| Hotline: 0983.970.780

Sâu đục lá cà chua Nam Mỹ hoành hành

Thứ Hai 19/02/2024 , 06:30 (GMT+7)

SƠN LA Do không biết là loài côn trùng gì, không có thuốc phòng trừ nên khi bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xâm nhiễm, các vườn đều bị thiệt hại 50 - 100%.

Sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ (tên khoa học là Tuta absoluta) có nguồn gốc Nam Mỹ, được các nhà khoa học nước ta gọi là "sâu đục lá cà chua Nam Mỹ" để phân biệt với sâu vẽ bùa cà chua (Liriomyza trifolii) đã có ở Việt Nam. Đây là loài sâu mới xâm nhiễm vào nước ta, gây hại rất nghiệm trọng trên cây cà chua. Ruộng cà chua không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu có thể bị sâu đục lá Nam Mỹ gây thiệt hại từ 50 - 80% năng suất, chất lượng quả.

Nhà vườn cà chua khi chưa có sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xâm nhiễm. Ảnh: Hải Tiến.

Nhà vườn cà chua khi chưa có sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xâm nhiễm. Ảnh: Hải Tiến.

Sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xâm nhập vào Tây Ban Nha từ cuối năm 2006. Sau lan rộng ra khắp các quốc gia thuộc khu vực Trung và Tây Nam châu Á. Loài sâu này được thấy trên mẫu cà chua nhập từ Trung Quốc vào nước ta qua cửa khẩu Lào Cai. Đồng thời được Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) điều tra thấy xuất hiện tại các vùng trồng cà chua ở Mộc Châu và xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) vào tháng 7/2019.

Do phải tập trung cho phòng chống dịch Covid -19 trên người nên tới năm 2022, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) mới biết sâu đục lá Nam Mỹ đang gây hại rất nghiệm trọng trên các vườn cà chua trong nhà kính ở các địa phương trên.

Bà Nguyễn Thị Mây ở bản Áng, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu) bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại gần hết 1.000m2 cà chua trồng trong nhà lưới. Bà Mai cho biết, ban đầu bà nghĩ là bị sâu vẽ bùa gây hại, vì sau khi ăn diệp lục lá, sâu để lại vệt trắng tuy khá lớn nhưng cũng tương tự như sâu vẽ bùa nên bà Mai đã chọn mua thuốc đặc hiệu trừ sâu vẽ bùa phun trừ nhưng sâu không chết mà còn tiếp tục gây hại nặng hơn.

Trong lúc hoang mang, bà Mai liền mua đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật hoá học để phun luân phiên cách ngày nhưng sâu vẫn sống ngoe nguẩy trong phiến lá, ăn ruỗng hết diệp lục, còn bộ lá cây màu trắng. Kết quả, vụ sản xuất cà chua năm đó, bà Mai bị thua lỗ nặng.

Vườn cà chua bị tàn phá bởi sâu đục lá cà chua Nam Mỹ. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn cà chua bị tàn phá bởi sâu đục lá cà chua Nam Mỹ. Ảnh: Hải Tiến.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Duyến ở bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu) trồng 1.300m2 cà chua, bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại 50 - 60%. Ông Duyến đã thử mua loại thuốc trừ sâu "nặng" nhất, rồi đóng kín nhà kính, phun thuốc vào ban đêm, sáng ra vẫn thấy bướm của loài sâu này bay bám lên tận nóc khung nhà lưới.

Theo ông Duyến, ấu trùng sâu đục lá cà chua Nam Mỹ to gấp 4 - 5 lần sâu vẽ bùa cùng tuổi nên nhìn rất rõ bằng mắt thường. Thoạt đầu sâu non ăn diệp lục các lá già, sau ăn các lá bánh tẻ, rồi mới tới ăn những lá non, quả non, tốc độ xâm nhiễm gây hại của sâu rất nhanh. Ruộng cà chua có mật độ sâu cao, toàn bộ số lá trên cây bị mất màu xanh (không còn diệp lục), chỉ còn màu trắng bạc, sâu gây hại trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cà chua. Trong đó hại nặng nhất ở thời kỳ ra hoa, đậu quả. Thành trùng (bướm) của sục đục lá cà chua Nam Mỹ có màu xám, có khả năng bay rộng và cao.

