| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế TP.HCM Quý I/2022 khởi sắc

Thứ Ba 05/04/2022 , 16:40 (GMT+7)

GRDP quý I/2022 của TP.HCM tăng 1,88% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD.

Phiên họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2022 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2022. 

Phiên họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2022 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2022. 

Chiều 5/4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2022 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2022.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM Quý I có nhiều bước khởi sắc khá toàn diện với nhiều tín hiệu tốt. Công tác phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, tạo đà tâm lý và tin tưởng của người dân và doanh nghiệp.

Tình hình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng; hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao, đạt trên 90%. Người lao động tiếp tục trở lại TP.HCM làm việc sau Tết, trong đó các doanh nghiệp lớn đón gần 100% công nhân trở lại làm việc.

Các lĩnh vực kinh tế Thành phố đều có mức tăng trưởng khá, nhất là từ tháng 3 cho thấy, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Thành phố đã đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý I/2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%. Đến nay, kinh tế TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng dương, tín hiệu này cho thấy Thành phố đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố ước tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%)…

Bên cạnh những mặt tích cực, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm ước giảm 4,8% so cùng kỳ cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút ước giảm khoảng 40,09% so với cùng kỳ; một số ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố còn chậm phục hồi, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 12,92% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 24,7%); tổng doanh thu ngành du lịch ước giảm 11,8% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, việc chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng thấp và giảm mạnh ảnh hưởng đến động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế Thành phố. Dịch bệnh kéo dài và chưa kết thúc, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thành phố còn đang đối diện các thách thức tồn tại như dịch bệnh tăng do biến chủng Omicron còn diễn biến phức tạp; xung đột Nga - Ukraina kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Đầu năm, các chuyên gia đã dự báo giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra còn cao hơn cả dự báo khi giá dầu thế giới lên đến gần 140 USD/thùng, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng. Đồng thời, do tác động của nhiều yếu tố khác khiến chi phí sản xuất gia tăng như giá bao bì, nguyên liệu dẫn tới áp lực khiến giá nhiều mặt hàng trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng là việc có khả năng xảy ra trong thời gian tới.

Giá một số mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng.

Giá một số mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng.

Từ giữa tháng 3, giá một số mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến giá cả và hoạt động kinh doanh thương mại. Trước tình hình này, nhiều giải pháp của Trung ương và Thành phố được triển khai đồng bộ và kịp thời, giá cả được kiểm soát tốt cùng với nguồn cung hàng hóa bình ổn được cung ứng đầy đủ ra thị trường.

Ngoài ra, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2 theo Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.