Kỷ niệm với mô hình cá nheo Mỹ và lúa J02
Đến kỳ thu hoạch, bình thường khi kéo cá thì chúng luôn giãy ầm ầm, lắm khi còn vọt cả qua lưới để chạy chốn. Nhưng khi kéo đã quá nửa lồng mà mặt nước vẫn yên tĩnh, không thấy cá đâu, anh Nguyễn Bá Giang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mới kêu lên: “Thôi chết rồi, cá của tôi đâu hết rồi?”.
Trong khi đó cán bộ huyện, xã cùng các cơ quan đài báo đứng trên bờ chờ càng khiến cho nỗi lo ấy càng nặng trong lòng anh. Cuối cùng, lưới kéo gần hết lồng lũ cá mới quẫy ầm ầm. Nước bắn lên tung tóe, cả tấn cá dày đặc, đen sì bên dưới ô lưới. Câu chuyện đó trở thành một kỷ niệm đặc biệt với anh em làm khuyến nông ở huyện Sóc Sơn.
Hơn 10 năm về trước, chị Nguyễn Thị Tập lúc đang làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) thì được cử kiêm nhiệm luôn khuyến nông viên. Tuy rằng mức phụ cấp rất khiêm tốn, được có 1.092.000đ/tháng nhưng chị vẫn vui vẻ nhận.
“Vì yêu nông nghiệp mà tôi nhận làm khuyến nông viên vì nghĩ khuyến nông có nhiều chương trình ưu đãi cho bà con. Ví dụ như mô hình hỗ trợ giống, phân bón, trồng khoai tây vụ đông, nuôi gà thả vườn, cấy giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu, vay vốn… Bà con khi làm ra sản phẩm được đem đi trưng bày, giới thiệu ở các hội chợ, được giao lưu, nắm bắt các thông tin về thị trường cũng rất thiết thực", chị Tập tâm sự.
Nhớ lúc đầu sau gieo sạ, mưa cả đêm khiến chị Tập nằm nhà mà lo không ngủ được bởi sợ lúa trôi, sợ ốc cắn. Sáng sớm hôm sau, bà con có ruộng chưa có mặt ở đồng nhưng khuyến nông đã có mặt rồi. Chị Tập khuyên bà con cấy hàng rộng hàng hẹp, họ trả lời cây lúa cứ trống huếch trống hoác trên ruộng thì sao đảm bảo năng suất, rồi lại phải chăng dây để cấy nữa, ngại lắm. Thế mà về sau khi gặt năng suất cao ai cũng vui.
"Tôi hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai tây không lấp đất, chỉ phủ rơm bà con sợ thất thu, rồi sợ tốn công đi xin rơm đắp luống. Nhưng đến khi thu hoạch, dỡ lên ai cũng sướng vì củ nào củ nấy nặng 4 - 5 lạng, mỗi sào được cả tấn khoai, chở từ ngoài đồng về mà lắm người còn vừa đi vừa hát. Rồi mô hình nuôi gà lai Đông Tảo, con to, thịt ngon, dễ bán, hiện vẫn còn duy trì", chị Tập kể.
Cũng theo chị Tập, mô hình khuyến nông về lúa cũng có nhiều điểm nổi bật. Ví dụ như chuyện giống lúa chất lượng cao như J02 đã vào được hai vụ, đang sản xuất trên diện tích 30ha.
"Giờ đất ít, cấy lúa chủ yếu để gia đình ăn chứ không bán nên nông dân quan tâm trước tiên đến cơm ngon, sau đó mới là năng suất. Lúc mới đầu đưa giống Nhật J02 vào, nhìn cây lúa hơi thấp, bà con sợ không hợp đất, không năng suất, không ngon cơm. Nhưng thực tế trong quá trình trồng thấy J02 kháng bệnh khá, năng suất cao vì là dạng bông giấu hạt, đặc biệt nấu rất ngon cơm nên nhiều người lại quay ra ưa chuộng. Mấy năm trước chúng tôi cấy giống Bắc Thơm số 7, cơm ngon thật, nông dân thích nhưng giống này có nhược điểm nhiễm sâu bệnh nhiều, phải phun thuốc liên tục không đảm bảo an toàn, năng suất cũng kém nữa nên bỏ gần hết rồi”, chị Tập nói.
Khuyến nông chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình. Thông thường, sau khi hết mô hình thì nông dân phải tự lo, khuyến nông sẽ không hỗ trợ nữa vì nó đã là kỹ thuật thông thường, không còn tính mới. Nhưng đến khâu tiêu thụ, nếu nông dân gặp khó khuyến nông cũng tham gia cùng bằng cách tổ chức các buổi hội chợ quảng bá sản phẩm hay giới thiệu các đầu mối mua hàng.
