| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm

Thứ Ba 31/12/2019 , 12:04 (GMT+7)

Ngày 30/12, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công thương.

Thời gian qua, giá gia cầm có lúc, có nơi xuống khá thấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, ngành gia cầm Việt Nam chiếm vị trí hết sức quan trọng trong ngành nông nghiệp nước ta, không những tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động ở nông thôn mà còn đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của cả ngành chăn nuôi. Ước tính giá trị sản xuất của ngành hàng này năm 2019 đạt khoảng 125 ngàn tỷ đồng, đứng thứ hai sau ngành chăn nuôi lợn.

Trong những năm gần đây, ngành gia cầm nước ta là một trong các tiểu ngành có sự phát triển nhanh nhất trong ngành chăn nuôi, đạt mức tăng trưởng bình quân 6-7%/năm. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp; từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Đặc biệt là đã có sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào chăn nuôi gia cầm với công nghệ hiện đại, đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành hàng này trong tương lai.

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, ngành hàng gia cầm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức không nhỏ, cả trước mắt cũng như lâu dài. Điểm yếu nhất của ngành này là giá thành sản xuất vẫn còn cao so với các nước chăn nuôi tiên tiến, nên khả năng cạnh tranh thấp.

Vì vậy, trong những năm qua, người sản xuất gia cầm trong nước đã và đang phải gồng mình chống đỡ với với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Mỹ, Brazile, Hàn Quốc và một số nước EU.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 ngàn tấn thịt gà các loại với kim ngạch nhập khẩu 186 triệu USD (bình quân 0,862 USD/kg, tương đương 20 ngàn đồng/kg). Trong đó sản phẩm đùi gà chiếm 71,5%, cánh gà 5,8%, chân gà 8,7%, gà nguyên con 8,2%.

Ước tính sản lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2019 khoảng 250-260 ngàn tấn, tăng hơn 50% so với năm 2018. Mặc dù chưa giảm thuế nhập khẩu thịt gà mà đã có sự gia tăng đột biến về số lượng thịt nhập khẩu như trên, là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự gia tăng sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ là một trong các nguyên nhân tạo ra cú sốc về giảm giá thịt gà trong nước xuống mức thấp nhất trong10 năm qua.

Nếu như 3 tháng đầu năm, giá thịt gà hơi dao động từ 29.000 -35.000 đồng/kg thì đến quý III năm 2019 có những thời điểm giá gà thịt sản xuất trong nước xuống chỉ còn 15.000- 16.000 đồng/kg, chỉ bằng ½ giá thành sản xuất. Trong khi đó giá trứng gà suốt cả năm 2019 cũng đứng ở mức rất thấp, bình quân chỉ 1.600 đồng/quả.

Có thể nói, ngành gia cầm của Việt Nam là ngành hàng chịu nhiều tác động bất lợi và chịu rủi ro cao, đặc biệt là các hộ nông dân. Do đó, trong các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, nhóm mặt hàng thịt gia cầm được thực hiện bảo hộ cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc cắt giảm sẽ thực hiện vào giai đoạn cuối cùng thực hiện cam kết.

Chăn nuôi gia cầm là ngành hàng quan trọng, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất gia cầm trong nước, bảo đảm sinh kế cho hàng triệu lao động ở nông thôn, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ,ngành một số nội dung sau:

1. Đề nghị cân nhắc xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm trong giai đoạn 2020-2025, mà vẫn giữ nguyên thuế suất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025.

2. Trong trường hợp phải hài hòa quan hệ thương mại với một số đối tác chiến lược, buộc phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà, thì Hiệp hội kiến nghị chỉ nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số ít sản phẩm. Cụ thể chỉ giảm 1- 2% thuế nhập khẩu thịt ức gà. Đối với gà chặt đầu; đùi; cổ cánh và chân gà không nên giảm thuế nhập khẩu trong 5 năm tới.

3. Để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, đề nghị các Bộ, ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, cần tính đến các yếu tố sau:

a) Đối với các nước có sản phẩm xuất khẩu, trong quá trình giết mổ, không được dùng nước clorin để xử lý mầm bệnh thịt gia cầm sau khi giết mổ (Theo quy định của các nước EU cấm sử dụng nước clorin để khử trùng thịt gà sau khi giết mổ).

b) Không làm lạnh sản phẩm gia cầm bằng các loại khí ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính.

d) Xem xét việc thực thi các quy định về đối xử nhân đạo đối với động vật trong quá trình nuôi và giết mổ tại các nước có sản phẩm gia cầm xuất khẩu sang nước ta.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm