| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Vắt sức chống hạn

Thứ Ba 19/01/2010 , 10:26 (GMT+7)

Hàng ngàn ha lúa ĐX gieo sạ muộn của huyện An Biên có thể bị chết khô do nắng hạn kéo dài. Không ít nông dân đã bỏ ra cả chục triệu đồng để khoan cây nước, mua sắm máy bơm công suất lớn giải hạn cứu lúa nhưng chẳng ăn thua. Nguy cơ một vụ mùa thất bát đã hiển hiện.

 Ít nhất cũng còn hơn một tháng nữa mới tới ngày thu hoạch nhưng nhiều ruộng lúa của nông dân các xã Nam Yên, Đông Thái, Tây Yên, Tây Yên A (An Biên) đã ngả màu vàng rực. Không phải màu lúa chín mà là màu lá lúa khô cong do cây lúa đói nước. Nguyên nhân do gần 2 tháng qua trên địa bàn huyện không có mưa, nước mặn xâm nhập sớm, nước trong ao hồ cũng cạn kiệt nên nông dân không còn nước để bơm tưới cho lúa. Nguồn nước ngọt duy nhất mà họ có thể bơm cho lúa là nước ngầm trong lòng đất.

Chỉ tay vào những chiếc môtơ đang cần mẫn hút nước từ giếng khoan đổ xuống ao, ông Phan Hoài Bảo, ở ấp Hai Trong, xã Nam Yên buồn rầu nói: “Gần 3ha lúa, từ lúc gieo sạ đến nay đã 2 tháng rồi mà không có lấy một trận mưa. Nước sông thì nhiễm mặn nên chỉ còn cách rút nước từ lòng đất để cứu lúa khỏi chết. Thôi thì còn nước còn tát chứ không biết thu hoạch có bù nổi chi phí bơm tát kiểu hay không”. Cũng như gia đình ông Bảo, nhiều hộ gia đình khác đã phải chi cả chục triệu đồng khoan cây nước cứu lúa. Chính điều này đã đẩy chi phí sản xuất lúa tăng cao.

Ông Lê Việt Tân – Trưởng ấp Tây Sơn 3, xã Đông Yên cho biết, những đợt nắng nóng liên tục không chỉ làm nước trên ruộng mà ngay cả nước trong mương rạch, ao hồ cũng cạn kiệt. Cách duy nhất hiện nay là khoan giếng. Toàn ấp nông dân đã khoan 45 cây nước. Chỉ tính riêng tiền khoan, mua máy bơm nông dân đã mất đứt hàng trăm triệu đồng rồi. Đó là chưa kể chi phí bơm tưới liên tục mấy tháng trời. Nếu hạn kéo dài không biết nông dân có cầm cự nổi không. Hiện không ít nông dân đã có ý định bỏ cuộc, có hộ đã bỏ mặc lúa chết rụi.

Trong vụ HT, cũng do nắng hạn nhiều hộ sạ lúa bị chết, phải sạ đi sạ lại nhiều lần kéo theo việc thu hoạch trễ hơn 1 tháng. Chính điều này đã làm nông dân bị động về lịch thời vụ.

Sau gần 2 tháng xoay trần chống hạn, ông Phan Hoàng Vũ ở xã Nam Yên đã quyết định bỏ mặc 36 công ruộng (gần 5ha) cho trời định đoạt. “Năm nay đói là chắc rồi. Bao nhiêu vốn liếng đều đổ vào ruộng. Tính ra mỗi công cũng hơn 1 triệu đồng. Nếu tiếp tục bơm nữa giỏi lắm mỗi công cũng chỉ thu hoạch được vài giạ lúa chín háp, lấy gì bù được chi phí. Đành bỏ chứ biết làm sao”. Nhiều nông dân cho biết, chuyện làm lúa gặp hạn cũng từng xảy ra nhưng chưa bao giờ phải chịu cảnh mất trắng như năm nay.

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm này đã có 2.678/19/714 ha lúa ĐX của huyện An Biên bị ảnh hưởng do nắng hạn. Trong đó, có 1.007 ha bị thiệt hại từ 30-80%, riêng xã Nam Yên có 480 ha thiệt hại nặng, mất trắng hoàn toàn. Hầu hết các trà lúa bị ảnh hưởng khô hạn đều trong khoảng thời gian sinh trưởng trong vòng 2 tháng tuổi, tức trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Ông Nguyễn Hữu Hoa – Trưởng phòng NN- PTNT An Biên cho biết, phần lớn những hộ bị thiệt hại trong vụ ĐX đều là những hộ từng bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ HT.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.