| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông phiên chợ sôi động vùng biên

Thứ Hai 25/09/2023 , 07:41 (GMT+7)

LẠNG SƠN Người dân vùng cao mang cả gà, nhổ cả cây đến phiên chợ, tranh thủ hỏi khuyến nông viên về cách chữa trị, chăm sóc...

Độc đáo mô hình khuyến nông phiên chợ

Ngày 3 và ngày 8 là các phiên chợ ở xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Một trong các ngày đó, sẽ là lúc các khuyến nông viên từ tỉnh đến huyện, xã bận tối tăm mặt mũi. Từ xử lý bọ ánh kim ở cây hồi, đến chuyện gà không lớn, lợn không chịu ăn..., tất tần tật đều được chuẩn bị để giải đáp cho nông dân.

Trước phiên chợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cùng các đơn vị liên quan sẽ tìm một khu vực đông người qua lại ở chợ phiên để sắp xếp bàn ghế cho khuyến nông viên ngồi. Khu vực này sẽ là nơi giải đáp thắc mắc cho nông dân.

Chị Mạc Thị Bền, Chủ tịch Hội Phụ nữ kiêm khuyến nông viên xã Yên Phúc (Văn Quan, Lạng Sơn) đến tận từng hộ dân để tìm hiểu tình hình sản xuất. Ảnh: Nam Nguyên.

Chị Mạc Thị Bền, Chủ tịch Hội Phụ nữ kiêm khuyến nông viên xã Yên Phúc (Văn Quan, Lạng Sơn) đến tận từng hộ dân để tìm hiểu tình hình sản xuất. Ảnh: Nam Nguyên.

Khuyến nông là cách giáo dục ngoài học đường để nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề sản xuất cho nông dân. Lạng Sơn là tỉnh đi đầu trong tổ chức mô hình khuyến nông phiên chợ.

Người dân vùng cao mang cả gà, nhổ cả cây đến phiên chợ, tranh thủ hỏi khuyến nông viên về cách chữa trị, chăm sóc.

“Nông dân thích lắm, vì với họ, không đâu gần gũi, dễ đi bằng chợ. Nhiều khi bà con hỏi chuyên sâu quá, ngoài tầm của khuyến nông viên thì chúng tôi đều ghi chép lại, mang về hỏi chuyên gia trong lĩnh vực”, chị Mạc Thị Bền, khuyến nông viên kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Phúc cho biết.

Mỗi năm 4 lần, mô hình khuyến nông phiên chợ lại diễn ra ở các cụm xã trong mỗi huyện.

Ông Nguyễn Duy Hà, Trưởng Phòng Thông tin Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn) cho biết: “Mô hình khuyến nông phiên chợ tạo được không gian mở cho nông dân và không giới hạn về số lượng người tham gia. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã tổ chức được 13 phiên chợ khuyến nông tại một số huyện như Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn, Tràng Định...

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn, mỗi phiên chợ thu hút từ 200 đến 400 lượt người tham dự, tăng gấp đôi so với trước đây.

Theo kế hoạch từ năm 2021 - 2025, mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn sẽ tổ chức 4 phiên chợ khuyến nông tại các huyện trong tỉnh để giúp bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới.

Từ hiệu quả thiết thực của phiên chợ khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn tổ chức, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Văn Quan, Bắc Sơn, Tràng Định cũng đã chủ động tổ chức các phiên chợ khuyến nông để tư vấn, hướng dẫn bà con khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất.

Cán bộ khuyến nông Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm và kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp ngay tại các phiên chợ. Ảnh: Văn Việt.

Cán bộ khuyến nông Lạng Sơn hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm và kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp ngay tại các phiên chợ. Ảnh: Văn Việt.

Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cho biết từ năm 2017 đến nay, hoạt động khuyến nông đã mở rộng hình thức tuyên truyền, tăng cường đưa thông tin kỹ thuật nông nghiệp về cơ sở. Kết quả, đã tổ chức được 17 chương trình truyền thông "Khuyến nông phiên chợ" tại 17 điểm chợ cụm xã nông thôn với hơn 5.300 lượt nông dân tham gia, cấp phát hơn 4.000 tờ rơi, tài liệu kỹ thuật nông nghiệp các loại; đồng thời tư vấn, giải đáp trực tiếp về kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp cho hơn 2.500 lượt người.

Sờ tận tay, nhìn tận mắt

Ông Hứa Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) nhận xét, khuyến nông phiên chợ là mô hình rất hiệu quả.

