minh cho rằng, nếu không được khuyến nông viên động viên, hỗ trợ, đến nay anh vẫn chỉ nuôi vài con bò, trồng cỏ voi thay vì cỏ sữa như hiện nay. Bản thân anh Minh cũng không dám mạnh dạn thuê thêm đất trồng cỏ, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
“Nếu không được hỗ trợ, tôi vẫn đầu tư chuồng trại, thuê đất trồng cỏ nuôi bò nhưng sẽ không làm quy mô lớn như thế này. Quá trình triển khai, tôi đã được khuyến nông viên tư vấn rất nhiệt tình cả về thủ tục cũng như trình tự, quy trình, kỹ thuật trồng cỏ, xây dựng chuồng trại sao cho có nhiều ưu điểm nhất. Tôi đã chuyển từ nuôi bò địa phương sang nuôi các giống bò lai để phối tinh nhân tạo giống 3B. Đến nay, 0,75ha cỏ nuôi bò của tôi đã được hỗ trợ chi phí tưới tiết kiệm. Vườn cỏ và đàn bò phát triển tốt và đang đem lại cho gia đình tôi niềm hi vọng lớn”, anh Minh cho hay.
Chị Vi dùng xe máy chở tôi đi thăm các khu trang trại chăn nuôi tập trung. Ở xã Hải Phú có lẽ không người dân nào không biết tên chị. Dấu chân chị Vi đã đặt lên hầu hết các đỉnh đồi cao nhất đến những vùng sâu trũng tại đây.
“Ở đâu có mô hình, gần như tuần nào tôi cũng đi thăm. Đi nhiều thành ra quen đường quen lối. Thấy chỗ nào nông dân có nông sản cần bán, tôi cũng mua đi - bán lại. Nói thật, thời gian không có tiền phụ cấp, tôi dựa vào đó để sống đấy”, chị Vi vui vẻ nói với chúng tôi.
Ông Lương Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho hay, năm 2023, các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã giải ngân cho người dân số tiền gần 500 triệu đồng. Các mô hình đều phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của địa phương. Ông Quốc cho rằng, thành quả ấy có vai trò, đóng góp rất lớn của khuyến nông viên.
“Nhiều mô hình, nếu không được sự hỗ trợ đắc lực của khuyến nông viên thì người dân sẽ rất ngại triển khai. Vẫn còn tâm lý e ngại của người dân vì cho rằng, để nhận được tiền hỗ trợ từ các chương trình, dự án thì hồ sơ, thủ tục sẽ rất rườm rà. Có hộ lại sợ thử nghiệm giống mới, cách làm mới. Thành ra, để thuyết phục người dân làm theo không dễ. Khuyến nông viên giúp chúng tôi và người dân gỡ bỏ những nút thắt ấy”, ông Quốc chia sẻ.
Theo chị Văn Thị Thúy Vi, khuyến nông viên xã Hải Phú, chính tâm lý này khiến người dân nhiều khi mất đi cơ hội. Việc hỗ trợ các nguồn vốn cũng cần phải xác định đúng đối tượng. Nếu người dân thực hiện các chương trình dự án chỉ với mục đích hưởng chính sách hỗ trợ thì hiệu quả sẽ không bền vững, không có sức lan tỏa.
“Thực ra, nguồn hỗ trợ không quá lớn so với đối ứng người dân bỏ ra để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Với những nông dân tâm huyết và có chí thú làm giàu, dù không được hỗ trợ họ cũng xây dựng mô hình. Còn những hộ làm mô hình chỉ vì để nhận tiền hỗ trợ thì nguồn vốn không thể phát huy hiệu quả. Nhưng nguồn hỗ trợ đóng vai trò là chất xúc tác tạo ra động lực giúp các mô hình đi đúng hướng, đầu vào chất lượng cộng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới cho ra sản phẩm đảm bảo năng suất và chất lượng”, chị Vi chia sẻ.
“Chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải có người đưa đến gần dân. Dân hiểu rồi nhưng có tin tưởng làm theo hay không thì vai trò của khuyến nông viên là rất quan trọng. Hải Phú có được những cánh rừng gỗ lớn, có được những cánh đồng lúa hữu cơ hay vườn cây ăn quả, chăn nuôi tập trung lớn như hiện nay, công tác khuyến nông đóng vai trò rất lớn”, ông Lương Trung Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú đánh giá.