| Hotline: 0983.970.780

'Phà hơi nóng' cho phong trào đại điền ở Hà Tĩnh

Thứ Hai 30/01/2023 , 14:05 (GMT+7)

Phong trào dồn điền, tich tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng lớn ở huyện Thạch Hà đang tạo ra 'cuộc cách mạng', thổi làn gió mới cho sản xuất ở Hà Tĩnh.

Giảm hơn 10 nghìn thửa ruộng

Xác định chuyển đổi, tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, năm 2018, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) triển khai thực hiện thí điểm việc tập trung, tích tụ ruộng đất với quy mô 30ha tại xã Thạch Xuân, thông qua hình thức phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, liên kết giữa các hộ nông dân thành lập tổ hợp tác sản xuất để liên kết với doanh nghiệp, sản xuất đồng nhất về giống, quy trình sản xuất.

Empty

Chủ trương tích tụ đất đai, phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn ở huyện Thạch Hà xuất phát từ mong muốn của chính người dân. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, đây là mô hình mới nên bước đầu thực hiện gặp rất nhiều khó khăn bởi đồng ruộng bậc thang, manh mún, nhỏ lẻ, bố trí không đồng đều giữa các ô thửa; tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân dẫn đến tâm lý ngại thay đổi. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm doanh nghiệp để tổ chức liên kết sản xuất, điều hành quá trình sản xuất sau khi hình thành cánh đồng lớn cũng là một bài toán khó.

“Càng khó, chúng tôi càng quyết tâm. Sau khi huyện xây dựng phương án, trình Sở NN-PTNT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện trình HĐND huyện ban hành chính sách hỗ trợ (Nghị quyết 06 ngày 28/12/2018 và Nghị quyết 11 ngày 28/12/2020). Huyện giao các xã, thôn được lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, họp bàn thống nhất, tạo đồng thuận trong nhân dân", ông Sáu cho biết.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên tuyền thông qua các cuộc họp thôn xóm, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của xã, thôn, trên cổng thông tin của huyện, mạng xã hội facebook, zalo, nhất là tổ chức cho các đơn vị trong huyện tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau…

Sau thành công ở Thạch Xuân, từ năm 2019 đến cuối năm 2022, Thạch Hà mạnh dạn mở rộng diện tích phá bờ thửa nhỏ hình thành cánh đồng lớn đạt 2.133ha, chiếm 26,6% diện tích đất trồng lúa toàn huyện.

Trong đó, tích tụ ruộng đất theo hình thức thuê đất 62,8ha; tập trung ruộng đất gắn với chuyển đổi (mỗi hộ gia đình chỉ còn 1 thửa trong vùng quy hoạch thực hiện) 124ha; mỗi vùng tập trung ruộng đất tối thiểu 10ha, mỗi ruộng sau khi phá bỏ bờ thửa nhỏ có diện tích bình quân 7.434,7m2 (ruộng lớn nhất gần 5ha), giảm được hơn 10.000 thửa so với trước khi thực hiện.

Trong vòng 4 năm, Thạch Hà đã giảm hơn 10 nghìn thửa ruộng. Ảnh: Thanh Nga.

Trong vòng 4 năm, Thạch Hà đã giảm hơn 10 nghìn thửa ruộng. Ảnh: Thanh Nga.

Cùng với việc tập trung, tích tụ ruộng đất, phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, Thạch Hà còn tiến hành cải tạo (bón phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, vôi…), làm phẳng mặt ruộng, đồng thời đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất (100% diện tích sau cải tạo sản xuất các giống lúa mới, chất lượng cao như: ADI168, Bắc Thịnh, J02, VNR20, BT09…); liên kết với doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn đồng nhất về giống, quy trình và sản phẩm, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân.

“Tỷ lệ đất sản xuất đã tăng thêm khoảng 2,4%; hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 16 – 20% so với sản xuất truyền thống; giảm công nạo vét thủy lợi nội đồng, công điều tiết nước nội đồng từ 4 - 5 công/ha/vụ; giảm công làm cỏ bờ, công làm góc ruộng từ 8 - 10 công/ha/vụ.

Đồng thời, tăng hiệu suất hoạt động của máy làm đất và máy gặt đập liên hợp từ 50% lên 80%, tương đương hiệu quả kinh tế khoảng 600 ngàn đồng/ha/vụ. Giảm thuốc BVTV các loại do phá bờ đã hạn chế được nơi cho sâu bệnh trú ẩn gây hại, giảm vật ký chủ truyền bệnh từ vụ này sang vụ khác, giảm thuốc diệt chuột đầu vụ xuống còn một nửa do giảm bờ thửa. Tạo điều kiện thuận lợi áp dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV”, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà phân tích hiệu quả bằng những số liệu cụ thể.

Empty

"Cuộc cách mạng" tích tụ ruộng đất đã tạo nên những cánh đồng liền vùng, liền thửa, thẳng cánh cò bay. Ảnh: Thanh Nga.

Vụ xuân năm 2022, Thạch Hà cũng đã thí điểm thành công tích tụ đất đai, chia lại ruộng đối với 100% diện tích đất sản xuất lúa và cây hàng năm trên địa bàn 3 xã Thạch Sơn, Thạch Hội và Thạch Trị. Sau chia lại ruộng, mỗi hộ cơ bản chỉ còn 1 thửa.

Về lâu dài, Thạch Hà phân ra 3 nhóm tích rụ ruộng đất gồm: Chỉ phá bờ thửa bình thường, ruộng nhà ai người ấy sản xuất; phá bờ thửa, chia lại ruộng và tích tụ xong cho doanh nghiệp, HTX thuê lại.

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có tối thiểu 30% diện tích đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác trên địa bàn được chuyển đổi theo mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất. Trong đó, cho tổ chức, cá nhân thuê đất để sản xuất 300ha; góp đất thành lập tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất với tổ chức, doanh nghiệp tối thiểu 2.000ha; thực hiện thí điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất khoảng 50ha.

HTX đầu tiên thuê hơn 53ha đất sản xuất cánh đồng lớn

Những ngày cuối năm Nhâm Dần, bất chấp rét đậm, rét hại, trên những cánh đồng ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, bàn tay của nông dân khua khoắng liên tục, yêu cầu máy làm đất cày ải ruộng kỹ càng, chờ khi ấm lên sẽ xuống giống vụ lúa xuân 2023.

Lưu Vĩnh Sơn là vựa lúa của huyện Thạch Hà, tuy nhiên lịch sử để lại cả mấy chục ngàn mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, thửa cao, thửa thấp, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất. Ruộng đồng manh mún nên phải sử dụng 80% sức người khi cày cấy, thu hoạch vì cơ giới hóa khó tham gia; lượng vật tư, phân bón tốn kém; năng suất lúa, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích hạn chế…

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (ngoài cùng bên trái) là người trực tiếp

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (ngoài cùng bên trái) là người trực tiếp "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch tích tụ ruộng đất. Ảnh: Thanh Nga.

Kế thừa thành công của “cuộc cách mạng” tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn ở xã Thạch Xuân, vụ hè thu 2020, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (HTX Bắc Sơn), xã Lưu Vĩnh Sơn đã thuê gần 28ha đất sản xuất của nông dân trong xã xây dựng cánh đồng lớn. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai theo cơ chế này.

Anh Trần Hậu Nhân, Giám đốc HTX Bắc Sơn trải lòng: Những ngày đầu hình thành ý tưởng thuê đất sản xuất lúa, HTX nhận được sự đồng thuận, tạo điều kiện rất lớn của cả chính quyền địa phương và người dân. Sau khi hoạch định phương án sản xuất cụ thể, HTX thuê 27,9ha của 154 hộ dân tại xứ đồng Thiên Đình, thuộc 2 thôn Đông Tiến và Lộc Ân trong 5 năm để gieo cấy một loại giống Nếp 98. Giá thuê là 60kg thóc/sào/năm, quy đổi thành tiền.

Đến vụ xuân năm 2021, HTX thuê thêm 25,9ha ở xứ đồng Đồng Mộc – Cày Máy của thôn Xuân Sơn, kề bên cánh đồng Thiên Đình để tạo thành cánh đồng thẳng cánh cò bay hơn 53ha.

Empty

Hầu hết các cánh đồng sau chuyển đổi đều sản xuất đồng nhất một giống lúa. Ảnh: TN.

Giọng anh Nhân xen lẫn giữa tiếng máy cày phấn khởi bảo rằng: “Chưa bao giờ nông dân làm ruộng khỏe như bây giờ. Công đoạn cày, gặt, phun thuốc BVTV đều có máy móc, công nghệ. Bà con chỉ mất vài ngày gieo sạ và bón phân”.

Không những thế, hệ thống đường nội đồng mở rộng, kênh mương được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch.

Năng suất lúa trên cánh đồng HTX đang sản xuất bình quân đạt 6,5 tấn/ha lúa tươi, tăng 0,8 tấn/ha so với khi chưa chuyển đổi; chi phí làm đất và thu hoạch sau khi chuyển đổi giảm 800 ngàn đồng/ha; diện tích đất sản xuất sau khi phá bỏ bờ thửa tăng từ 53,8ha lên 55ha.

“Sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất, phá bỏ ô thửa nhỏ hình thành cánh đồng lớn, tổng doanh thu vụ lúa xuân bình quân của HTX đạt hơn 1,8 tỷ đồng/vụ (tính theo năng suất bình quân 6,5 tấn/ha và giá lúa tươi 5.300 đồng/kg); lợi nhuận gần 500 triệu đồng”, anh Trần Hậu Nhân nhẩm tính.

Empty

Nhờ tích tụ ruộng đất, đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất từ 16 - 20% so với trước đây. Ảnh: Thanh Nga.

“Cuộc cách mạng” tích tụ đất đai ở Thạch Hà không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích mà còn thổi luồng gió mới cho lĩnh vực sản xuất lúa trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Đây chính là tiền đề để HĐND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị Quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tích tụ khoảng 15.000ha đất sản xuất nông nghiệp; giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện khoảng 20.000ha. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao có quy mô diện tích từ 2ha trở lên; doanh nghiệp, HTX thông qua các hình thức tập trung ruộng đất tạo thành vùng sản xuất tập trung đạt quy mô từ 30ha trở lên.

Đối với khu vực được khoanh vùng thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất phấn đấu còn 1 - 2 thửa/hộ, trong đó từ 75 - 80% số hộ sử dụng 1 thửa.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.