| Hotline: 0983.970.780

Phát triển chăn nuôi công nghệ cao cần doanh nghiệp đồng hành

Thứ Sáu 23/08/2024 , 14:35 (GMT+7)

ĐBSCL Nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển chăn nuôi công nghệ cao đạt được nhiều thành công, nhưng cần sự đồng hành của doanh nghiệp để phát triển trong thực tế sản xuất.

ĐBSCL ghi nhận nhiều kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến giống vật nuôi, thức ăn dinh dưỡng, vacxin phòng bệnh. Ảnh: Kim Anh.

ĐBSCL ghi nhận nhiều kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến giống vật nuôi, thức ăn dinh dưỡng, vacxin phòng bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Để thúc đẩy chăn nuôi công nghệ cao ở ĐBSCL, GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) cho rằng, phát triển các công trình nghiên cứu khoa học cho ngành rất cần thiết.

Cụ thể là những công trình nghiên cứu khoa học về chuồng trại, con giống, thức ăn dinh dưỡng, ứng dụng công nghệ sinh học trên vật nuôi.

Trong đó, những nghiên cứu về cải thiện chuồng trại hiện không nhiều, chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư với công nghệ phù hợp điều kiện chăn nuôi nội tại của đơn vị.

Lĩnh vực công nghệ sinh học thời gian qua ghi nhận nhiều công trình nghiên cứu cũng như ứng dụng thực tiễn trên vật nuôi. Điển hình là công nghệ enzim bổ sung trong thức ăn; hay công nghệ sản xuất probiotic, nếu như trước đây Việt Nam phải nhập khẩu những sản phẩm này thì gần đây một số doanh nghiệp nội địa có thể chủ động sản xuất được.

Đối với mảng thú y phòng bệnh cho vật nuôi, hiện nay Việt Nam đã có các vacxin phòng 4 bệnh (Viêm phế quản truyền nhiễm, Newcastle, Gumboro, Marek) đối với gà màu hoặc gà ta khi mới nở. Vacxin này sẽ giúp các cơ sở chăn nuôi giảm số lần tiêm phòng bệnh cho gà. Bên cạnh đó cũng có những công nghệ tiêm và phun vacxin đều cho các con gà.

Ngoài ra, còn có những nghiên cứu nổi bật liên quan đến trình tự gen của những chủng virus thực địa. Sau đó so sánh lại với trình tự gen của vacxin, để so sánh, tìm ra trình tự gen của vacxin phù hợp với chủng virus đang gây ra bệnh trên vật nuôi tại một vùng cụ thể.

Bởi, virus biến đổi gen thường xuyên, liên tục, nếu chỉ sử dụng một loại vacxin nào đó, mà không xác định sự phù hợp bằng các công cụ công nghệ sinh học. Dẫn đến vacxin không phát huy hiệu quả, lãng phí cũng như gây rủi ro cho quá trình chăn nuôi.

Rất ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến cho lĩnh vực chăn nuôi gia súc nhai, nhất là trên bò, do đó những nghiên cứu về thức ăn dinh dưỡng cho loại vật nuôi này chưa nhiều. Ảnh: Kim Anh.

Rất ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến cho lĩnh vực chăn nuôi gia súc nhai, nhất là trên bò, do đó những nghiên cứu về thức ăn dinh dưỡng cho loại vật nuôi này chưa nhiều. Ảnh: Kim Anh.

Về con giống, cả nước đã có nhiều nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Một trong những công trình được công bố cách đây 2 – 3 năm là nhân bản thành công con heo ỉ.

GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ đánh giá, Việt Nam đã chủ động được công nghệ tiên tiến này. Như vậy, với những giống vật nuôi bản địa, có nguy cơ tuyệt chủng, tương lai có thể ứng dụng các công nghệ này để duy trì đàn, gầy dựng trở lại.

Ngoài ra, gần đây, bên cạnh các công trình nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất của gia súc, gia cầm, cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu về mảng thức ăn dinh dưỡng. Trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề môi trường, như sử dụng một số phụ liệu để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, đã có nhiều nghiên cứu thành công liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi tại vùng ĐBSCL.

Trong đó, công trình nghiên cứu chọn tạo một số giống gà địa phương cho năng suất cao được đánh giá khá thành công. Dựa trên đặc điểm di truyền, chỉ thị phân tử, các chuyên gia đã chọn ra dòng gà cải thiện được năng suất trứng, cao gấp 1,5 – 1,8 lần so với truyền thống.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, giúp ngành đáp ứng yêu cầu tốt công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, giúp ngành đáp ứng yêu cầu tốt công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Hiện đã có doanh nghiệp tham gia đồng hành và phát triển kết quả nghiên cứu này. Lãnh đạo Trường Nông nghiệp đánh giá, đây là bước thuận lợi cũng như tín hiệu đáng mừng trong hoạt động nghiên cứu đối với lĩnh vực chăn nuôi.

Bên cạnh đó, tại ĐBSCL hiện có nhiều chương trình nghiên cứu trong nước và quốc tế được triển khai, với mục tiêu khơi nội lực về con giống phục vụ chăn nuôi ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề chuyển giao những nghiên cứu đó ứng dụng trong thực tiễn vẫn còn hạn chế, cần có sự phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp, mới có thể nhân rộng thành công.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.