| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra tình hình sâu đục lá cà chua Nam Mỹ tại Sơn La

Thứ Năm 22/02/2024 , 17:23 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La đã lên kế hoạch phòng chống sâu đục lá cà chua Nam Mỹ trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La kiểm tra tình hình sâu đục lá cà chua tại Mộc Châu. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La kiểm tra tình hình sâu đục lá cà chua tại Mộc Châu. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, diện tích gieo trồng cà chua vụ thu đông năm 2023 là 122ha, gồm các giống Nova, Bi F1 PN-99, CTV40..., hiện đang giai đoạn cuối vụ thu hoạch. Diện tích gieo trồng vụ cà chua xuân hè năm 2024 dự kiến là 100ha, chủ yếu giống Nova, Chịu nhiệt F1 T-112, VA390..., hiện mới gieo trồng khoảng 20ha, cây cà chua đang giai đoạn sinh trưởng phát triển thân lá.

Triển khai chương trình công tác quý I năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-TTBVTV ngày 19/2/2024 về điều tra sinh vật gây hại trên cây cà chua. Ngày 20/2/2024, Chi cục đã cử cán bộ đi điều tra, nắm tình hình sâu đục lá tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu là những nơi trồng cà chua chủ yếu của tỉnh Sơn La.

Vết hại nhẹ trên lá do sâu đục lá cà chua gây hại. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Vết hại nhẹ trên lá do sâu đục lá cà chua gây hại. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Trên diện tích cà chua vụ thu đông năm 2023, tại thời điểm điều tra, hầu hết các diện tích gieo trồng đã thu hoạch xong, rải rác còn một số diện tích nhỏ lẻ tận thu cuối vụ, trên các vườn đều có triệu chứng gây hại của sâu đục lá cà chua với tỷ lệ gây hại khoảng 15 - 20% lá. Tuy nhiên các vườn đều đã dừng các biện pháp phòng trừ từ cuối tháng 12/2023.

Trước đó, nông dân đã phòng trừ sâu đục lá khi có triệu chứng gây hại bằng một số thuốc bảo vệ thực vật như Radiant® 60SC, Quiluxny 6.0WG, Ledan 95SP...). Kết quả phun trừ có hiệu quả và đã kiểm soát được mật độ sâu đục lá gây hại. Qua điều tra, nông dân cho biết niên vụ gieo trồng năm 2023 sâu đục lá cà chua không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà chua.

Vết hại nặng trên lá cà chua do sâu đục lá cà chua gây ra ở các vườn cà chua cuối vụ thu đông 2023. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Vết hại nặng trên lá cà chua do sâu đục lá cà chua gây ra ở các vườn cà chua cuối vụ thu đông 2023. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Trên diện tích gieo trồng vụ xuân hè 2024, đến ngày 20/2/2024, diện tích gieo trồng đạt khoảng 20ha (trồng từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2), cà chua hiện đang giai đoạn sinh trưởng, phát triển thân lá - ra hoa. Kết quả điều tra có triệu chứng gây hại của sâu đục lá với tỷ lệ hại trung bình 1 - 5% số lá, quả và chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cà chua. Một số vườn nông dân đã phun trừ sâu đục lá bằng thuốc bảo vệ thực vật như Ankamec 3.6EC, Bi-Sad 30EC...

Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La cũng lên kế hoạch phòng chống sâu đục lá cà chua Nam Mỹ trên địa bàn tỉnh, cụ thể: 

- Đối với các khu vực đã phát hiện sâu đục lá cà chua: Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố điều tra, xác định vùng nhiễm sâu đục lá cà chua để khoanh vùng và tổ chức phòng trừ, tiêu hủy diệt nguồn sâu khi còn diện hẹp; đánh giá mức độ hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất cà chua, quy luật phát sinh, phát triển của sâu; cử cán bộ bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân, chủ trang trại biện pháp phòng trừ, tiêu hủy sâu đục lá cà chua; nơi đã phun trừ cần thường xuyên kiểm tra (ít nhất 7 ngày/lần) để xác định hiệu quả phòng trừ.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La kiểm tra tình hình sâu đục lá cà chua trên các diện tích cà chua vụ xuân hè 2024. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La kiểm tra tình hình sâu đục lá cà chua trên các diện tích cà chua vụ xuân hè 2024. Ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La.

- Tiếp tục tổ chức điều tra phát hiện ở các khu vực trồng cà chua trọng điểm và các vùng trồng cây ký chủ chính (khoai tây, cà tím…) để tổ chức phòng trừ kịp thời (nếu phát hiện).

- Tổ chức thông tin tuyên truyền để nông dân nhận diện sâu đục lá cà chua và biện pháp phòng trừ khả thi, hiệu quả, an toàn với môi trường.

Từ năm 2019, Cục Bảo vệ thực vật đã nắm thông tin, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật chỉ đạo các địa phương có trồng cà chua điều tra loài sâu đục lá cà chua Nam Mỹ. Kết quả mới thấy loài này xuất hiện gây hại cục bộ tại một số nhà vườn tại Sơn La.

Ngày 19/2/2024, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La kiểm tra thông tin báo chí nêu. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La đã nhanh chóng cử cán bộ kiểm tra, báo cáo và lấy mẫu gửi Cục Bảo vệ thực vật giám định.

Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La thực hiện các biện pháp phòng chống sâu đục lá cà chua Nam Mỹ khi có kết quả giám định chính thức.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.