Lê Văn Trường trong xưởng nuôi trồng đông trùng hạ thảo. |
Thông tin Lê Văn Trường, sinh năm 1989 tại thôn Thượng, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo khiến nhiều người bất ngờ. Bất ngờ bởi, Trường tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Khoa Điện tử nhưng lại bén duyên với loài đông dược quý. Nhiều người nghĩ Trường “dở hơi” vì đang làm kỹ thuật viên cho Samsung với mức lương gần 15 triệu đồng/tháng nhưng lại bỏ dở giữa chừng để về theo nghề mới lạ.
Trường tâm sự: “Một lần đi uống nước cùng nhóm bạn trong công ty, mọi người tranh luận rất sôi nổi để khẳng định mình hiểu biết về đông trùng hạ thảo. Rằng đây là một đông dược, có xuất xứ từ Tây Tạng, Trung Quốc. Vì đông dược này rất có giá trị, do không đủ nguồn cung, lại khó nuôi trồng nên nó được làm giả rất nhiều.
Có người còn khẳng định, nếu không quen, không hiểu biết thì mua đông trùng hạ thảo rất dễ chỉ mua được phần “xác” bởi chất tinh túy nhất, có giá trị dược liệu nhất đã bị hút hết. Không ít người phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua nó nhưng lại mua phải hàng giả… Từ lời thách đố của bạn bè, rằng có dám bỏ nghề về sản xuất đông trùng hạ thảo hay không, tôi quyết tâm làm bằng được”.
Sau khi lên mạng tìm hiểu giát trị cũng như thông tin về đông trùng hạ thảo, đầu năm 2018, Trường nghỉ việc, bỏ hàng chục triệu đồng tìm đến Lai Châu để học cách nuôi trồng. Quyết định của Trường khiến người thân, bạn bè ai nấy đều bất ngờ và kịch liệt phản đối. Thế nhưng, giống như một chú cá lóc ngoan cố, dòng nước càng chảy xiết, Trường càng cố bơi ngược dòng.
Tỷ lệ nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo của Trường ngày càng cao. |
Tháng 12/2018, khi cảm thấy đã có thể thực hành độc lập được, Trường trở về quê xây dựng nhà xưởng nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Cản không được con, bố Trường đành vay mượn gần 600 triệu đồng, xây cho Trường một nhà xưởng, sắm sửa các thiết bị cần thiết như máy lắc, nồi hấp, điều hòa, giá nuôi… Một nhà xưởng với công suất nuôi trồng 4.000 lọ/lứa được dựng lên giữa thôn Thượng.
Lứa đầu tiên, Trường làm 2.000 lọ nuôi trồng, quy trình được thực hiện nghiêm ngặt như những gì được học. Sau khi có nguồn giống, Trường phân lập giống, cấy chuyền giống (khoảng 7 ngày). Sau đó, giống được cho vào máy lắc 7 ngày rồi cấy vào phôi, đưa vào phòng ủ tơ (ủ tối 4-5 ngày) trước khi đưa ra ký sáng. Phôi được hấp trong lò ở nhiệt độ 125 độ C để đảm bảo môi trường được diệt khuẩn khi cấy giống vào.
Phôi được làm bằng gạo lứt, nhộng tằm, giá đỗ, khoai tây, nước cốt dừa với công thức tỷ lệ và kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt. Sau 3 tháng kể từ ngày phân lập giống, người nuôi sẽ thu hoạch. Tuy nhiên, lứa đầu tiên, Trường gặp ngay thất bại.
“Khó khăn nhất, quyết định thành bại là khâu làm giống, ngoài ra là các yếu tố môi trường và nguyên vật liệu. Lứa đầu, ngoài việc chưa có kinh nghiệm thì mùi vôi vữa nhà xưởng mới xây khiến 2.000 lọ nuôi của tôi hỏng gần hết. Bản thân tôi cũng rất bối rối và lo lắng vì bao nhiêu vốn liếng, tâm huyết, hi vọng đã đổ xuống sông, xuống bể”.
Nhưng không nản chí, Trường bước vào lứa nuôi thứ hai với quyết tâm phải làm bằng được, các bước thực hiện kỹ càng hơn theo đúng những gì đã học. Nhưng lứa 2 vẫn chỉ đạt khoảng 60% số lượng lọ nuôi. Tính toán chi phí không lỗ nhưng cũng mới chỉ đem lại cho ông chủ trẻ trên 240 triệu đồng sau 3 tháng miệt mài làm việc.
Hay tin Trường sản xuất thành công đông trùng hạ thảo, nhiều siêu thị, đại lý liên hệ để thu mua. Sản phẩm của Trường được xuất đi các thị trường trong Nam, ngoài Bắc; một số được sấy khô, bảo quả, bán cho các khách hàng có nhu cầu.
Sản phẩm, ngoài bán tươi được sấy khô, ngâm rượu phục vụ thượng đế. |
Sau lứa sản xuất thứ 2, Trường rút ra kinh nghiệm, lọ nuôi phải được xử lý thật sạch để đảm bảo vô trùng, kỹ thuật cấy giống cũng phải khắt khe hơn. Nhờ luôn mày mò học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, lứa sản xuất thứ 3 Trường đang nôi cho kết quả rất khả quan. Hầu hết các lọ nuôi sau gần 2 tháng đang phát triển rất tốt.
“Đông trùng hạ thảo là đông dược khó nuôi trồng. Nhiệt độ được điều tiết bằng điều hòa nhiệt độ 2 chiều nhưng những yếu tố về môi trường hết sức quan trọng. Vì vậy, khi chưa thu hoạch thì chưa chắc lứa trồng sẽ thành công. Sau lứa thứ 3 này, tôi sẽ nâng công suất trồng lên 4.000 lọ/lứa. Đông dược này hiện rất rộng đầu ra, gần như có bao nhiêu các siêu thị, đại lý đều đặt hàng hết. Tại xưởng tôi đang bán với giá 5 triệu đồng/kg tươi và 40 triệu đồng/kg khô nhưng không đủ hàng xuất” – Trường cho hay. |