“Vẽ” dự án vùng trồng sâm Ngọc Linh
Thời gian qua, thông tin về Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (Mỹ Hạnh) đã “vẽ” dự án phát triển vùng trồng và các sản phẩm mang thương hiệu từ sâm Ngọc Linh đang được đặc biệt quan tâm tại tỉnh Kon Tum.
Điều đáng nói, công ty này đưa ra viễn cảnh trồng sâm Ngọc Linh tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông) nơi không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý do Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Được biết, tại tỉnh Kon Tum, Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh tại 9 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Theo tìm hiểu được biết, công ty Mỹ Hạnh được thành lập từ năm 2017 có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của công ty là nghiên cứu trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Sản xuất và phân phối sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; Cung cấp sản phẩm và dịch vụ viễn thông; Đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái.
Năm 2019, công ty này mua lại HTX nông nghiệp Tuyết Sơn để đầu tư Dự án Mỹ Hạnh Farm- Khu Du lịch Sinh thái tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Theo giới thiệu, Mỹ Hạnh Farm đầu tư vườn trồng Sâm Ngọc Linh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trả lời báo chí, ông Trần Quốc Toản, quản lý HTX Tuyết Sơn cho biết, việc triển khai trồng sâm Ngọc Linh đã được triển khai ở tỉnh Quảng Nam trong những năm qua. Hiện công ty đã có một số sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh riêng của Mỹ Hạnh. Công ty Mỹ Hạnh đang tiếp tục đầu tư hạ tầng để đưa sâm Ngọc Linh từ Quảng Nam lên trồng khảo nghiệm tại HTX Tuyết Sơn.
“Thương hiệu sâm Ngọc Linh của tập đoàn Mỹ Hạnh đã có rồi, còn ở Kon Plông chúng tôi dự kiến sẽ phát triển trong khoảng từ 7-10 năm để có được sản phẩm sâm Ngọc Linh của chính HTX Tuyết Sơn”, ông Toản cho biết.
Không chỉ vẽ ra vùng trồng sâm Ngọc Linh, công ty Mỹ Hạnh còn có hàng chục sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh mang thương hiệu của riêng mình. Điều đáng nói, sâm củ Ngọc Linh phải được trồng ít nhất 6 năm mới khai thác để chế biến ra sản phẩm, trong khi công ty Mỹ Hạnh mới thành lập được hơn 4 năm.
Chỉ cần vào trang chủ trang chủ samngoclinhmhg.com dễ dàng bắt gặp hàng chục sản phẩn mang thương hiệu “sâm Ngọc Linh” của MGH. Các sản phẩm này rất đa dạng như: Rượu sâm Ngọc Linh, sâm lát ngâm mật ong, trà túi lọc, lương khô, bánh quy kem, kẹo sâm... đều gắn thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Chính quyền chưa nắm thông tin
Dù chưa trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum nhưng công ty Mỹ Hạnh đã kêu gọi các nhà đầu tư vào dự án Mỹ Hạnh Farm tại huyện Kon Plông. Để thuyết phục các nhà đầu tư, công ty Mỹ Hạnh đã chứng minh năng lực thông qua các hình ảnh về vùng trồng sâm Ngọc Linh đã được trồng bài bản. Thậm chí, công ty còn giới thiệu quy mô vườn dược liệu sâm Ngọc Linh lên đến 10.000 m (?) được đầu tư chăm sóc chuẩn kỹ thuật, áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến. Ngoài việc trồng và khai thác sâm Ngọc Linh, Mỹ Hạnh có quy hoạch bảo tồn nguồn sâm giống gốc, cung ứng giống cho nhân dân trồng và phát triển.
Liên quan đến việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn, ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, thực tế đến thời điểm này, xã chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc công ty Mỹ Hạnh trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Đối với chỗ HTX Tuyết Sơn, qua nói chuyện cũng được biết họ đang có ý tưởng trồng thí điểm sâm Ngọc Linh tại đây.
“Việc trồng sâm Ngọc Linh tại đây có phù hợp hay không cần phải có chứng cứ khoa học để xác định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu trước đây được biết, những khu vực rừng tự nhiên vẫn có những cây sâm Ngọc Linh. Còn hiện tại, đưa sâm Ngọc Linh về đây trồng có đạt chất lượng hay không cần phải được đánh giá thông qua chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Trước thông tin đưa sâm Ngọc Linh từ Quảng Nam về Kon Plông để trồng, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang có 15 doanh nghiệp được thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, trong đó không có Công ty Mỹ Hạnh.
Về việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh quy mô lớn cũng như công tác sản xuất giống để di thực đi nơi khác thì ở Quảng Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ năng lực làm việc này.
“Những vùng trồng sâm Ngọc Linh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý ở Kon Tum có 2 huyện là Tu Mơ Rông và Đăk Glei, còn ở Quảng Nam là huyện Nam Trà My. Nếu có thông tin doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Plông, chẳng qua họ trồng thăm dò, thử nghiệm thôi”, ông Út cho biết.
Cùng theo ông Út, hiện có nhiều doanh nghiệp, tư thương hay buôn bán, kinh doanh sâm Ngọc Linh vẫn còn lẫn lộn việc mượn tên sâm Ngọc Linh để mua bán nhiều hình thức sản phẩm sâm khác. Chẳng hạn như cây Đẳng sâm cũng gọi là sâm Ngọc Linh, nói như vậy là không đúng.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, thậm chí ở Sài Gòn, Hà Nội… vẫn có thể chế biến được các sản phẩm sâm Ngọc Linh mà không có kiểm chứng. Để bảo vệ cho được thương hiệu sâm Ngọc Linh không bị lạm dụng, cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ nguồn gốc nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu cây sâm Ngọc Linh về sau”, ông Út chia sẻ.