Đây là nghề rất phù hợp với lao động lớn tuổi ở nông thôn.
Ông Oánh chăm sóc đàn hươu. |
Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình trang trại, nhận thấy mô hình nuôi hươu phù hợp với hoàn cảnh gia đình, ông Oánh quyết định mua 7 con hươu giống về nuôi. Qua 10 năm gắn bó với đàn hươu, ông đã có của ăn của để, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm nuôi loài động vật hoang dã này.
Theo ông Oánh, nuôi hươu rất nhàn, bình thường hươu chỉ ăn các loại củ, quả, lá cây như cỏ, lá sắn, lá xoan, bạch đàn, keo… Nếu trong chuồng có hơn chục con hươu thì mỗi ngày chỉ cần 2 - 3 giờ đi kiếm cỏ, lá về cho hươu ăn. Chúng cũng không ăn nhiều, mỗi con chỉ ăn 3 - 4kg cỏ, lá một ngày đêm.
Ông tận dụng vườn đất nhà trồng thêm cỏ voi, cây xoan… nên không mất nhiều công đi kiếm thức ăn cho hươu. Trừ những lúc hươu mọc nhung, thời gian còn lại chủ nuôi không phải mất chi phí thức ăn. Đến lúc hươu bắt đầu mọc nhung thì cần chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để nhung đạt trọng lượng, chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, hươu cái 2 tuổi thì bắt đầu sinh sản, mỗi năm, hươu cái đẻ một lần, còn hươu đực 2 năm tuổi bắt đầu cho nhung. Lộc nhung hươu bắt đầu mọc vào mùa xuân, từ khi nhung mọc đến khi cắt được khoảng 45 ngày, mỗi năm cho nhung 1 lần, đặc biệt có năm hươu cho 2 đợt nhung. Hiện ông bán nhung hươu với giá 18 - 25 triệu đồng/kg.
Theo đánh giá của ông, nuôi hươu phải đầu tư vốn lớn nhưng sản phẩm dễ bán, thị trường ổn định, giá cao. Lượng nhung hươu của gia đình ông không đủ đáp ứng các nơi đặt hàng, không chỉ bán cho thương lái, ông còn bán cho người dân từ nhiều nơi đến mua về làm thuốc… Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông tích cực giúp đỡ các hội viên nông dân khác về kỹ thuật chăn nuôi cũng như vốn. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.