| Hotline: 0983.970.780

Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân - Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Kỳ 2: Thiết bị giám sát hành trình lỗi khiến cơ quan quản lý bó tay

Thứ Tư 01/06/2022 , 09:10 (GMT+7)

Tại Khánh Hòa, thiết bị giám sát hành trình lỗi lặp đi lặp lại, sửa lại lỗi, lỗi lại sửa khiến ngư dân vừa thiệt vừa oan còn cơ quan quản lý cũng bó tay.

Ngư dân Huỳnh Văn Trí cho biết, gia đình anh trang bị cho 2 tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình VNPT-VSS, nhưng thiết bị liên tục bị lỏng sim gây mất kết nối. Ảnh: KS.

Ngư dân Huỳnh Văn Trí cho biết, gia đình anh trang bị cho 2 tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình VNPT-VSS, nhưng thiết bị liên tục bị lỏng sim gây mất kết nối. Ảnh: KS.

Chiếc sim nhỏ gây thiệt hại lớn cho ngư dân

Do được tư vấn sản phẩm VNPT-VSS ưu điểm là có chức năng gọi điện như những chiếc điện thoại thông thường, mang lại nhiều tiện ích nên nhiều ngư dân Khánh Hòa đã đặt trọn niềm tin vào sản phẩm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, không ít ngư dân Khánh Hòa nhanh chóng vỡ mộng bởi thiết bị VNPT-VSS ưu việt toàn diện chỉ là lời quảng cáo. Tiên ích đâu chưa thấy, chỉ thấy sau khi lắp đặt xong, ngư dân lĩnh đủ do thiết bị thường xuyên bị lỗi kỹ thuật lỏng sim gây mất tín hiệu theo dõi của tàu khi tham gia đánh bắt trên biển.

Điển hình của việc liên tục gặp phải sự cố này là trường hợp 2 tàu cá hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương mang số hiệu KH 91135 TS và KH 93989 TS của gia đình ngư dân Huỳnh Văn Trí, ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.

Đưa chúng tôi đến các tàu đang lắp đặt thiết bị VNPT-VSS, ngư dân Huỳnh Văn Trí bức xúc: Hai tàu của gia đình lắp đặt thiết bị VNPT-VSS vào năm 2019, trị giá mỗi máy khoảng 24 triệu đồng. Nhưng trong quá trình hoạt động, thiết bị thường xuyên bị lỗi, có thể 2-3 ngày lại lỗi một lần, chúng tôi phải tắt đi rồi mở lên mới hoạt động được. Nhiều khi tàu ra biển trong điều kiện sóng gió thiết bị cứ cách 5-6 tiếng bị lỗi, gây mất tín hiệu. Nhưng cũng có lúc tàu mới chạy ra biển thì bị lỗi nên lại phải chạy vô lại để khắc phục, gây đình trệ cho chuyến biển và tăng thêm chi phí.

Những trường hợp như vậy, nếu ngư dân không quay lại khắc phục không được, bởi nhỡ trục trặc lâu lại phải giải trình với cơ quan chức năng đến phát ốm. Thậm chí, nếu không giải trình thỏa đáng nguy cơ bị phạt, bị ghi vào "sổ đen" là hoàn toàn có thể xảy ra. 

“Mỗi lần thiết bị lỗi và mất tín hiệu, Chi cục Thủy sản của tỉnh đều nắm được hết. Nhưng thực sự là tàu chúng tôi không tự vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình. Nhưng các cơ quan chức năng họ có quyền nghi ngờ tàu chúng tôi đánh bắt bất hợp pháp ngoài biển nên cố tình tắt thiết bị. Vì vậy, khi tàu vào bờ sẽ phải giải trình vì sao tàu mất tín hiệu, hậu quả là vừa mất thời gian vừa lại phiền phức, và đặc biệt là ngư dân cảm thấy ấm ức vì mình làm ngay mà như làm gian”, ngư dân Huỳnh Văn Trí khẳng định.

