Tại Việt Nam, ổ dịch tả lợn châu Phi (ASF) đầu tiên được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra 22 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị. Trong tháng 4, Hòa Bình và Bắc Kạn tuyên bố hết dịch.
Tại Trung Quốc, ASF xuất hiện tại toàn bộ 31 tỉnh, thành, khu tự trị, kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên hồi tháng 8/2018 ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành công nghiệp thịt lợn, gia tăng lo ngại về lạm phát giá tiêu dùng (CPI).
Hoàng Bảo Húc, quan chức Trung tâm Dịch tễ học và Thú y Trung Quốc, hôm 20/4 bác bỏ thông tin ASF tại Trung Quốc có nguồn gốc từ thịt lợn nhập khẩu từ Nga.
Thịt lợn bày bán tại một khu chợ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters). |
“Trung Quốc chưa bao giờ nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia từng bị ảnh hưởng bởi ASF, trong đó có Nga”, ông Hoàng nói với Global Times. “ASF xuất hiện tại Nga năm 2007 còn trường hơp đầu tiên nhiễm bệnh tại Trung Quốc xảy ra năm 2018”.
Kinh nghiệm từ Nga
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đi tìm giải pháp cho tình hình cấp bách hiện nay, Miratorg, công ty sản xuất thịt lợn lớn nhất nước Nga đưa ra một gợi ý: tăng quy mô chăn nuôi và giữ cho môi trường luôn sạch sẽ hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.
Miratorg, nơi cung cấp đến 3 triệu con lợn mỗi năm, không chỉ có những biện pháp cách ly chặt chẽ trong mọi khâu mà còn cấm tất cả công nhân chăn nuôi riêng cũng như săn bắt lợn hoang. Những biện pháp phòng vệ sinh học trên đã giúp Miratorg vượt qua thời kỳ đỉnh điểm của một trong dịch bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới.
“Chúng tôi rút ra những bài học từ sai lầm của chính mình cũng như từ bên khác và đặc biệt không bao giờ được lơ là công tác phòng ngừa dịch bệnh”, Dmitry Sergeev, người phát ngôn của Miratorg chia sẻ.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh là chìa khóa để Nga có thể gia tăng sản lượng thịt lợn gấp đôi vào năm 2019 so với con số vào năm 2007. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy ASF hoàn toàn có thể kiểm soát được.
“Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Nga, khoảng một nửa sản lượng thịt lợn đến từ những trang trại quy mô hộ gia đình. Họ chưa sẵn sàng để thích ứng”, Yury Kovalev, chủ tịch hiệp hội chăn nuôi lợn quốc gia Nga, chia sẻ với Bloomberg. “Những trang trại nhỏ bắt đầu chết dần chết mòn. Việc có những biện pháp phòng chống thích hợp là điều khá khó khăn đối với họ”.
Trong khi đó, những trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoàn toàn có thể gia tăng khả năng chống chọi với dịch bệnh. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc kiểm soát dịch bệnh bị cản trở bởi hàng triệu trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và hoạt động mua bán, vận chuyển lợn giữa các trang trại với nhau với khoảng cách lên đến hơn 2.000km.
“Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức”, Matthew Stone, phó giám đốc Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), chia sẻ. “Chúng ta đều thấy rằng khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ sinh học đang là thử thách đối với họ và đây cũng là điều mà họ cần lưu ý”.
Thiếu hụt thế giới không thể bù đắp
Ngành công nghiệp chế biến thịt lợn ở Trung Quốc lớn hơn nhiều lần so với Nga. Nơi đây là nguồn cung của một nửa số lượng lợn nuôi trên toàn cầu với quy mô của ngành lên đến 128 tỷ USD. ASF đang gây ra gián đoạn nguồn cung thịt lợn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nguồn cung trong nước giảm, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu thêm thịt lợn từ bên ngoài. (Ảnh: Reuters). |
Công ty dịch vụ tài chính Rabobank ước tính Trung Quốc có thể phải tiêu hủy tới 200 triệu con lợn và “cả thế giới gộp lại” cũng không đủ để bù đắp nguy cơ thiếu hụt này.
SCMP dẫn lời Đường Khoa, trưởng phòng thông tin kinh tế và thị trường, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết giá thịt lợn đã tăng mạnh trong tháng 3 và có thể tăng thêm tới 70% trong nửa cuối năm nay. Giá thịt lợn bán buôn trung bình trong tháng 3 tăng 6,3% so với tháng 2, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, quy mô đàn đang giảm, số lượng lợn tại các trang trại trong tháng 3 thấp hơn 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đối với lợn nái là giảm 21%.
Nếu không được kiểm soát, ASF sẽ hủy hoại ngành chăn nuôi, giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. CPI tháng 3 Trung Quốc tăng 2,3% và vẫn dưới mục tiêu 3% của chính phủ nước này.
“Giá thịt lợn sẽ là nguyên nhân chính làm tăng CPI trong năm nay”, Lục Đình, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu kinh tế Nomura, Nhật Bản, nhận định.
Nguồn cung trong nước giảm, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu thêm thịt lợn từ bên ngoài. Trong hai tháng đầu năm, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đã tăng 10% lên 207.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Giá thịt lợn nhảy vọt
“Một phần thịt lợn thường tới Mỹ giờ lại chuyển hướng sang Trung Quốc bởi họ trả giá cao hơn”, Jens Munk Ebbesen, giám đốc an toàn thực phẩm và các vấn đề thú y tại Hội đồng Lương thực và Nông nghiệp Đan Mạch, cho biết.
ASF đang để lại những hệ quả nhất định, từ đẩy giá thực phẩm cho đến tăng nhu cầu sử dụng các loại thịt khác như gà và bò. Sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc có thể giảm 30% trong năm nay, theo Rabobank International.
Tình trạng dư cầu sẽ có lợi cho nông dân, những người có thể bán lợn với giá cao hơn. Các nhà sản xuất có thể tăng quy mô chăn nuôi nhưng quy trình này cần có thời gian. “Đây là một thời khắc tốt cho các nhà sản xuất”, Didier Delzescaux, giám đốc hội đồng thịt lợn Pháp Inaporc, nói.
Tuy nhiên, 80% các trang trại lợn ở Trung Quốc lại chọn không tái đàn bởi ASF vẫn còn hoành hành.
Nông dân Trung Quốc bên cạnh những chú lợn con. (Ảnh: Reuters). |
“Chưa bao giờ có sự hoảng loạn như vậy trong các trang trại”, Vương Quân Tấn, phó phòng chăn nuôi và dịch vụ thú y, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết. “Nếu niềm tin không phục hồi, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt”.
Ông Vương cảnh báo giá thịt lợn có thể tăng hơn nữa trong năm 2020. Người Trung Quốc thích thịt lợn, chiếm 60% lượng thịt tiêu thụ. Chính “đam mê” này đang gây áp lực lên nhà chức trách trong việc đảm bảo đủ nguồn cung.
Nguồn cung nội địa giảm 10%, Trung Quốc sẽ phải nhập thêm hơn 2 triệu tấn thịt lợn, Chu Tăng Dũng, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết. Lượng thịt lợn thương mại hàng năm của thế giới là khoảng 9 triệu tấn, chỉ bằng 2 tháng tiêu thụ của Trung Quốc.
Về sản phẩm thay thế, ngành chăn nuôi gia cầm cũng đang bị hạn chế mở rộng. Sản lượng thịt gà có thể tăng 2,4% trong năm nay nhưng sức tiêu thụ có thể tăng 2,6%.
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nhận định: - Tả lợn châu Phi (ASF) là dịch bệnh nguy hiểm do virus tả lợn châu Phi (ASFV) gây ra trên lợn hoang cũng như lợn nhà. - ASF gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và kinh tế. - ASF là dịch bệnh động vật liên biên giới (TAD), có thể lây lan thông qua lợn nhiễm bệnh còn sống hoặc đã chết, lợn hoang, lợn nuôi, các sản phẩm từ lợn, thức ăn nhiễm khuẩn và thông qua những vật thể như giày dép, quần áo, phương tiện. - Dịch ASF đã xuất hiện tại châu Phi, nhiều khu vực ở châu Âu, Nam Mỹ, vùng Caribbe. Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Mông Cổ, là ba nước châu Á có dịch. |