Những tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp nhiều khi đi trước cả nhu cầu của cuộc sống nên có phần khó khăn trong việc mở rộng. Câu chuyện mạ khay - cấy máy ở xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) là một ví dụ. Mươi năm về trước, khi trên đưa mạ khay - máy cấy vào đây chỉ được một vài vụ đã thất bại. Thứ nhất là bởi bà con chưa nắm rõ kỹ thuật, ngại làm mạ. Thứ hai là hệ thống máy móc được xã phân cho thôn Thượng chứ không phải cho HTX để làm dịch vụ nên lâm vào cảnh “cha chung không ai khóc”, lại không biết cách tổ chức sản xuất, chẳng mấy chốc mà tan.
Hiện, đứng trước nhu cầu của cuộc sống, địa phương đang muốn khôi phục lại mạ khay - máy cấy nhưng theo chị Tập phải có cán bộ khuyến nông đứng ra cùng với HTX để hoạt động dịch vụ, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo mạ, đến cấy trọn gói với các giống lúa chất lượng, ví dụ như J02 rồi mới bàn giao ruộng cho dân. Tránh tình trạng như trước đây giao về cho dân tự làm mạ, họ không biết làm, kể cả khi có mạ rồi thôn lại không biết cách cấy.
HTX có trách nhiệm với cộng đồng
Không như nhiều gia đình nông thôn khác giờ đang chuyển đổi nghề sang dịch vụ, công nghiệp, nhất là những lao động trẻ, mẹ con chị Nguyễn Thị Lâm đều là thành viên của HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân. Chị năm nay 57 tuổi và con trai 35 tuổi. Khác với thời xưa làm ruộng tự do chẳng có ai theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, giờ mọi hoạt động của chị cũng như các thành viên đều được lãnh đạo HTX theo dõi cẩn thận và họ còn theo dõi chéo lẫn nhau nữa.
Trên 90% lao động của HTX đều là trung tuổi, cao tuổi nên con trai chị Lâm trở thành của hiếm. Dạo trước anh bàn với mẹ bỏ ra hơn 300 triệu đồng để mua chiếc xe tải 5 tạ chở hàng rau cho HTX, sáng sang nội thành giao, chiều về lại chăm sóc rau cùng mẹ. Thu nhập mỗi tháng của con được khoảng 15 triệu đồng, của mẹ được 5 - 7 triệu đồng.
“Vấn đề không chỉ là kinh tế mà khi làm ra sản phẩm sạch, thứ nhất là đảm bảo an toàn cho chính mình, sau đó là cộng đồng khiến tôi rất đam mê. Tôi ham ra thăm đồng lắm. Nắng sớm nên 5 giờ sáng tôi đã ra đồng nhặt cỏ, bón phân, làm đất để 9 giờ nghỉ; chiều từ 4 giờ thu hoạch đến đến 7 giờ tối để mai rau đi cho tươi”, chị Lâm bày tỏ.
Có được một HTX mạnh như ngày hôm nay bà con không khỏi nhớ ơn những người đi tiên phong. Anh Ngô Văn Luyến - Phó Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân kể, xưa HTX kiểu cũ tan rã, đến năm 2012 khi thấy Luật HTX mới ra đời, anh cùng với 9 người nữa đã đứng lên thành lập HTX kiểu mới để cùng nhau sản xuất, cùng nhau tiêu thụ sản phẩm.
Lúc đầu quy hoạch vùng sản xuất 10ha, nay đã lên tới 20ha với 96 thành viên. Năm 2018, HTX tiến hành liên kết ở trong huyện với các xã như Việt Long, Bắc Phú và ngoài tỉnh như Bắc Giang. Mục đích là để cân đối trong việc tiêu thụ hàng hóa lẫn nhau, lúc thừa cũng như lúc thiếu. Trước đây HTX hoạt động độc lập, bị hạn chế ở chỗ khi các mối hàng không tiêu thụ được hết đành phải mang sản phẩm ra chợ bán, hàng VietGAP bằng với giá hàng thông thường, bị thương lái ép giá do không biết marketing, không biết tiếp cận hệ thống các cửa hàng. Nay HTX làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ, trường hợp sản xuất bị rủi ro như thiên tai, dịch bệnh thì cả hai bên cùng chịu. Mỗi vụ, lãnh đạo HTX lại đi các điểm liên kết một lần để xem xét tình hình, còn việc kiểm tra thì phải đi đột xuất.
Hộ sản xuất khi gặp tình trạng rau bị sâu bệnh thì quay clip gửi qua zalo cho HTX để xem nguyên nhân gì rồi gửi thuốc phòng trừ. Hộ sản xuất cũng phải tuân thủ việc ghi chép nhật ký gồm ủ phân với chế phẩm sinh học để diệt nấm hại và kích thích vi sinh vật có lợi, dùng thuốc BVTV sử dụng đúng trong danh mục, đảm bảo thời gian cách ly... Về việc cập nhập các kỹ thuật mới, hàng vụ các hộ được cán bộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông của huyện xuống tập huấn tận nơi.