Thiết bị giám sát hành trình tàu cá là giải pháp tối quan trọng để chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, khắc phục thẻ vàng IUU.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các địa phương, ngư dân đã tích cực hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý quy củ, chặt chẽ, chống đánh bắt bất hợp pháp.
Nhưng, qua điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại một số địa phương ven biển cho thấy, ngư dân, chủ tàu cá, cơ quan quản lý tại địa phương đang phải chịu đựng những bất cập mà thiết bị giám sát hành trình gây ra, điều đó vô hình chung ngăn cản tiến trình và quyết tâm khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam.
Tiền hỗ trợ bị treo vì thiết bị của VNPT tậm tịt
Hiện hầu hết tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh vùng Nam Trung bộ đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do nhiều đơn vị cung ứng khác nhâu, thế nhưng không hiểu vì sao chỉ có thiết bị của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là hay bị trục trặc.
Bình Định là địa phương đi đầu trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài trên 15m, với gần 3.200 phương tiện. Hiện có 2 đơn vị cung cấp, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá là VNPT Bình Định và Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn, với trên 3.100 máy.
Từ cuối tháng 4/2020 đến cuối tháng 12/2020, hơn 1.000 hồ sơ của 734 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định bị chậm nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu do thiết bị giám sát hành trình bị trục trặc, gián đoạn việc đưa tin báo vào bờ, khiến các tàu cá nói trên không đủ điều kiện để ngành chức năng giải ngân tiền hỗ trợ nhiên liệu.
Chi cục Thủy sản Bình Định phải làm văn bản báo cáo lên Tổng cục Thủy sản về trường hợp của 1.067 hồ sơ nói trên. Sau đó, Tổng cục Thủy sản có văn bản phúc đáp, cho rằng việc 1.067 hồ sơ của 734 tàu cá Bình Định chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhiên liệu là do tàu cá không đảm bảo tin nhắn báo cáo vị trí đánh bắt về hệ thống giám sát hành trình.
“Tàu cá của ngư dân Bình Định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của VNPT bị mất tín hiệu vệ tinh kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Về sự cố này, Chi cục Thủy sản Bình Định đã có văn bản báo cáo về Tổng cục Thủy sản. Sau đó, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đến các nhà cung cấp thiết bị, nhà mạng để xác minh, hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.
Ngư dân Nguyễn Quốc Tuấn, chủ 2 tàu cá BĐ 91126-TS, BĐ 91357-TS ở phường Trần Phú (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) nhớ lại, từ tháng 4/2020, sau khi tàu cá của anh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì liên tục bị gián đoạn, khiến anh không đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ dầu.
“Năm ấy, 2 tàu cá của tôi đi gần 10 chuyến biển, trong đó có 6 chuyến làm hồ sơ xin hỗ trợ dầu, 100 triệu đồng/chuyến, nhưng thời gian dài sau đó mà ngành chức năng không giải quyết được do lỗi mất tín hiệu”, ngư dân Nguyễn Quốc Tuấn đau đớn nói.
Lắp định vị xong là ngư dân bị bỏ rơi
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi đã có 2.837/3.261 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có 7 đơn vị cung ứng với 8 hãng thiết bị giám sát hành trình được ngư dân lựa chọn để lắp đặt. Thực tế, những năm qua cho thấy, trong quá trình ngư dân hoạt động trên biển, các thiết bị này thường xảy ra một số lỗi như lỏng sim, mất kết nối, pin nóng… Nguyên nhân của các lỗi này theo các biên bản được lập là do bị vào nước, cháy nguồn hoặc nguồn điện chập chờn vào máy không ổn định.
Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, trong các hãng thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt tại Quảng Ngãi, thiết bị hãng Vishipel của Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng ít gặp lỗi nhất, trong khi thiết bị của VNPT trước đây thường xảy ra hiện tượng lỏng sim, dẫn đến mất kết nối.
“Do thiết bị niêm phong, chủ tàu không thể can thiệp được nên phải đợi đến lúc vào đất liền mới tiến hành trình báo và xử lý. Mới đây nhất, tàu cá QNg 98228TS ở Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) sử dụng thiết bị của VNPT cũng bị mất kết nối, nhưng ngay cán bộ phụ trách ở địa phương cũng không biết lỗi đó là gì. Qua xác định ban đầu thì đây là lỗi kỹ thuật, chủ tàu không cố ý”, ông Toàn nói.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sau khi tàu cá gặp sự cố, có đơn vị thì thường xuyên hỗ trợ ngư dân về kỹ thuật, sửa chữa khắc phục, nhưng ngư dân cũng rất mệt mỏi vì phải chờ đợi, chi phí… Nhưng còn tệ hơn là nhiều đơn vị chưa quan tâm đến khâu chăm sóc hậu lắp đặt, lắp xong là gần như hết trách nhiệm. Nếu thiết bị hư hỏng, việc gọi cho các đơn vị này đi sửa chữa rất khó, mất thời gian của ngư dân, vỡ kế hoạch đánh bắt hải sản, mất thêm chi phí.
“Ví như thiết bị giám sát hành trình của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đơn vị sản xuất, nhưng lại giao cho một Công ty khác lắp đặt. Sau khi lắp đặt xong, công ty này lại chuyển giao cho 1 đơn vị khác thu phí, chứ không chăm sóc kỹ thuật, khi thiết bị gặp sự cố ngư dân không biết gọi cho ai”, Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Chưa có quy chuẩn đánh giá, vi phạm chồng vi phạm
Ngoài những thực trạng về thiết bị giám sát hành trình nói trên, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, về chất lượng của các thiết bị, hiện chưa có quy chuẩn để ngành thủy sản các địa phương đánh giá. Chi cục Thủy sản chỉ căn cứ vào thông báo của Tổng cục Thủy sản để phổ biến đến người dân các hãng thiết bị nào đủ điều kiện lắp đặt.
“Mặt khác, khi các chủ tàu ký kết với các đơn vị cung cấp và tiến hành lắp đặt, đơn vị lắp đặt sẽ báo lên với cơ quan quản lý ngành thủy sản địa phương để cập nhật lên hệ thống, báo ra Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, do số lượng tàu cá trong tỉnh lớn, trong khi lực lượng trong ngành thủy sản địa phương rất mỏng nên không thể kiểm tra việc thực hiện niêm phong, kẹp chì của từng tàu mà chỉ kiểm tra theo xác suất. Còn về chất lượng, đơn vị lắp đặt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân”, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi nói.
Theo TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong thời gian qua, tình trạng máy giám sát hành trình trên những tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh này vẫn còn xảy ra trục trặc, ảnh hưởng đến công tác quản lý lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ theo quy định của ngành chức năng.
Khi xảy ra sự cố tàu cá bị ngắt tín hiệu kết nối, ngành chức năng Bình Định lập tức thông báo qua hệ thống quan sát để tàu cá ấy kịp thời giải trình. Đối với những trường hợp không hợp tác, khi tàu cá ấy cập bờ ngành chức năng sẽ lập biên bản để xử lý. Đáng quan ngại là nếu những trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính càng nhiều thì nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của địa phương sẽ bị đánh giá thấp.
“Theo quy định, trong vòng 6 giờ đồng hồ, nếu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá bị hỏng, không chuyển dữ liệu được vào hệ thống thì thuyền trưởng phải tìm mọi cách liên lạc về gia đình hoặc các cơ quan chức năng thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Trong vòng 10 ngày nếu vẫn không khắc phục được thiết bị thuyền trưởng phải cho tàu chạy vào bờ, nếu không tàu cá này sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.
“Nếu tàu cá bị mất kết nối tín hiệu mà chủ tàu không kịp thời báo cáo về việc hư hỏng của máy giám sát hành trình sẽ được cho là chủ động tắt thiết bị giám sát hành trình để ngắt kết nối. Khi kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng IUU, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra hệ thống quản lý giám sát hành trình, nếu thấy tại thời điểm đó tàu cá ấy quá 1 giờ đồng hồ mà không tự động thông báo về bờ sẽ bị cho là vi phạm, sự thể này làm ảnh hưởng đến việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của ngành thủy sản”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.