| Hotline: 0983.970.780

Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân - Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Kỳ 5: Khó khăn chồng chất, ngư dân đồng loạt rao bán tàu!

Thứ Hai 13/06/2022 , 12:36 (GMT+7)

Không chỉ các tỉnh miền Trung và ĐBSCL đang khốn khổ vì thiết bị giám sát hành trình thường xuyên lỗi, ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu thậm chí phải rao bán tàu.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trên 1.000 tàu cá từ trước tết đến nay có 70-80% tàu vẫn đang phải đậu bờ khiến nhiều ngư dân đang phải gánh chịu cơn bão nợ Ảnh: Minh Sáng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trên 1.000 tàu cá từ trước tết đến nay có 70-80% tàu vẫn đang phải đậu bờ khiến nhiều ngư dân đang phải gánh chịu cơn bão nợ Ảnh: Minh Sáng.

Tàu nằm bờ vẫn phải đóng thuê bao

Ngư dân Nguyễn Tấn, thuyền trưởng cặp tàu cá BV 92935 và BV 929366, ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cặm cụi ngồi đan lại tấm lưới rách bên bờ cảng than vãn: “Mấy ngày qua khi tàu vừa đi biển, tôi ở nhà thử gọi kiểm tra thấy máy giám sát hành trình trên tàu không có tín hiệu nên vội vàng điện thoại nhắc anh em tài công điều chỉnh ngay may sau đó đã khắc phục được. Nhưng sợ nhất sự cố trục trặc kỹ thuật này lại bị các cơ quan giám sát cho rằng ngư dân tự cúp máy và quyết định xử phạt chúng tôi chỉ còn biết kêu trời chứ làm sao được?”.

Theo ông Tấn, cặp tàu của ông phải gắn hai máy giám sát hành trình của Công ty CP Thiết bị điện – điện tử Bách Khoa, nhưng có một máy gọi được, còn một máy chỉ nghe tín hiệu. Máy móc khi đi biển lâu ngày sẽ hết hạn bảo hành, có thể bị trục trặc, hư hỏng bất cứ lúc nào, nhẹ khắc phục được tại chỗ, còn nặng phải gửi về bờ sửa chữa, thậm chí tàu phải quay vào bờ chỉ vì sự cố mất tín hiệu.

Do giá xăng dầu tang cao, từ tết đến nay tàu ông Tấn mới chỉ đi được 2 chuyến biển sau nhiều tháng nằm bờ. Mỗi chuyến biển đi có hơn chục ngày ngày, lỗ cả trăm triệu đồng rồi lại đắp chiếu đến bây giờ. Thế nhưng ông vẫn phải đóng tiền thuê bao cho các thiết bị giám sát hành trình nên đã lỗ lại càng thêm nặng gánh.

Ông Nguyễn Tấn cho biết: “Tôi mua ở đại lý Kim Sơn, xã Phước Tỉnh, qua khâu trung gian thôi, còn bà con ngư dân ở đây mua của nhiều công ty khác nhau, không biết cụ thể của công ty nào. Đa số bà con ở đây cũng chỉ mua lại qua khâu trung gian nên chẳng biết của công ty nào sản xuất. Điều đó càng đẩy bà con ngư dân vào khó khăn khi thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì, bảo hành, sửa chữa, giá cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình."

Sau một thời gian sử dụng thiết bị giám sát hành trình, nhiều ngư dân bắt đầu gặp không ít khó khăn phiền toái khi máy hết hạn bảo hành và bị trục trặc hư hỏng. Ảnh: Minh Sáng.

Sau một thời gian sử dụng thiết bị giám sát hành trình, nhiều ngư dân bắt đầu gặp không ít khó khăn phiền toái khi máy hết hạn bảo hành và bị trục trặc hư hỏng. Ảnh: Minh Sáng.

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ, chủ tàu cá xã Phước Tỉnh mua thiết bị giám sát hành trình Vifish.18 bao gồm thiết bị ST 6100 và vật tư với giá trên 20 triệu đồng của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng Hải Việt Nam (Vishipel) phân trần: “Hiện trên địa bàn có trên 1.000 tàu cá, từ trước tết đến nay có 70-80% tàu vẫn đang phải đậu bờ, nhưng nhà mạng (VNPT, Vishipel, Viettel...,) đến hẹn lại thu tiền cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình khiến ngư dân chúng tôi bị thiệt thòi quá. Hơn nữa, càng đi biển càng càng lỗ khiến cuộc sống đã khó càng thêm khổ hơn!”.

Ông Nhỏ mong muốn Nhà nước và địa phương có chính sách hỗ trợ ngư dân tiền thuê bao thiết bị giám sát hành trình vì hiện mỗi thiết bị ông phải đóng gần 300.000 đồng/tháng, thậm chí khi tàu nằm bờ vẫn phải đóng khoản phí thuê bao này.

Năm ngoái, khi dịch bệnh Covid, những tàu cá của ông phải nghỉ nằm bờ nhiều tháng nên ông báo cho nhà mạng tạm cắt mạng thiết bị giám sát hành trình để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi ông báo tiếp tục kích hoạt lại để đi biển mới tá hoả nghe nhà mạng VNPT báo số tiền kích hoạt cao gấp đôi giá cước thuê bao giữ kết nối. Ông thắc mắc chỉ nghe câu giải thích “do mạng kết nối bên nước ngoài cho nên kích hoạt lại cước phí cao như vậy?”

Nhiều ngư dân ở đây cũng xác nhận, tàu cá một năm đi biển chỉ mấy tháng, còn chủ yếu về nằm bờ, nhưng khi đi biển lại bị ép cộng dồn cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình ngay cả khi tàu nghỉ và phải đóng đủ mới giải quyết hồ sơ đi biển khiến bà con rất bức xúc.

Trong quá trình sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã phát sinh nhiều khó khăn bất cập với việc thanh toán cước phí thuê bao cũng như chi phí tái lắp đặt, sử dụng thiết bị tàu cá khiên ngư dân gặp khó. Ảnh: Minh Sáng.

Trong quá trình sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã phát sinh nhiều khó khăn bất cập với việc thanh toán cước phí thuê bao cũng như chi phí tái lắp đặt, sử dụng thiết bị tàu cá khiên ngư dân gặp khó. Ảnh: Minh Sáng.

Ngư dân đồng loạt rao bán tàu cá

Trên địa bàn thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ có 501 tàu cá, trong đó có 481 tàu có chiều dài trên 15m, thuộc diện phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, địa phương này đã có 405 tàu gắn thiết bị. Tuy nhiên, giữa cơn bão giá xăng dầu, chi phí tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân không dám vươn khơi. Do nằm bờ lâu ngày, những tàu cá lần lượt được ngư dân rao bán rẻ, thậm chí bán đồng nát để tìm việc làm mới.

Giữa cơn bão giá xăng dầu, chi phí tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân không dám vươn khơi. Ảnh: Minh Sáng.

Giữa cơn bão giá xăng dầu, chi phí tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân không dám vươn khơi. Ảnh: Minh Sáng.

Ngư dân Nguyễn Tấn, ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, đang mùa đánh bắt nên dù lỗ bà con ngư dân vẫn phải chịu khó ra khơi duy trì cuộc sống và giữ bạn. Tuy nhiên, từ đầu giá xăng dầu tiếp tục tang nên không chỉ riêng tàu ông mà khoảng 80% tàu cá của ngư dân ở đây đành phải nằm bờ.

“Ngày xưa tôi đầu tư sắm được con tàu tốn cả chục tỉ đồng, nhưng giờ tôi đang cảm thấy chán ngán với nghề biển truyền thống và muốn giải nghệ, vì thực tế cứ 100 đôi ghe đi biển may ra chỉ có một đôi về có thu nhập. Từ đầu năm tôi đã rao bán tàu cá chỉ với giá 2 tỉ đồng nhưng cũng chẳng có ai mua!”, ông Tấn ngậm ngùi.

Theo ông Tấn, nếu Nhà nước có chính sách thu mua lại tàu của ngư dân với giá hợp lý tất cả bà con ở địa phương đều muốn bán lại tàu cá, vì bây giờ ngư trường đã cạn kiệt nguồn hải sản, trong khi giá cả vật tư xăng dầu ngày càng tăng cao, ngư dân càng đi biển càng bị thua lỗ. Mặc dù có nhiều ngư dân đã gắn bó với nghề biển qua mấy thế hệ nhưng nay cũng đành cho tàu nằm bờ đi làm phu hồ, hay làm thuê làm mướn bốc vác để kiếm kế sinh nhai.

Nhiều tàu cá và các thiết bị nằm đắp chiếu tại cảng nhiều ngày tháng dẫn đến hư hỏng nặng. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều tàu cá và các thiết bị nằm đắp chiếu tại cảng nhiều ngày tháng dẫn đến hư hỏng nặng. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Tôn Niên, chủ nhiều cặp tàu cá lớn đánh bắt xa bờ đang neo đậu tại cảng Hưng Thái (huyện Long Điền) cũng sử dụng thiết bị giám sát hành trình của Công ty CP Thiết bị điện – điện tử Bách Khoa cho hay, gia đình ông cùng với nhiều anh em bạn thuyền chung vốn đóng tàu công suất lớn, mua sắm ngư cụ với tổng giá trị cả chục tỷ đồng. Từ đầu năm đến giờ tàu không dám ra khơi vì thua lỗ quá nhiều, các thành viên họp nhau bàn chuyện bán rẻ con tàu nhưng rao mãi cũng không có người mua.

“Tàu thuyền nằm bờ miết không chỉ ngư dân chúng tôi thất nghiệp mà nhiều người sống bám vào ngư dân, làm dịch vụ nghề cá cũng chẳng có việc làm, mất nguồn thu khiến nhiều bạn thuyền phải bỏ nghề đi kiếm việc khác mưu sinh”, ông Niên buồn rầu nói.

Có lẽ với trường hợp của anh Châu Văn Nhỏ, ở xã Phước Tỉnh đang phải gánh chịu cơn bão nợ khủng khiếp nhất. Đến nay, anh không thể nhớ đã bao nhiêu lần viết đơn gửi lên chính quyền tỉnh và các ngân hàng xin khất nợ, giãn nợ. Vào khoảng giữa năm 2017, anh đầu tư đóng mới và đưa vào hoạt động tàu dịch vụ hậu cần thủy sản theo Nghị định 67, có công suất 1.446 CV, trị giá 35 tỷ đồng, gắn đầy đủ các trang thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, cơ quan chức năng lại không cho phép tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển xăng dầu, chỉ được vận chuyển đá cây, hải sản khiến việc kinh doanh liên tục thua lỗ. Từ đó đến nay, tàu anh đang phải nằm bờ đắp chiếu, vì không có chi phí đầu tư ra khơi, nhưng vẫn phải đóng đầy đủ các khoản chi phí duy trì thiết bị giám sát hành trình. Gia đình anh đã phải bán hết 2 tàu giã cào, 1 máy xúc để trả món nợ khủng nhưng vẫn không đủ, đến thời điểm này anh vẫn còn nợ ngân hàng 19 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 5.770 tàu cá, trong đó, có 2.829 tàu khai thác xa bờ (chiều dài tàu 15m trở lên), đã có 829 tàu cá lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700…Việc quản lý tàu cá bằng máy giám sát hành trình hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Trên địa bàn tỉnh đang có 6 nhà phân phối máy giám sát hành trình như VNPT, Vishipel, Viettel..., mỗi loại máy của một nhà phân phối có chức năng, thông số kỹ thuật khác nhau. Chi cục đã yêu cầu các nhà phân phối máy giám sát hành trình cung cấp phần mềm, nhưng vẫn chưa thực hiện được tốt, nên gây khó khăn trong quản lý tàu cá.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.