Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các các huyện, thành phố có rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng chống cháy rừng, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Có phương án cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng tràm, một số khu rừng có trảng cỏ, cây bụi rải rác. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên.
Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân,...
Mùa khô năm nay thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt ở các tuyến kênh trong rừng tràm đã cạn nước, vật liệu cháy tích tụ nhiều năm khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Hiện nhiều khu rừng thuộc tỉnh Kiên Giang đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm (cấp IV và cấp V). Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị cháy gần 20 ha, trong đó thành phố Phú Quốc xảy ra 12 vụ, An Minh và Giang Thành mỗi huyện 1 vụ. Hiện trạng cháy chủ yếu là trảng cỏ, dây leo, cây bụi, một số khu vực rừng bị chặt phá...