“Những lần sim bị lỗi, tôi có kiến nghị bên VNPT khắc phục nhưng bên VNPT bảo nếu bị lỗi cứ cho tàu chạy vào bờ để khắc phục. Để khắc phục lỗi sim hiện nay chỉ có cách cách gỡ tem dưới sim rồi tháo sim ra lắp lại. Nhưng ngư dân không được tự ý tháo ra bởi Chi cục Thủy sản đã niêm phong ở vị trí cài sim. Phiền hơn nữa là nhiều thiết bị định vị của VNPT khắc phục sim rồi nhưng sau lỗi đó vẫn lặp đi lặp lại vô cùng phiền phức". Anh Trí bức xúc.

Tàu ông Thơ lắp thiết bị VNPT-VSS của VNPT thường xuyên bị tình trạng lỏng sim gây mất kết nối. Ảnh: KS.

Tàu ông Thơ lắp thiết bị VNPT-VSS của VNPT thường xuyên bị tình trạng lỏng sim gây mất kết nối. Ảnh: KS.

Không chỉ tàu của gia đình anh Trí mà nhiều tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình của VNPT ở Khánh Hòa cũng bị tình trạng lỗi tương tự. Như tàu KH 99789TS của ông Cao Văn Thơ, ở Hòn Rớ, Phước Đồng cũng có tình trạng lỗi kỹ thuật từ sim.

Ông Thơ cho biết, việc xử lý lỗi sim rất đơn giản, chỉ cần mở ra rồi canh lại là hoạt động trở lại được. Tuy nhiên, sim này đã dán tem niêm phong, để phòng các tàu tự ý tháo sim với ý đồ đánh bắt bất hợp pháp.

Nếu tàu nào tự ý tháo sim sẽ không được hỗ trợ tiền dầu theo quy định nên khi tàu bị lỗi sim trong quá trình đang hoạt động trên biển, tàu buộc phải gọi điện về báo Chi cục Thủy sản. Thế nhưng, ngoài biển khơi đâu phải như ở trong bờ mà lúc nào có sóng tốt để liên lạc được dễ dàng ngay được.

Cũng như anh Trí, theo ông Thơ, khi tàu bị mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu về bờ sẽ trình báo với cơ quan chức năng. Về phía Chi cục Thủy sản cũng không làm khó, nhưng yêu cầu ngư dân phải có giấy xác nhận của VNPT là xác định tàu bị mất tín hiệu bao nhiêu tiếng, lỗi về cái gì. Tuy nhiên, nhiều khi bên VNPT không đồng ý xác nhận cho ngư dân nên mới xảy ra nhiều chuyện để bàn.

“Việc bà con khai thác trộm không dễ dàng, bởi đánh mẻ lưới kéo dài 15 tới 20 tiếng đồng hồ, chứ không phải năm mười tiếng là chạy về. Vì vậy, nếu thiết bị giám sát hành trình liên tục lỗi không được khắc phục, ngư dân nhiều khi bị oan ức, tình ngay mà lý thì gian." Ngư dân Cao Văn Thơ ngậm đắng nuốt cay.

Cơ quan chức năng xác nhận, thiết bị giám sát hành trình tàu cá của VNPT hay bị lỗi sim. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng xác nhận, thiết bị giám sát hành trình tàu cá của VNPT hay bị lỗi sim. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng địa phương cũng bó tay?

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 682/708 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó 552 tàu lắp đặt thiết bị Vfish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; 66 tàu lắp đặt thiết bị của L-Trân; 62 tàu lắp đặt thiết bị của VNPT; 2 tàu lắp đặt thiết bị Viettel; 2 tàu lắp đặt thiết bị của Bình Anh và 2 tàu lắp đặt thiết bị của Zuniball.

Theo ông Én, thời gian qua, nhiều thiết bị giám sát hành trình như Vfish.18 hay bị treo máy, còn VNPT hay lỗi về sim. Từ đó có tình trạng mất tín hiệu giám sát tàu cá đang hoạt động trên biển một vài giờ hoặc một vài ngày. Do đó, để kiểm tra về lý do mất tín hiệu, Chi cục đã liên hệ các bên cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho các tàu để nắm bắt thấy đa số bị lỗi kỹ thuật.

Ngoài ra, ông Én còn cho biết, nhiều lúc hệ thống của các hãng không bị mất tín hiệu giám sát hành trình các tàu cá, nhưng trên hệ thống của Chi cục Thủy sản và tại cảng cá lại báo bị mất tín hiệu. Lỗi này có thể do phần mềm bị trục trặc, nhưng bây giờ giảm nhiều, chứ trước kia lỗi này xảy ra liên tục.

Với thực trạng không chỉ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân bị mất tín hiệu mà ngay cả hệ thống của Chi cục Thủy sản và tại cảng cá thỉnh thoảng cũng bị mất tín hiệu, việc quản lý cũng như giải trình, chứng minh với Ủy ban châu Âu  - EC khi họ vào kiểm tra quả thực là một vấn đề nan giải và rủi ro.

Về thiết bị của VNPT hay bị lỗi lỏng sim gây mất tín hiệu, ông Én chia sẻ Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đang rất đau đầu về vấn đề này. Bởi ngư dân cho rằng, họ không vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình nhưng không hiểu vì sao bị mất tín hiệu.

Và câu hỏi cứ lặp đi lặp lại là: Lỗi do thiết bị giám sát hành trình hay lỗi do ngư dân cố tình ngắt thiết bị giám sát hành trình để thực hiện đánh bắt bất hợp pháp? Để giải trình, trả lời được hai câu hỏi đó thực sự là khó khăn. Vàng thau lẫn lộn mà cơ quan quản lý địa phương thực sự đang bó tay.

Hiện tàu cá ở Khánh Hòa chủ yếu lắp đặt thiết bị của VNPT và Vfish.18. Ảnh: KS.

Hiện tàu cá ở Khánh Hòa chủ yếu lắp đặt thiết bị của VNPT và Vfish.18. Ảnh: KS.

Về lỗi lỏng sim, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo ngư dân không tự ý tháo ra để khắc phục mà phải báo cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý. Lí do, thứ nhất ngư dân không biết lỗi ở đâu mà khắc phục. Thứ hai, nếu ngư dân tự ý bóc tem niêm phong, tháo sim thì không được phép. Do đó, khi lỗi thiết bị ngư dân buộc phải làm việc với nhà cung cấp để yêu cầu khắc phục.

Cũng theo ông Én, việc Chi cục Thủy sản Khánh Hóa niêm phong sim của thiết bị là nhằm đề phòng chủ tàu vô hiệu hóa thiết bị để đánh bắt bất hợp pháp. Chẳng hạn khi tàu chạy vào vùng giáp ranh giữa 2 nước bị mất tín hiệu đương nhiên nghi ngờ là tàu này đánh bắt bất hợp pháp rồi.

Nhưng cũng đề phòng tàu tự vô hiệu hóa khi vào vùng lộng đánh bắt, đây là vi phạm khai thác sai tuyến. Mặt khác, việc không cho các tàu tự ý tháo sim cũng nhằm để phòng tàu không bám biển, không ra khơi đánh bắt mà tự tháo sim tàu của mình để đưa vào máy giám sát hành trình của tàu ra khơi khác, phát sóng có tín hiệu để đủ điều kiện được nhà nước hỗ trợ tiền dầu.

Việc lỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá tại Khánh Hòa đã làm phát sinh ra một loạt vướng mắc, bất cập hiện vẫn rối như tơ vò gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân, gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Vì vậy, các đơn vị cung cấp thiết bị cần khắc phục triệt để ngay những tồn tại này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sớm gỡ thẻ vàng IUU.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất