Năm 2022, dấu ấn đậm nét và mang tính đột phá của Khuyến nông Việt Nam đó là việc triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Năm 2022, Đề án đã được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu lớn, theo đó đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng (2 tổ/tỉnh) với sự tham gia của 168 thành viên. Ngoài ra, các tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án vùng nguyên liệu với tổng số 123 tổ, gồm 689 thành viên tham gia.
Đến nay, ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, đã có thêm nhiều tỉnh thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ…
Theo đánh giá, bước đầu, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở, góp phần cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông, đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Khuyến nông cộng đồng đã giúp cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông. Đề án tập trung hình thành tổ khuyến nông cộng đồng trên cơ sở thành phần là cán bộ khuyến nông đang làm việc tại hệ thống khuyến nông tỉnh, huyện, xã, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất.
Khuyến nông cộng đồng cũng đã đa dạng chức năng, nhiệm vụ của khuyến nông cơ sở. Cụ thể, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã cung cấp nhiều công năng để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các nhóm hoạt động: Tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn hỗ trợ hình thành HTX nông nghiệp, phát triển thị trường, liên kết sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các HTX...
Trên cơ sở những nền móng quan trọng đã đạt được trong năm 2022, năm 2023, Trung tâm KNQG sẽ đánh giá việc thành thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng để xây dựng quy chế mẫu nhằm nhân rộng trong giai đoạn tới. Đồng thời, xây dựng và ban hành hướng dẫn thành lập và hỗ trợ khuyến nông cộng đồng dựa trên kinh nghiệm và bài học của một năm hoạt động để nhân rộng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tiếp tục hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng như kiến thức về HTX, thị trường và liên kết sản xuất, các kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mai điện tử... để các thành viên trong tổ có thể đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng.
Cầu nối nông dân với doanh nghiệp
Theo Công ty Cổ phân Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), để doanh nghiệp cùng tham gia vào các tổ khuyến nông cộng đồng là chủ trương đúng đắn của Bộ NN-PTNT.
Mô hình đóng vai trò là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận, liên kết được với nông dân, với các vùng nguyên liệu một cách dễ dàng hơn, đồng thời giúp định hướng chính xác, rõ ràng cho người dân về loại cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và khuyến nông cùng đồng hành đã giúp đỡ nông dân về mặt tiến bộ kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng nông sản đạt chuẩn chế biến, xuất khẩu, tạo cho nông dân và doanh nghiệp có mối liên hệ bền chặt hơn bao giờ hết.
Từ đó, DOVECO kiến nghị các bộ, ban, ngành cần nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng và hỗ trợ kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ khuyến nông cộng đồng tại các thôn bản, gia tăng năng lực của cán bộ khuyến nông địa phương, tạo chiều sâu cho các hoạt động khuyến nông, từng bước củng cố ngành nông nghiệp tại tất cả các địa phương trên cả nước...