| Hotline: 0983.970.780

Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân - Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Kỳ 6: Ngư dân, địa phương, nhà mạng đổ lỗi vòng quanh

Thứ Ba 14/06/2022 , 10:08 (GMT+7)

Thiết bị giám sát hành trình lỗi chính là một trong những nguyên nhân khiến Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc địa phương đội sổ cả nước về gỡ "thẻ vàng" của EC.

Do nằm bờ lâu ngày nhiều tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Minh Sáng.

Do nằm bờ lâu ngày nhiều tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Minh Sáng.

Cần cơ chế miễn, giảm giá cước khi tàu nằm bờ

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay toàn tỉnh có 2.571/2.829 tàu cá được lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đạt 90,8%. Riêng tàu cá trên 24m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100% theo quy định. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cùng với giá xăng dầu tăng cao, hoạt động khai thác đánh bắt hiện nay không hiệu quả khiến nhiều ngư dân bỏ nghề bán tàu. Nay lại thêm những rắc rối trong thanh toán cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình, chi phí tái lắp đặt, sử dụng thiết bị khiến bà con vô cung bức xúc.

Trước tình trạng này, UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) phải tổ chức buổi đối chất trực tiếp giữa ngư dân với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá và nhà mạng nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.

Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho rằng, chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá không có sự thống nhất, các nhà mạng quy định về chi phí thiếu đồng bộ khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà mạng nên xem xét cụ thể trên cơ sở ngư dân sử dụng thiết bị này để đảm bảo không bị ngắt kết nối trong quá trình ngư dân sản xuất trên biển, giúp bà con duy trì thông tin liên tục.

“Nhà mạng cần xác định chính xác máy nào do lỗi từ phía nhà mạng, máy nào do ngư dân cố tình tắt máy định vụ để xử lý “đúng người đúng tội”, ông Thạch kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Niên, ngư dân xã Phước Tỉnh, việc lắp thiết bị giám sát hành trình chủ yếu mua qua trung gian, có máy chỉ được bảo hành mấy tháng, thậm chí còn đang bảo hành đã bị lỗi kỹ thuật phải mang vào bờ chỉnh sửa. Có máy vừa mua về gắn được mấy ngày đã hỏng ngay, đem đi sửa họ “hét giá” bao nhiêu bà con cũng phải trả bấy nhiêu.

“Tàu tôi lắp mấy loại máygiám sát hành trình và sử dụng hai nhà mạng VNPT, Viettel, tuy nhiên, giá thuê bao của Viettel cao quá, tới hơn 300.000 đồng/tháng nên tôi đã có kiến nghị lên công ty nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi. Đồ điện tử rất dễ hư, nhất là khi ra khơi gặp nước biển, đang đi trên biển cũng chẳng sửa được, chúng tôi rất khổ vì máy giám sát hành trình kiểu này”. Ông Niên ngán ngẩm.

Ông Niên kiến nghị, khi tàu đang đi biển máy giám sát hành trình tàu nào bị hỏng nên cho phép gửi máy đó về bờ sửa, còn tàu vẫn tiếp tục bám ngư trường đánh bắt, vì cặp tàu cào đôi luôn có hai máy và bao giờ cũng đi cùng nhau không thể tách rời.  

Ông Lê Xuân Khương, Giám đốc khối SMG, Viettel Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho rằng, nhà mạng vẫn có thể giải quyết khi bà con ngư dân làm đơn xác nhận nguyên nhân không đi biển được Viettel mới có sở cứ để xem xét trong thời gian ngưng đó để không tính phí và khi kích hoạt lại sẽ không mất tiền. 

Còn bà Nguyễn Kim Liễu, Công ty VNPT Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho rằng, hiện tại hàng tháng ngư dân vẫn đóng cước VNPT không thể tự ngừng dịch vụ của bà con được. Nếu không đi biển bà con phải làm đơn yêu cầu tạm dừng dịch vụ cước phí hàng tháng chỉ phải thanh toán để duy trình sim hoạt động dịch vụ.

Việc mất kết nối của máy giám sát hành trình sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngư dân và cơ quan chức năng quản lý phương tiện nghề cá theo qui định của pháp luật. Ảnh: Minh Sáng.

Việc mất kết nối của máy giám sát hành trình sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngư dân và cơ quan chức năng quản lý phương tiện nghề cá theo qui định của pháp luật. Ảnh: Minh Sáng.

Điểm yếu lớn trong khắc phục "thẻ vàng"

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm bảo đảm nguồn hải sản khai thác hợp pháp, trước khi ra khơi, các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu điện thoại yêu cầu thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt nghiêm, với mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tòng Văn cho biết, ngành thủy sản tỉnh đang tập trung thực hiện lộ trình chuyển đổi, chấm dứt loại hình tàu khai thác nghề lưới kéo. Thực hiện rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn và xử phạt thật nặng đối với các tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước, nhưng cũng là địa phương có nhiều yếu tố dẫn tới việc vi phạm tăng cao như: Mất cân đối số lượng tàu thuyền cộng chủ yếu là nghề lưới kéo, nghề có nguy cơ vi phạm cao nhất. Bên cạnh đó, ngư trường rộng lớn, giáp ranh với nhiều nước và số lượng tàu tỉnh ngoài vào bốc dỡ thủy sản trên địa bàn tỉnh rất lớn, lượng tàu dịch vụ hậu cần lớn.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ khai thác Thủy sản cho biết: Việc thanh tra, xử lý tình trạng vị phạm của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa quyết liệt, nhất là các vấn đề về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, lập danh sách tàu cá vi phạm nguy cơ cao, giấy xác nhận ghi chép số liệu ra vào cảng chưa được kiểm soát chặt chẽ chính là nguyên nhân khiến kết quả khắc phục "thẻ vàng" của tỉnh bị hạn chế.

 Do tàu không ra khơi, mất nguồn thu nhập khiến ngư dân chán ngán với nghề biển truyền thống và muốn rao bán tàu để chuyển ngành nghề sinh kế. Ảnh: Minh Sáng.

 Do tàu không ra khơi, mất nguồn thu nhập khiến ngư dân chán ngán với nghề biển truyền thống và muốn rao bán tàu để chuyển ngành nghề sinh kế. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) nhấn mạnh: “Giám sát hành trình là thiết bị quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản, là cơ sở quan trọng để hỗ trợ các chính sách cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Việc mất kết nối sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngư dân và cơ quan chức năng trong quản lý phương tiện nghề cá theo qui định của pháp luật”.

Còn theo ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là hoàn toàn hợp lý nhưng thực tế thời gian qua, không ít tàu cá bị vô hiệu hóa thiết bị giám sát khi đánh bắt ở vùng biển. Theo quy định, những trường hợp này chủ tàu nếu không khắc phục trong thời gian cho phép di chuyển tàu vào bờ cũng khó cho ngư dân.

Theo phân tích của ông Thạch, trung bình một chuyến tàu chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng, gồm: Tiền thuê tài công, bạn và nhiên liệu hoạt động phương tiện. Nếu mới ra biển khai thác chỉ vài ngày, tàu mất tín hiệu phải di chuyển vào bờ rất khó khăn và tốn kém, thậm chí lỗ vốn. Hơn nữa, ngư dân đi cào không am hiểu về điện tử, do đó khi thiết bị hư hỏng hay sự cố không hoạt động chủ tàu không tự xử lý được mà phải chạy vào bờ nhờ nhà mạng cung cấp để xử lý gây tốn kém, thiệt thòi cho người dân.

"Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Đề nghị phía các công ty phân phối máy giám sát hành trình tàu cá phải cung cấp những loại máy đạt chuẩn, có bảo hành và phải có trách nhiệm sửa chữa hay đổi máy mới cho ngư dân nếu lỗi thuộc về hệ thống thiết bị. Các nhà mạng cũng cần phải kiểm tra đảm bảo chất lượng đường truyền tín hiệu liên tục để giúp ngư dân kết nối tốt khi đang đánh bắt trên biển. Chính quyền, cơ quan quản lý cũng phải giúp dân để đảm bảo việc đó cho ngư dân an tâm". Ông Thạch kiến nghị.

“Thời gian qua, tình hình tàu cá ngư dân trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài so với những năm trước giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, riêng đầu năm 2022 đã xảy ra 1 vụ/3 tàu cá/25 thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ", ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất