Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 01/CĐ-TCT, yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục thuế doanh nghiệp lớn triển khai hiệu quả, đồng bộ, toàn diện về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng, hóa đơn điện tử...
Các nội dung kiểm tra, rà soát trong công điện được Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo về Tổng cục trước ngày 1/8.
Cụ thể, các đơn vị được yêu cầu triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing); cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm…
"Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ…", công điện 01 nêu rõ.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu triển khai các giải pháp để áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1/8 với các loại hình kinh doanh gồm: bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện… phục vụ chơi golf.
Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu phải rà soát, thống kê, đánh giá công tác quản lý thuế để lập kế hoạch áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh có doanh thu từ hoạt động bán vé tham quan khu du lịch, hoạt động vui chơi giải trí…
Đẩy mạnh chống thất thu thuế thương mại điện tử
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, livestream bán hàng đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam, vừa qua, liên tiếp các phiên livestream TikTok được công bố có doanh thu từ chục tỷ tới cả trăm tỷ đồng.
Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động quản lý thuế với các cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream bán hàng online.
Mới đây, tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Tài chính cho biết, thực hiện Nghị Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử.
Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đến nay, cơ quan thuế đã kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 ngân hàng.
Về kết quả, số thuế đã thu từ thương mại điện tử trong 5 tháng đầu năm 2024 là 50 nghìn tỷ đồng. Trước đó, năm 2022 đã thu được 83 nghìn tỷ đồng, năm 2023 thu được 97 nghìn tỷ đồng.
Hiện đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tập đoàn công nghệ (Facebook, Apple, Google...) thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng Thông tin dành cho nhà cung cấp nước ngoài với số tiền 15,6 ngàn tỷ đồng.
"Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử cũng như là với giao dịch điện tử", ông Phớc nói.