Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 495 công trình thủy lợi, trong đó có 178 công trình cấp tỉnh quản lý, còn lại 317 công trình do cấp huyện quản lý. Để chủ động trong việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, hàng năm tỉnh Kon Tum đều thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, xây dựng phương án bảo vệ, gia cố nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình.
Ngay đầu mùa mưa bão năm nay, Ban Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý nhằm phát hiện các hạng mục hư hỏng, từ đó kịp thời tổ chức sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn cho các công trình.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Ban quản lý khai thác các công trình Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay các công trình thủy lợi và hồ chứa do đơn vị quản lý tương đối đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, một số công trình thủy lợi được xây dựng đã lâu, qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp không còn đảm bảo nhiệm vụ tưới, ứng phó với mưa lũ. Trong đó, nhiều hồ chứa được đầu tư xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu đơn giản, biện pháp thi công chủ yếu bằng thủ công. Đồng thời, dưới tác động của các yếu tố khí hậu bất lợi và rừng đầu nguồn bị suy giảm nên nhiều hồ chứa nước bị bồi lắng xuống cấp nghiêm trọng.
Đặc biệt, còn nhiều hồ chứa, đập dâng có tràn xả lũ tạm bằng đất hoặc không có đường quản lý vận hành, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra…đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn hồ đập cao trong mùa mưa lũ.
Trước vấn đề này, Ban quản lý đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp 14 hồ chứa nước và 1 đập dâng theo gói hỗ trợ của ngân hàng thế giới (WB8). Hiện đã có 4 hồ chứa thi công sửa chữa hoàn thiện.
“Đối với các công trình hư hỏng còn lại, Ban quản lý đã có văn bản tham mưu tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện sửa chữa theo đúng kế hoạch”, ông Tứ nói và cho biết, hiện có khoảng 23 công trình đang cần sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 154 tỷ đồng.
Ngay khi bước vào mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum đã kiểm tra và kê khai đăng ký an toàn đập cho 67/67 hồ chứa thuộc đối tượng quản lý an toàn đập theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, 12 đập dâng có chiều cao đập trên 5m đã kê khai đăng ký an toàn đập.
Theo đó, trong 19 đập, hồ chứa lớn đã thực hiện kiểm định an toàn được 15 công trình, 2 công trình đang thực hiện nâng cấp sửa chữa bằng nguồn vốn WB8, 1 công trình chưa đến hạn kiểm định, 1 công trình đã đến hạn nhưng chưa kiểm định.
Đối với 28 đập, hồ chứa vừa đã thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước được 19 công trình, 8 công trình đang thực hiện nâng cấp sửa chữa bằng nguồn vốn WB8 và 1 công trình đã đến hạn kiểm định theo định kỳ.
Còn tại 20 đập, hồ chứa nhỏ, hiện có 4 công trình đang thực hiện nâng cấp sửa chữa bằng nguồn vốn WB8, 1 công trình chưa đến hạn kiểm định và 15 công trình đã đến hạn kiểm định theo định kỳ. Trong khi đó, 12 đập dâng hiện tại có 4 công trình chưa đến hạn kiểm định, 1 công trình đã thực hiện kiểm định và 7 công trình đã đến hạn kiểm định theo định kỳ.
Cũng trong 67 hồ chứa nước có 5 hồ chứa có thiết bị quan trắc thấm, 54 hồ chứa có thiết bị quan trắc mực nước hồ, 13 hồ chứa xây dựng thiết bị quan trắc mực nước hồ. Ngoài ra, đã có 6/15 đập, hồ chứa nước lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng đối với tràn có cửa van.
Hiện 67 công trình cũng đã xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống thiên tai. Đối với việc xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, hiện đã lập và phê duyệt được 17 công trình, đang triển khai lập 7 công trình, 43 công trình chưa có kinh phí để thực hiện, 7 công trình không cần thực hiện vì phía hạ lưu là lòng hồ Plei Krông.
Các công trình cũng đã thực hiện công tác chuẩn bị huy động vật tư, thiết bị dự phòng theo phương châm 4 tại chỗ nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, về cơ bản, các công trình thủy lợi xung yếu đều đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, việc quản lý, cắm mốc chỉ giới bảo vệ, vận hành công trình đang gặp nhiều khó khăn do người dân lấn chiếm đất để canh tác ở hành lang thoát lũ hạ lưu tràn xả lũ, trong phạm vi vùng phụ cận (lòng hồ, kênh) từ nhiều năm trước. Ngoài ra, việc thực hiện các nhiệm vụ về an toàn đập, quy trình bảo trì các công trình đang vận hành, khai thác gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo tiến độ theo quy định do nguồn kinh phí sự nghiệp thuỷ lợi hàng năm không đảm bảo.
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum: "Đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình và có cơ sở để lập hồ sơ cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ. Đối với việc sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp là nhu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đang có diễn biến ngày càng phức tạp”.