Bà Trần Thị Nhàn (xã Đông Sang) cũng bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại khoảng 40% trong số 1.000m2 cà chua trồng trong nhà lưới. Bà Nhàn cho rằng, ruộng cà chua của bà bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại thấp hơn một số hộ khác là do may mắn, chứ không có cách phòng trừ khác lạ nào trên đối tượng sinh vật gây hại này.

Thành trùng (bướm) sâu đục lá cà chua Nam Mỹ. Ảnh: Hải Tiến.

Thành trùng (bướm) sâu đục lá cà chua Nam Mỹ. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Lê Văn Huấn ở thôn Nà Bó, xã Mường Sang nhìn nhận, do bị sâu gây hại bất ngờ và không biết đó là loài côn trùng gì nên khi bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xâm hại, các nhà vườn đều trở tay không kịp, thiệt hại tới 50 - 80%. Nhà ông Huấn cũng bị loài sâu trên phá hỏng 420m2/700m2 cà chua trồng trong nhà kính đang ở thời kỳ cho trái non.

Rút kinh nghiệm từ các hộ trồng cà chua bị thiệt hại nghiêm trọng nêu trên, năm 2023, ông Nguyễn Văn Vũ ở bản Ta Niết (xã Chiềng Hắc) đã sử dụng bẫy dính màu vàng bắt hoá vũ và phun các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Abamectin ngay từ khi xuống giống nên mức độ bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại chỉ khoảng 30 - 35%.

Lá cà chua bị sâu đục lá cà chua gây hại. Ảnh: Hải Tiến.

Lá cà chua bị sâu đục lá cà chua gây hại. Ảnh: Hải Tiến.

Đến nay, mới chỉ Nhật Bản và Tây Ban Nha đã sản xuất được bẫy hormone sinh học phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ, hiện chưa đưa vào Việt Nam vì cần phải khảo nghiệm, đánh giá khả năng phù hợp.

Bà Phạm Thị Thủy ở tiểu khu 14, thị trấn Nông Trường (Mộc Châu) trồng 2.000m2 cà chua cũng chỉ bị sâu dục lá cà chua Nam Mỹ gây hại chừng 30%. Bà Thuỷ tiết lộ, một số hộ giảm được một phần thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ là do được cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả trong Dự án của Tổ chức FAO hướng dẫn phòng trị. Mặt khác, việc trồng cà chua ở các xã vùng sâu hẻo lánh hơn, có điều kiện thời tiết se lạnh hơn cũng giúp giảm mật độ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ trong vườn.

Ông Nguyễn Thái Thịnh, cán bộ Viện Nghiên cứu Rau quả và là chuyên gia kỹ thuật của Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ triển khai trên địa bàn Mộc Châu (Sơn La) cho biết, phản hồi thông tin của những người dân nói trên là đúng, nhưng lưu ý, việc kết hợp bẫy dính màu vàng và một số thuốc bảo vệ thực vật hoá học cho phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ chỉ là giải pháp tình thế, vì không thể diệt triệt để được loài sâu này.

Quả cà chua bị sâu đục lá cà chua gây hại. Ảnh: Hải Tiến.

Quả cà chua bị sâu đục lá cà chua gây hại. Ảnh: Hải Tiến.

"Sâu đục lá cà chua Nam Mỹ là đối tượng sinh vật gây hại mới cực kỳ nguy hiểm, lây nhiễm qua con đường thông thương các loại rau ăn quả với tốc độ lan truyền rất nhanh, gây hại đặc biệt nghiêm trọng, sâu sinh sôi nảy nở mạnh trong điều kiện nhiệt độ không khí cao, khoảng tháng 3 - 10. Đến nay chưa có thông tin sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xuất hiện ở đồng bằng miền Bắc. Nhưng các địa phương này cần hết sức cảnh giác vì điều kiện sinh thái khu vực này rất thuận lợi cho sâu đục lá cà chua Nam Mỹ truyền nhiễm gây hại", Ông Nguyễn Thái Thịnh khuyến cáo.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất