| Hotline: 0983.970.780

‘Chìa khóa’ ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL

[Kỳ 1] Thanh long công nghệ cao nở hoa trên đất lúa

Thứ Hai 24/05/2021 , 16:13 (GMT+7)

Nông nghiệp vùng ĐBSCL chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao được xem là ‘chìa khóa’ để ứng phó hiệu quả...

Từ cây lúa là kinh tế chủ lực, về Long An hôm nay, đi đâu cũng nghe nông dân bàn chuyện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao .

Thanh long được tỉnh Long An xác định là một trong những cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh và là nguồn nông sản hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu, nông nghiệp, nông thôn đổi mới. Để phát triển bền vững cây thanh long, bên cạnh quy hoạch vùng trồng và khuyến khích người dân chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng thanh long, địa phương đã và đang thực hiện đề án xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả thiết thực.

Bạt ngàn màu xanh của các vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao được chuyển đổi từ đất lúa tại huyên Châu Thành, Long An. Ảnh. Trần Trung.

Bạt ngàn màu xanh của các vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao được chuyển đổi từ đất lúa tại huyên Châu Thành, Long An. Ảnh. Trần Trung.

Đất lúa đỏ rực thanh long

Từ trung tâm Thành phố Tân An, chạy theo Tỉnh lộ 827 về huyện Châu Thành hôm nay sẽ thấy hai bên đường màu đỏ rực của quả thanh long đang vào vụ thu hoạch, xen lẫn những ngôi nhà xây khang trang còn thơm màu sơn mới. Ít ai biết rằng, cây thanh long xuất hiện tại đây khoảng 16 năm trước chỉ với 10 hộ dân tham gia trồng thử nghiệm trên đất lúa. Song nhận thấy thổ nhưỡng và điều kiện ở đây rất phù hợp để phát triển, cây thanh long đã nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân làm giàu.

Đến thăm vườn thanh long 10 năm tuổi đang trong giai đoạn xử lý sau thu hoạch của gia đình anh Trương Minh Trung (ấp Nhà Việc, xã An Lục Long), chúng tôi không khởi ngỡ ngàng. Trên nền đất ruộng được lên líp khoa học, từng hàng thanh long thẳng tắp, xanh tốt, nối liền từ nhà này sang nhà khác phủ kín cả vùng. Đặc biệt, không còn cảnh những nông dân chân lấm tay bùn, thay vào đó, các ứng dụng KHKT từ hệ thống tưới tự động đến bón phân được áp dụng đại trà, dần thay thế lao động chân tay.

Vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Trung. Ảnh: Trần Trung.

Vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Trung. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trung cho biết, năm 2005, gia đình anh bắt đầu chuyển từ 1 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Thời điểm đó, do kinh nghiệm còn hạn chế, năng suất chất lượng thanh long chưa cao, nhưng lợi nhuận vẫn gấp nhiều lần lúa. Năm 2010, phong trào trồng thanh long quy trình Viet GAP hoặc GlobalGAP và ứng dựng công nghệ cao tại địa phương ngày càng phổ biến, với số vốn tích lũy được, anh mạnh dạn đầu tư hạ thế điện xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ và vận hành tưới nước thông minh. Từ 1 ha ban đầu, đến nay anh đã sở hữu hơn 3 ha thanh long ruột đỏ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.

Hệ thống vừa tưới nước vừa bón phân tự động là một trong những ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả được HTX thanh long tại Châu Thành sử dụng . Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống vừa tưới nước vừa bón phân tự động là một trong những ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả được HTX thanh long tại Châu Thành sử dụng . Ảnh: Trần Trung.

Anh Trung chia sẻ, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap hay GloBalGap không khó, điều quan trọng là trong quá trình sản xuất phải sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng theo danh mục cho phép của nhà nước, không lạm dụng thuốc kích thích hoặc thuốc trừ sâu; ở giai đoạn cuối của trái khi sử dụng thuốc phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn; phải ghi lại nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Đặc biệt, từ thành công của mình, năm 2011, anh Trung còn đứng ra thành lập HTX thanh long Long Hội, ban đầu HTX chỉ có 26 thành viên, đến nay HTX đã có 46 thành viên với tổng diện tích đất canh tác thanh long trên 46 ha. Anh Trung cho biết, lúc mới thành lập HTX, rất nhiều hộ dân trong vùng cũng đua nhau trồng Thanh Long và chỉ sau một thời gian ngắn, diện tích trồng thanh long tại xã An Lục Long tăng lên nhanh chóng, sản lượng vì thế cũng tăng lên. Do đó, người nông dân liên tục bị ép giá, nhất là trong vụ thu hoạch đồng loạt, làm họ không khỏi lo lắng về tương lai của loại trái cây này. Từ khi HTX đi vào hoạt động, nhờ quy trình sản xuất đúng chuẩn, nguồn nguyên liệu ổn định, HTX ký được hợp đồng thu mua với các đối tác lớn giúp xã viên HTX an tâm sản xuất.

“Từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cộng với dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra, thanh long cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam bị xuống giá và ùn ứ khó tiêu thụ. Tuy nhiên, thanh long HTX  vẫn bán được giá cao nhờ sản xuất theo quy trình GlobalGAP hoặc Viet GAP và nhất là nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết hàng năm”, anh Trung phấn khởi nói.

Những quả thanh long cuối vụ vẫn rực rỡ nhờ quy trình trồng theo hướng hữu cơ ứng dụng CNC. Ảnh: Trần Trung.

Những quả thanh long cuối vụ vẫn rực rỡ nhờ quy trình trồng theo hướng hữu cơ ứng dụng CNC. Ảnh: Trần Trung.

Ông Võ Văn Vấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết thêm, trước năm 2010, Châu Thành là huyện thuần nông độc canh cây lúa, việc canh tác chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường và nước mặn nên hiệu quả không cao. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2011 - 2019 thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện chọn cây thanh long làm cây trồng chủ lực, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ người dân liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị.

Hiện toàn huyện đã chuyển đổi hơn 7.500 ha đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây thanh long, nâng tổng diện tích trồng thanh long hiện có trên địa bàn Châu Thành lên trên 9.000 ha. Không ít mô hình HTX hoạt động hiệu quả nhờ khẳng định được giá trị của quả thanh long, trong đó có HTX thanh long Long Hội.

Lan tỏa đề án 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao 

Trên nền tảng sẵn có, nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hướng đến xây dựng thương hiệu cho trái thanh long, tỉnh Long An đã tổ chức xây dựng và thực hiện đề án xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành. Sau hơn 5 năm thực hiện, đề án đã đem lại kết quả thiết thực.

Theo đó, thực hiện đề án, đến nay, huyện Châu Thành có trên 2.100 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, huyện đang triển khai thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho 11 Tổ hợp tác và 1 Hợp tác xã, diện tích thực hiện gần 300 ha và tiếp tục đề nghị Sở NN&PTNT hỗ trợ kinh phí cho 59 Tổ hợp tác trên diện tích hơn 1.100 ha .

Đến năm 2025, dự kiến toàn huyện Châu Thành sẽ có 5.500 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Ảnh. Trần Trung.

Đến năm 2025, dự kiến toàn huyện Châu Thành sẽ có 5.500 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Ảnh. Trần Trung.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm, trồng thanh long bằng giàn; làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất... 

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Khải cho biết, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân duy trì và giữ vững diện tích thanh long ứng dụng công nghệ cao, đồng thời, cải tạo, tiếp tục trồng lại cây thanh long đối với những diện tích già cỗi; phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5.500 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, xây dựng vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 300 ha.

Còn tiếp...

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.