| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm trồng ổi Đài Loan bán được giá cao

Thứ Năm 18/08/2016 , 08:21 (GMT+7)

Trồng ổi trên chân đất pha sét. Trái lớn trong túi bao quả. Điều khiển cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Và sử dụng phân bón hợp lý...

09-59-58_thu-hi-oi-kip-thoi
Thu hoạch ổi Đài Loan

 

Lão nông Tô Văn Ánh ở thôn Lê Cao, xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, Hưng Yên) hồ hởi khoe với chúng tôi: "Ổi ở đây ngon lắm, quả to, vỏ sần, cùi dày, ít hạt, ngọt thơm, ăn có dư vị, luôn được thương lái thu mua tại vườn với giá cao gấp 2 lần ổi cùng loại có bán trên thị trường".

Còn bà Lê Thị Sen ở cùng thôn chia sẻ: "Cây ổi ít nhiễm sâu bệnh, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão úng và không bị áp lực thời vụ như cấy lúa, trồng ổi sau 1 năm đã cho thu quả, sau 3 năm sẽ cho thu cao sản và có lãi, 1 sào ổi có thể mua được cả tấn thóc (5 sào lúa)...".

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, hầu hết diện tích ổi ở đây được trồng trên chất đất thịt pha sét cải tạo từ các chân ruộng trũng, rất giàu vi lượng, trong đó có những vi lượng không thể thay thế, đã tạo nên hương vị thơm ngọt đặc trưng riêng cho chất lượng ổi của địa phương.

Giống ổi bà con nông dân đưa vào trồng phổ biến là ổi Đài Loan, có khả năng sinh trưởng rất khỏe, tái sinh cao, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận, quả to và sai quả, cho thu hoạch quanh năm. Dựa vào những đặc tính ưu tú này, các nhà vườn trồng ổi đã điều khiển cây ra hoa và đậu quả theo ý muốn thông qua biện pháp đốn tỉa:

- Để cây ổi cho thu hoạch quanh năm, cần đốn tỉa thường xuyên sau mỗi lần thu hái quả: Cắt bỏ các cành già cỗi, cành sâu bệnh, cành gầm, cành vượt, cành mọc quá dày, cành nằm sâu trong tán, và cắt hết các ngọn cành mới thu hái quả, tạo sự thông thoáng cho vườn cây, giảm thiểu sâu bệnh hại, tăng khả năng ra hoa, đậu quả.

- Để có sản lượng thu hoạch tập trung theo mùa vụ, cần cắt tỉa triệt để, loại bỏ hết các đoạn cành đang có trên cây, cắt sâu hết tới phần thân cành mang màu bánh tẻ. Sau cắt tỉa 7 - 10 ngày cây sẽ bật mầm. Cành mầm ra 9 lá bánh tẻ sẽ ra hoa, đậu quả. 3 - 4 tháng sau (tùy mùa vụ) cây sẽ cho thu hoạch quả tập trung, sản lượng lớn.

Do đặc điểm là giống ổi quả to, năng suất cao, nên ổi Đài Loan rất chịu thâm canh cao, nên phói hợp các loại phân bón vô cơ và hữu cơ chăm bón hợp lý:

- Phân hữu cơ bao gồm tro bếp, phân gà, phân chim... có thể bón thường xuyên trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

+ Tro bếp bón 15 - 20kg/1 gốc, chia bón 2 lần/năm.

+ Phân gà, phân chim phải trộn kèm vôi bột tỷ lệ 1:10, rồi đóng vào vỏ bao lân, đạm, thức ăn chăn nuôi, mỗi gốc cây đặt 1 bao, định kỳ 6 tháng thay mới bao phân 1 lần.

- Phân vô cơ chủ yếu sử dụng NPK tổng hợp:

+ Thời kỳ cây sinh trưởng sinh dưỡng, bón NPK đầu trâu 15-15-15+TE, lượng bón 0,3 - 0,5kg/1 gốc.

+ Giai đoạn cây mang quả sử dụng NPK Cò bay 7-7-14, bón định kỳ 0,3 - 0,4kg/1 gốc/1 tháng.

+ Thời vụ khai thác quả cao sản, định kỳ 10 ngày/1 lần bón mỗi gốc 0,5kg bột đậu tương (đã ủ lên meo xanh) + 0,15kg kali Canada.

+ Thời kỳ sau đốn tỉa lớn bón 0,2kg urê/ gốc, thúc cho cây sớm ra mầm.

- Các sâu bệnh hại chính gồm có, sâu róm, rệp bông và ruồi đục quả, phun phòng trừ bằng Sherpa từ 1 - 3 lần/1 năm, phun trước bao quả 3 - 5 ngày và khi mầm cây ra rộ.

Từ thực tế trồng ổi Đài Loan ở các địa phương hiện nay, chúng tôi khuyến nghị:

- Nên điều chỉnh thời vụ thu hoạch ổi chủ yếu từ tiết Lập thu (tháng 8) đến Tết Nguyên đán, để được chất lượng quả tốt hơn, bán được giá hơn.

- Cần hạn chế thu hái ổi vào các ngày thời tiết có mưa.

- Chỉ trồng ổi trên các chân đất thịt pha sét hoặc đất có thành cơ giới nặng.

- Ổi Đài Loan sản xuất tại các địa phương đã cơ bản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân có thể chủ động chào bán xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

* Chú ý: Khi trái ổi lớn bằng quả táo chua cần tiến hành tỉa quả, cắt bỏ hết các quả còi cọc, quả phát triển không cân đối, quả mọc quá dày trên cành, chỉ để lại mỗi lách lá không quá 1 quả, đồng thời tiến hành bao quả bằng túi bao trái ổi chuyên dùng, nhằm phòng ngừa sâu bệnh hại, không phải phun hóa chất bảo vệ thực vật.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.