| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị thu hồi đất nông nghiệp méo mó do GPMB cao tốc Bắc - Nam

Thứ Năm 18/07/2024 , 18:06 (GMT+7)

Hà Tĩnh Tư liệu sản xuất nếu không đầu tư mà người dân không sản xuất được thì Hội đồng GPMB cấp huyện phải kiến nghị tỉnh thu hồi.

Sáng 18/7, kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phiên chất vấn. Giám đốc Sở TN-MT Lê Ngọc Huấn đăng đàn giải đáp các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Trong đó có vấn đề ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam làm dôi dư, thừa thẹo, méo mó một số diện tích đất nông nghiệp gây khó khăn, thậm chí người dân không thể tiếp tục sản xuất.

Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn. Ảnh: BHT.

Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn. Ảnh: BHT.

Đại biểu Phạm Nghĩa và đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân kiến nghị tỉnh cần có biện pháp thu hồi hoặc có phương án điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp tục canh tác. Đồng thời đặt câu hỏi: "Bao giờ, ngành TN-MT tham mưu cho tỉnh ban hành hướng dẫn liên quan đến vấn đề này để các địa phương có căn cứ thực hiện?"

Giám đốc Sở TN-MT Lê Ngọc Huấn phân tích, trong Quyết định 75/2015 và Quyết định 30/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về bồi thường, GPMB nói rất rõ, những thửa đất nông nghiệp có diện tích nhỏ hơn 150m2 là được phép thu hồi. Trong luật cũng quy định, kể cả diện tích đất lớn hơn 150m2 mà dân không sản xuất được thì hội đồng phải trình UBND tỉnh để thu hồi.

“Ví dụ nửa diện tích bên kia đã thu hồi mà bên này đường cao tốc còn lại 1ha nhưng nước không sang được để sản xuất thì phương án đầu tiên là chuyển đổi cây trồng. Nếu không chuyển đổi được cây trồng thì phương án 2 là đầu tư hạ tầng nhưng lập dự toán đầu tư hạ tầng tốn kém hơn nhiều thì phải tham mưu tỉnh thu hồi 1ha này. Cái này đã thực hiện ở Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh. Vấn đề do Hội đồng bồi thường dưới không nghiên cứu kỹ nội dung này thôi”, người đứng đầu Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh nói.
Ông Huấn nhấn mạnh thêm lần nữa, tư liệu sản xuất mà không sản xuất được thì bất luận trong trường hợp nào cũng phải đầu tư hoặc thu hồi cho dân.

Ngoài vấn đề đất nông nghiệp méo mó, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga đặt câu hỏi, vì sao người dân không được phép sử dụng đất dôi dư trong quá trình tích tụ ruộng đất để cải tạo vườn, làm đường giao thông xây dựng NTM, trong khi lượng đất dôi dư này tập kết ngoài đồng tạo thành nơi trú ẩn cho chuột, sâu bệnh, gây hại cho sản xuất của bà con?

ĐB Nguyễn Thị Thúy Nga kiến nghị cho tận dụng khối lượng đất dôi dư trong quá trình tích tụ ruộng đất để cải tạo vườn hộ, xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Nga.

ĐB Nguyễn Thị Thúy Nga kiến nghị cho tận dụng khối lượng đất dôi dư trong quá trình tích tụ ruộng đất để cải tạo vườn hộ, xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Lê Ngọc Huấn giải thích, trong quy định của luật, không có quy định nào về việc cho phép sử dụng đất dôi dư này. Vừa qua Đà Nẵng làm thì đã xảy ra tình trạng một số nơi lợi dụng đào đất ruộng bán cho lò gạch. Từ bài học ở Đà Nẵng, UBND tỉnh Hà Tĩnh rất băn khoăn.

Thời gian qua, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tỉnh đã 3 lần họp về vấn đề này để bàn phương án giải quyết, vì hiện nay Luật Trồng trọt quy định từ 20 - 25cm đất mặt giữ lại để san phẳng mặt ruộng, làm tăng độ phì nhiêu của đất tại vị trí đó. Sở TN-MT đã tham mưu thêm, phần dưới đất mặt nếu đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn để cải tạo vườn thì vẫn cho nhân dân sử dụng nhưng phải đưa vào phương án, công khai minh bạch để nhân dân giám sát và chỉ được sử dụng đất đó tại thôn có diện tích đất tích tụ.

“Dự kiến trong tháng 7 này tỉnh sẽ ban hành văn bản dựa trên Điều 57 của Luật Trồng trọt; các quy định pháp luật cũng như vận dụng tình hình thực tế. Khi có văn bản, Sở TN-MT, Sở Tài chính và Sở NN-PTNT sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung này theo đúng quy trình, quy định”, Giám đốc Sở TN-MT thông tin.

Cử tri kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp thu hồi diện tích đất nông nghiệp thừa thẹo, méo mó do thu hồi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Thanh Nga.

Cử tri kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp thu hồi diện tích đất nông nghiệp thừa thẹo, méo mó do thu hồi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Thanh Nga.

Phương án đưa ra, đối với lượng đất mặt đảm bảo điều kiện để cải tạo đất thì cho sử dụng cải tạo vùng đất bạc màu khác, phần còn lại đưa về cải tạo lại vườn hộ phục vụ nhân dân. Tuyệt đối không được lợi dụng bán làm khoáng sản, đặc biệt là bán cho các nhà máy gạch. Trường hợp đất đó đủ điều kiện làm khoáng sản thì để lại thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công, đem ra đấu giá.

Đối với phần diện tích còn lại không đảm bảo điều kiện để cải tạo đất và không đủ điều kiện làm khoáng sản thì giữ lại một chỗ, thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất

Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Định kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm

Bình Định đang chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Tỉnh kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn để tránh trú…