Thời vụ trồng: tháng 3-10, nhà trồng phải có mái che mưa và sương muối. Giá thể trồng cần tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt, độ pH = 6-7. Hỗn hợp giá thể gồm 1/2 đất ải + 1/2 xơ dừa hoặc mùn cưa + 1/2 phân hữu cơ vi sinh.
Hỗn hợp đất và xơ dừa phải xử lý nấm bệnh bằng Foocmalin 40% hoặc Viben C 50BTN, rồi dùng màng nilon ủ kín 1- 2 ngày mới dỡ ra phối trộn với phân hữu cơ vi sinh. Bình quân, trồng 1.000 chậu hoa đồng tiền cần 600-1.000kg giá thể.
Giống trồng có thể chọn giống hoa đồng tiền cao hay đồng liền lùn, hoa đồng tiền đơn sắc hay đa sắc, tùy khả năng tiêu thụ và thị trường. Nhưng tiêu chuẩn cây giống phải cao 4-5cm, có từ 5-6 lá và 5-6 rễ/cây, chiều dài rễ khoảng 2- 3cm.
Kỹ thuật trồng: Chọn chậu nhựa chuyên dụng, tùy giống trồng.Đổ giá thể cách miệng chậu 3-5cm. Trồng nổi cây giống ở giữa chậu (1 cây/chậu), sao cho cổ rễ cây cao bằng bề mặt giá thể trong chậu. Sau trồng tưới đẫm nước và xếp các chậu cây thành hàng, luống cách nhau 10-15cm và để lối đi lại chăm sóc.
Tưới nước: Cây đồng tiền không chịu được độ ẩm quá cao. Nên định kỳ 2-3 ngày tưới 1 lần, tùy theo thời tiết. Cần tưới nhẹ nhàng vào từng gốc cây, không để nước đọng vào nách lá hoặc đất văng lên lá và nụ hoa. Tốt nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây, định lượng tưới 30 phút/ngày.
Bón phân: Bón phân NPK cho cây hoa định kỳ 10-15 ngày/1 lần. Lần 1 (sau trồng 10-15 ngày), pha loãng phân với nước theo tỷ lệ 1/200. Các lần sau pha tỷ lệ 1,5-2,0kg/200 lít nước. Ngoài ra, định kỳ 7 ngày/lần bón thêm phân qua lá.
Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, lá sâu bệnh. Và theo dõi phun trừ kịp thời một số đối tượng dịch hại chính dưới đây:
Nhện đỏ: Chích hút dịch cây ở hoa và mặt dưới lá, làm cho lá và hoa bị biến dạng. Phòng trừ bằng luân phiên sử dụng thuốc Pegasus 500EC, Ortus 5EC hoặc Comite 73ND.
Sâu vẽ bùa: Sâu non ăn tế bào và diệp lục lá, tạo ra các đường ngoằn ngoèo màu trắng trên mặt lá cây. Dùng bẫy màu vàng dụ diệt trưởng thành. Hoặc dùng thuốc có khả năng bám dính để diệt dòi và trứng sâu trên mặt lá như Trigrad 100SL, Brightin 1.8EC….
Bọ phấn: là đối tượng hại nguy hiểm nhất trên cây hoa đồng tiền, có thể làm cho lá và cành hoa biến dạng, cánh hoa biến màu. Phòng trừ bằng thuốc Oshin 20WP hoặc Ofatox 400EC, kết hợp tỉa bỏ bớt lá già tạo độ thông thoáng cho vườn cây.
Bệnh thối thân: Thường phát sinh gây hại trong điều kiện độ ẩm cao. Cây bị bệnh nặng sẽ đổ gục và chết xanh. Phòng trừ bằng thuốc Benlate C hoặc Aliette.
Bệnh đốm lá: Thường phát sinh trong điều kiện nóng ẩm, gây hại cả lá, cành hoa và cánh hoa. Phun trừ bằng thuốc Ridomil Gold 68WG, Copforce blue 51WP hoặc Ziflo 76WG.
Bệnh phấn trắng: Thường gây hại nặng cây hoa trong vụ Xuân hè. Cây đồng tiền bị nhiễm bệnh phấn trắng nặng, cành hoa sẽ ngắn, nụ hoa thối, cánh hoa nhỏ và nhanh tàn. Phòng trừ bằng thuốc Aliette 80WG, Anvil 5SC hoặc Mancolaxyl 72WP.
Thu hoạch khi chậu cây có 1-2 nụ hoa hé nở (khoảng 60-75 ngày, tùy giống). Dùng túi nilon hình phễu luồn vừa chậu và cây (tránh làm gẫy lá và hoa), sau xếp từng túi chậu hoa vào thùng catton chuyển đến nơi tiêu thụ.
Để chơi hoa được lâu, trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng cần đưa chậu hoa ra ngoài ánh sáng từ 1-2h mỗi ngày, khoảng 3-4 ngày tưới nước/1 lần, và 10-15 ngày/lần phun bón lá Bio Green 08 dưỡng cây.
Ông Nguyễn Ngọc Oanh, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang Hưng Yên tính toán: Bình quân 1 chậu hoa đồng tiền sau trồng 65 ngày sẽ bán được 15.000 đồng, trừ chi phí vật tư còn lãi công lao động hơn 8.000 đồng, tương ứng thu nhập 64 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 12 lần canh tác lúa.