“Bà con ở địa phương hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, là người sản xuất trực tiếp gắn với đồng ruộng, gắn với nương quế và các loại cây trồng nông lâm nghiệp khác. Tham gia phiên chợ khuyến nông, bà con được tận mắt xem, tận tai nghe hướng dẫn các quy trình phòng chống sâu bệnh hại cho cây trồng... Các anh chị tư vấn viên khuyến nông cũng hết sức nhiệt tình, chu đáo, thuyết trình cho bà con ở vùng cao một cách dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Cán bộ khuyến nông tư vấn khoa học kỹ thuật cho bà con tại chợ phiên. Ảnh: Mai Linh.

Cán bộ khuyến nông tư vấn khoa học kỹ thuật cho bà con tại chợ phiên. Ảnh: Mai Linh.

Khuyến nông phiên chợ không hề giống một lớp tập huấn hay chương trình phổ biến khoa học kỹ thuật. Phải nói hiệu quả cao hơn rất nhiều. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được bà con tham gia rất cầu thị. Qua đó bà con sẽ nâng cao được kiến thức để sản xuất”, ông Tường nhận xét.

Ngoài ra, ông Tường cho biết, điều ông cảm động nhất đội ngũ khuyến nông viên đi từ 3h sáng để chuẩn bị tư vấn cho bà con.

Tích cực là thế, song để tổ chức được khuyến nông phiên chợ không phải điều dễ, đòi hỏi mỗi cán bộ khuyến nông cần phải nỗ lực phấn đấu khắc phục. Nhiều người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, ngại thay đổi thói quen sản xuất, chưa chủ động học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn.

Một số cơ sở chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và vai trò của các tổ chức đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông. Các xã vùng I không được bố trí khuyến nông viên, do đó công tác thông tin tuyên truyền, cũng như các hoạt động của đội ngũ khuyến nông viên chưa toàn diện, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất...

Chương trình tư vấn kỹ thuật nông nghiệp tại các phiên chợ thu hút rất đông bà con nông dân tham dự. 

Chương trình tư vấn kỹ thuật nông nghiệp tại các phiên chợ thu hút rất đông bà con nông dân tham dự. 

Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở còn thấp, chưa khích lệ động viên, tạo sự nhiệt huyết trong hoạt động khuyến nông ở cơ sở. 

Như trường hợp của chị Mạc Thị Bền (khuyến nông viên kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Phúc (huyện Văn Quan) dù đã hơn 15 năm công tác, song đồng lương khuyến nông do kiêm nhiệm nên mới chỉ được 700.000 đồng/năm. Số tiền ấy có lẽ chưa đủ đổ xăng xe máy đi đến các hộ dân.

Dấu ấn khuyến nông chăn nuôi 

Trong 30 năm qua, cùng với hoạt động khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp, các chương trình khuyến nông chăn nuôi của Lạng Sơn đã tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao.

Chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi trang trại, gia trại thâm canh với quy mô phù hợp. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Các chương trình được thực hiện đồng bộ trên nhiều loại vật nuôi trọng điểm khác nhau như: Chương trình Sind hóa đàn bò; chăn nuôi lợn hướng nạc; chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học; trồng cỏ kết hợp nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò; phát triển gia cầm bản địa đặc sản như vịt cổ xanh, gà chân vàng Vạn Linh, gà 6 ngón Mẫu Sơn.

Trang trại nuôi bò nái sinh sản tại Công ty Cửa Đông ở xã Trung Thành (huyện Tràng Định, Lạng Sơn). Ảnh: Lê Bền.

Trang trại nuôi bò nái sinh sản tại Công ty Cửa Đông ở xã Trung Thành (huyện Tràng Định, Lạng Sơn). Ảnh: Lê Bền.

Các chương trình, dự án khuyến nông chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh, tận dụng là chính sang chăn nuôi có đầu tư, thâm canh. Trong các mô hình về chăn nuôi, đã quan tâm đến việc thay đổi nhận thức của người chăn nuôi với sức khỏe cộng đồng và giảm ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, chương trình cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giống bò ngoại lần lượt được thực hiện tại các huyện Bắc Sơn, Văn Quan và Bình Gia với quy mô 550 con bò cái sinh sản, tỷ lệ phối thành công trung bình đạt gần 79% và vượt so với mục tiêu đề ra (60 - 70%).

Các mô hình khuyến nông chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được đông đảo nông dân quan tâm và tham gia, lan tỏa trên diện rộng, trở thành phong trào phát triển chăn nuôi góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.