| Hotline: 0983.970.780

Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân - Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Kỳ 3: Ngư dân Kiên Giang kêu thấu trời thiết bị của Viettel

Thứ Năm 02/06/2022 , 08:53 (GMT+7)

Kiên Giang, nơi có đội tàu lớn nhất cả nước, ngư dân đang sử dụng thiết bị của Viettel bị lỗi kết nối, nhưng kêu thấu trời đến nay hầu như chưa được khắc phục.

Mỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá lắp đặt lến tới 23 - 25 triệu đồng, nhưng nhà mạng lại thiếu trách nhiệm trong sửa chữa, bảo hành gây khó khăn cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Mỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá lắp đặt lến tới 23 - 25 triệu đồng, nhưng nhà mạng lại thiếu trách nhiệm trong sửa chữa, bảo hành gây khó khăn cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Đề nghị Viettel không được, khiếu nại không xong!

Theo quy định hiện hành, ngoài việc đăng ký, đăng kiểm, tàu cá trước khi ra khơi đánh bắt hải sản buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình và đồng bộ thông tin tàu thuyền vào hệ thống của cơ quan quản lý.

Thiết bị giám sát hành trình tàu cá là công cụ giúp quản lý nhà nước kiểm soát hiệu quả tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác hợp pháp. Qua đó, góp phần tích cực vào việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC) đang áp đặt lên mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu.

Mỗi thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá khi lắp đặt khoảng 23-25 triệu đồng. Ngoài ra, để thiết bị hoạt động, chủ tàu phải đóng thuê bao kết nối vệ tinh khoảng 400.000 đồng/tháng. Đối với ngư dân, số tiền đó không hề nhỏ chút nào.

Tuy nhiên, điều mà ngư dân không thể chấp nhận được là không ít trường hợp tàu đang hoạt động khai thác ngoài biển đột ngột bị mất kết nối. Nếu ở gần bờ còn quay đầu về bờ được, còn đã xa khơi rồi làm sao quay vào bờ để khắc phục, trong khi tự khắc phục không được phép. Mà có quay về bờ thời gian ngồi chờ đợi để nhà mạng khắc phục cũng rất lâu. Tự dưng, việc ra khơi của ngư dân bị phụ thuộc vào nhà mạng.

Chính vì điều này, thời gian qua không ít ngư dân, chủ tàu ở Kiên Giang, địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước rất bức xúc. “Chúng tôi tự dưng bị đeo một cái “gông” và cái "gông" đó đang gây phiền hà, tốn kém và thiệt hại rất lớn cho bà con ngư dân”, một ngư dân nói.

Một ngư dân bức xúc gửi đơn kiến nghị đến Viettel Kiên Giang khi đơn vị này chậm trễ khắc phục sự cố về thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Trung Chánh.

Một ngư dân bức xúc gửi đơn kiến nghị đến Viettel Kiên Giang khi đơn vị này chậm trễ khắc phục sự cố về thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Trung Chánh.

Chúng tôi gặp bà Trương Thị Kim Mai (khu phố 3, phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) là chủ tàu cá khi bà vừa có tờ trình đến Viettel Chi nhánh Kiên Giang, khiếu nại về tàu cá KG-95354-TS của gia đình gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá của Viettel. Theo đó, khi tàu gia đình bà đang đánh bắt đến ngày cuối tháng 3 vừa qua bị mất tín hiệu kết nối. Liên hệ với tài công trên tàu qua điện thoại được biết thiết bị không bị hư mà mất tín hiệu do bên nhà mạng Viettel ngắt kết nối.

Ngay sau đó, bà Mai đã điện báo cho nhà mạng và được cho biết: “Đang bị lỗi mạng và hẹn chờ 2-3 ngày để khắc phục. Tôi chờ đến ngày hẹn không thấy có mạng và nhà mạng Viettel đến nay (tức là 8 ngày sau) vẫn chưa có mạng lại”, bà Mai bức xúc và yêu cầu Viettel phải sớm khắc phục tình trạng này để tàu của gia đình bà đi đánh bắt được an toàn.

Tương tự, hộ ông Phạm Ngọc Thắng (ở đường Lê Quý Đôn, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang), có 4 chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Để đủ điều kiện hoạt động và khắc phục thẻ vàng IUU của EC, ông Thắng đã phải đầu tư gần 100 triệu đồng gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá do nhà mạng Viettel Kiên Giang cung cấp.

Ông Thắng cho biết, trước đây cước phí duy trì kết nối vệ tinh là 500.000 đồng/tháng, với 4 tàu mỗi năm đóng phí hết 24 triệu đồng. Nhưng điều khiến ông Thắng bức xúc là tình trạng thiết bị đột ngột mất kết nối không rõ nguyên nhân.

Khi đột ngột mất kết nối thời gian khắc phục kéo dài. Bên cạnh đó, nhà mạng Viettel không có thông báo cho ngư dân biết thời hạn phải đóng phí tiếp theo để duy trì hoạt động mà tự ý ngắt kết nối khi hết tiền. Đến khi đóng tiền lại rồi mà cũng không có kết nối, phải khiếu nại đến Viettel mới được khắc phục.

“Trong khi mạng điện thoại di động của Viettel khách hàng được tôn trọng, chăm sóc rất tốt, đặc biệt khi có sự cố xảy ra mà không hiểu tại sao mạng của thiết bị giám sát hành trình nhà mạng này  lại chăm sóc khách hàng tệ đến vậy?” một người dân đặt câu hỏi.

“Tôi đã nhiều lần dọa sẽ chuyển sang nhà mạng khác nhưng chẳng lẽ đã đầu tư gần trăm triệu đồng giờ lại gỡ bỏ. Nhưng xảy ra tình trạng này hoài cũng khó, tàu mất kết nối hơn 10 ngày mà không chứng minh được lý do chính đáng là bị phạt cả trăm triệu. Hơn nữa, khi tàu mất kết nối về cảng cũng không đủ điều kiện cập bến lên hàng, ngư dân thiệt hại lớn lắm”, ông Thắng bức xúc.

Tàu cá nằm bờ 8 tháng chờ Viettel khắc phục lỗi

Trước những bất cập, bức xúc trên, mới đây Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang đã chủ trì, phối hợp vớ Sở NN-PTNT tổ chức cuộc họp bàn giải pháp, xử lý các vấn đề liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang làm việc với chủ tàu mới phát hiện thiết bị giám sát hành trình bị sự cố, đơn vị cung cấp gỡ đi sửa chữa nhiều tháng chưa xong gây bức xúc cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang làm việc với chủ tàu mới phát hiện thiết bị giám sát hành trình bị sự cố, đơn vị cung cấp gỡ đi sửa chữa nhiều tháng chưa xong gây bức xúc cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Tại cuộc họp, nhiều chủ phương tiện sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá đều bức xúc trước tình trạng thiết bị thường xuyên bị hư hỏng, mất tín hiệu, phải quay vào bờ để xác nhận nguyên nhân, làm gián đoạn chuyến hành trình đánh bắt cá xa bờ của ngư dân.

Việc sửa chữa, khắc phục chậm trễ ảnh hưởng đến hành trình, tăng chi phí sản xuất của ngư dân… Bên cạnh đó, mức phí thu dịch vụ tin nhắn từ thiết bị giữa các doanh nghiệp cung cấp thiết bị còn chênh lệch lớn và giá khá cao.

Khi xảy ra hư hỏng, lỗi thiết bị, có những trường hợp đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá gỡ đi sửa chữa rất lâu, lên đến vài tháng hoặc cả năm vẫn chưa sửa chữa, khắc phục xong, gây bức xúc cho chủ tàu và ngư dân.

Khi thiết bị giá sát hành trình tàu cá bị sự cố trên biển mà không thể tự khắc phục được, ngư dân cũng không thể về cập cảng để bốc dỡ hàng thủy sản đánh bắt được vì không đủ điều kiện. Ảnh: Trung Chánh.

Khi thiết bị giá sát hành trình tàu cá bị sự cố trên biển mà không thể tự khắc phục được, ngư dân cũng không thể về cập cảng để bốc dỡ hàng thủy sản đánh bắt được vì không đủ điều kiện. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, tại tàu cá KG-93239-TS (chủ tàu là ông Trần Hữu Kiếm, khu phố 3, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), khi đoàn thanh tra kiểm tra trên tàu không có thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Đoàn thanh tra kiểm tra hỏi lý do, chủ tàu cho biết thiết bị hư hỏng, mất kết nối nên được nhà mạng Viettel gỡ đi sửa chữa, bảo hành nhưng đã hơn 8 tháng chưa xong để hoàn trả, lắp đặt lại cho chủ tàu. Điều này đồng nghĩa với việc con tàu này phải nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt trong suốt thời gian dài hơn 8 tháng qua, gây đình trệ hoạt động kinh tế, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho chủ tàu.

Không ít tàu cá của ngư dân Kiên Giang phải nằm bờ trong suốt thời gian dài do nhà mạng chậm sửa chữa, khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Trung Chánh.

Không ít tàu cá của ngư dân Kiên Giang phải nằm bờ trong suốt thời gian dài do nhà mạng chậm sửa chữa, khắc phục sự cố thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Trung Chánh.

Thanh tra đã chỉ ra rằng, các đơn vị cung cấp thiết bị thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc sửa chữa, bảo hành thiết bị, kéo dài thời gian sữa chữa, cố tình không xác định được nguyên nhân mất kết nối. Tự ý ngắt kết nối thiết bị khi chủ tàu chưa đóng phí thuê bao mà không phối hợp với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết, không chấp hành nghiêm quy trình lắp đặt thiết bị theo quy định của pháp luật.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng quy định chế tài cụ thể hơn về trách nhiệm của đơn vi cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong việc lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, sửa chữa, bảo hành, thay thế… Để các đơn vị này có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm khi cung cấp cho ngư dân sử dụng.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là chủ trương đúng đắn, nhằm hỗ trợ quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá trên biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, chống khai thác IUU, phù hợp với xu hướng quản lý nghề cá có trách nhiệm của khu vực và quốc tế hiện nay. Thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong tình hình kinh tế hiện nay.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.