| Hotline: 0983.970.780

‘Chìa khóa’ ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL

[Kỳ 2] Vùng tôm công nghệ cao đổi thay ngoạn mục

Thứ Ba 25/05/2021 , 10:37 (GMT+7)

Nhận thấy nuôi tôm theo kiểu truyền thống quá nhiều rủi ro, người nuôi tôm tại Long An dần chuyển sang nuôi ứng dụng công nghệ cao, giúp gia tăng giá trị kinh tế.

Đổi thay ngoạn mục    

Cách đây hơn 20 năm, Xã Tân Chánh được xem là thủ phủ nuôi tôm sú của huyện Cần Đước (Long An). Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, việc nuôi tôm sú gặp nhiều khó khăn bởi diễn biến thời tiết thất thường khiến nguồn nước nuôi tôm không ổn định. Mặt khác, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh trên tôm khó kiểm soát, khiến năng suất, chất lượng tôm giảm, ảnh hưởng lớn đến người nuôi, thậm chí có hộ phá sản.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, bất lợi, với kinh nghiệm và cơ sở vật chất sẵn có cùng với định hướng của địa phương, không ít bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao, đem lại kết quả ngoài mong đợi.

Nhiều người dân nuôi tôm xã Tân Chánh trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều người dân nuôi tôm xã Tân Chánh trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.

Được thành lập vào năm 2018, HTX Hòa Quới tại xã Tân Chánh không chỉ được biết là HTX đầu tiên của huyện Cần Đước về lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, HTX này còn sở hữu quy trình chăn nuôi tiên tiến cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại có thể khắc phục mọi nhược điểm của việc nuôi tôm theo kiểu truyền thống, năng suất chất lượng tôm vượt trội, đem lại thu nhập cao, ổn định cho các thành viên trong HTX.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc HTX Bình Quới chia sẻ, điểm khác biệt lớn nhất giữa nuôi tôm công nghệ cao và nuôi truyền thống là mật độ thả tôm.

Theo đó, nuôi truyền thống thì mật độ thả nuôi là 100 con/m2, còn nuôi công nghệ cao mật độ thả tôm có thể nâng từ 300-500 con/m2. Nuôi tôm truyền thống thường mất 3-4 tháng cho 1 vụ nuôi, sau đó là thêm 2 tuần đến 1 tháng để xử lý ao.

Mô hình công nghệ cao cho phép người nuôi tôm chia làm 2 giai đoạn, theo đó, giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong bể ương bằng công nghệ biofloc. Đến giai đoạn 2, tôm được đưa qua ao lớn thì sử dụng quy trình tuần hoàn nước và chỉ mất 90 đến 100 ngày/vụ.

Ngoài ao nuôi chính, hệ thống ao lắng của HTX Bình Quới được đầu tư quy mô, bài bản. Ảnh: Minh Sáng.

Ngoài ao nuôi chính, hệ thống ao lắng của HTX Bình Quới được đầu tư quy mô, bài bản. Ảnh: Minh Sáng.

Ngoài ra, điểm nhấn trong mô hình này là HTX ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước (RAS). Thực tế cho thấy, nước sau một thời gian nuôi tôm sẽ bị ô nhiễm bởi nguồn thức ăn dư thừa và từ phân tôm… Thông thường, nguồn nước ô nhiễm sẽ được đưa ra khỏi hệ thống bể nuôi và được thay thế hoàn toàn bằng lượng nước mới.

Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, toàn bộ quy trình lọc khép kín trong nhà màng sẽ xử lý nguồn nước thải đến khi đạt chuẩn, sau đó đưa trở lại bể nuôi. Còn lại, toàn bộ chất thải được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng, từ đó không gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư.

“Hệ thống xử lý nước tuần hoàn còn giải quyết được vấn đề nhân công, bởi từ khâu vận hành, điều khiển… hoàn toàn tự động, chỉ cần 1 nhân công cho suốt vụ nuôi. Các chỉ tiêu bền vững (hiệu quả sử dụng tài nguyên, sử dụng hiệu quả dinh dưỡng từ nguồn thức ăn, chất xả thải môi trường, hiệu quả kinh tế) cũng được đánh giá tốt hơn so với quy trình nuôi truyền thống.

Đặc biệt, quá trình nuôi tôm hoàn toàn không phụ thuộc vào thời tiết nên có thể sản xuất 4 vụ/năm, năng suất đạt 15 tấn/vụ. Lợi nhuận hàng năm khoảng 7-8 tỷ đồng/ha.”, chị Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc HTX Bình Quới tiết lộ.

Thành viên HTX Bình Quới thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe tôm để có phương án phòng trừ bệnh hiệu quả. Ảnh: Minh Sáng.

Thành viên HTX Bình Quới thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe tôm để có phương án phòng trừ bệnh hiệu quả. Ảnh: Minh Sáng.

Từ sự thành công của HTX, nhiều hộ nuôi tôm trong khu vực cũng tìm đến thăm quan và học hỏi, nhận thấy mô hình này phù hợp điều kiện thực tế, bà con mạnh dạn áp dụng theo. Đến nay xã Tân Chánh có trên 500 ha đã được nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp sức tôm công nghệ cao

Để hỗ trợ nông dân nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, xã Tân Chánh tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, mở rộng đường giao thông, đầu tư hệ thống điện phục vụ cho việc sản xuất.

Ngoài ra, thực hiện Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh hỗ trợ Cần Đước trên 285 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao.

Người nuôi tôm công nghệ cao được địa phương hỗ trợ hạ thế điện giúp giảm chi phí trong sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Người nuôi tôm công nghệ cao được địa phương hỗ trợ hạ thế điện giúp giảm chi phí trong sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước thông tin, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có trên con tôm, trong thời gian tới huyện Cần Đước sẽ tập trung phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng chủ động thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, dựa trên ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng con tôm.

Đồng thời, đầu tư phát triển toàn diện vào các khâu trong chuỗi sản phẩm giá trị cao, góp phần phát triển hiệu quả ngành công nghiệp nuôi tôm theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết thêm, trong giai đoạn 2020-2025, ngoài huyện Cần Đước, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, phấn đấu đưa ngành tôm phát triển bền vững. Nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 dự kiến là hơn 1.244 tỷ đồng.

Trong đó, vốn Trung ương gần 588 tỷ đồng dùng để cải tạo nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm thí điểm, tập trung. Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 33,4 tỷ đồng dùng cho việc quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Vốn huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 624 tỷ đồng để tập trung cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng cơ sở nuôi tôm, mua con giống, thức ăn, thiết bị.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Long An khảo sát tình hình nuôi tôm công nghệ cao tại các HTX. Ảnh: Minh Sáng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Long An khảo sát tình hình nuôi tôm công nghệ cao tại các HTX. Ảnh: Minh Sáng.

"Tỉnh sẽ đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu" - bà Khanh chia sẻ.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất