Ngày 16/3, Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa có ý kiến chỉ đạo rà soát, kiểm tra thông tin về dự án vườn sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG).
Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã nhiều lần đưa tin, Công ty MHG đã “vẽ” dự án phát triển vùng trồng và các sản phẩm mang thương hiệu từ sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Điều đáng nói, công ty này đưa ra viễn cảnh trồng sâm Ngọc Linh tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông) nơi không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý do Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Được biết, tại tỉnh Kon Tum, Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh tại 9 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Năm 2019, công ty này mua lại HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn để đầu tư Dự án Mỹ Hạnh Farm- Khu Du lịch Sinh thái tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Ngày 28/4/2017, tỉnh Kon Tum có quyết định (QĐ) 356/QĐ-UBND cho HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông đất để thực hiện dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông. Theo đó, tỉnh Kon Tum cho HTX Tuyết Sơn Kon Plông thuê gần 37 ha đất để thực hiện dự án. Trong đó, hơn 30 ha là đất rừng tự nhiên sản xuất và hơn 6,6 ha đất trống, sông suối, đất đường giao thông.
Ghi nhận thực tế tại HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông, chưa có bất cứ cây sâm Ngọc Linh được trồng tại nơi đây, thay vào đó chỉ là vườn sâm dây với diện tích không đá kể. Hiện Công ty MHG mới chỉ đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng, việc “vẽ dự án” chủ yếu để kêu gọi các nhà đầu tư.
Ngay sau bài viết, Công ty MHG đã có phản hồi thông tin về các hoạt động trồng sâm của mình trên một số cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, thông tin tất cả đều một chiều.
Theo quy trình, một củ sâm đến kỳ khai thác phải cần ít nhất 7 năm, đây là giai đoạn sâm Ngọc Linh cho hạt nhiều để nhân giống nên ít ai bán. Tuy nhiên, mới thành lập từ năm 2017, năm 2021 trồng 30.000 cây như công ty công bố, nhưng đến nay Công ty MHG đã giới thiệu và bán hơn 20 dòng sản phẩm “gắn mác” sâm Ngọc Linh gồm: Trà, cà phê, bánh kẹo và nhiều loại thực phẩm khác... Đặc biệt, họ đã xây dựng chuỗi 14 hệ thống showroom tại hàng loạt tỉnh thành để giới thiệu và cung ứng các loại sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Có thể khẳng định Công ty MHG chưa có vườn sâm Ngọc Linh nào đủ tuổi khai thác, chế biến được trồng tại 2 địa phương nằm trong khu vực chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh là Kon Tum và Quảng Nam.
Trước việc “vẽ dự án” vùng trồng sâm Ngọc Linh của Công ty MHG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đã yêu cầu rà soát kiểm tra để kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các dự án, mô hình liên quan đến việc phát triển sâm Ngọc Linh. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND huyện Kon Plông rà soát, nắm bắt thông tin về dự án này. Việc kiểm tra thông tin của dự án phải báo cáo về UBND tỉnh Kon Tum trước ngày 22/3 để có hướng xử lý.