| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật trồng mít

Thứ Tư 11/05/2016 , 06:05 (GMT+7)

Mít là cây trồng có bộ lá xanh quanh năm, rễ chắc, khỏe, rất phù hợp trồng phủ xanh đất trống đồi trọc.

Thịt quả mít ngoài sử dụng ăn tươi, còn có giá trị xuất khẩu khi chế biến công nghiệp (mít sấy). Hạt quả là nguồn tinh bột dinh dưỡng cao. Sớm quy hoạch trồng mít sẽ giúp xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều nông hộ.

1.Thời vụ

Đồng bằng Bắc bộ trồng tháng 2 - 4 và tháng 8 - 10.

Trung du miền núi phía Bắc trồng tháng 4 - 6.

Nam Trung bộ trồng tháng 11 - 12.

2. Kỹ thuật trồng

2.1. Đất trồng

Chọn đất có tầng canh tác dày. Mực nước ngầm thấp dưới 1m. Ruộng cày phơi đất tới ải trắng. Lên luống cao 30 - 50cm, rộng 1,3 - 1,5m. Rãnh rộng 30 - 40cm.

2.2. Chuẩn bị cây giống

Chọn cây giống ghép trong bầu túi PE kích thước 11 x 25cm. Chiều cao cây tối thiểu 35 - 40cm. Đường kính gốc ghép 0,5cm. Cây sinh trưởng khỏe. Không sâu bệnh. Không gãy ngọn.

Có thể chọn một trong số giống mít sau để trồng: Mít siêu sớm, mít ruột đỏ, mít siêu ngọt, mít Tứ quý. Những giống này đều cho năng suất cao, chất lượng tốt như, múi dày, hạt nhỏ, ít xơ, vị ngọt thanh, hương thơm hấp dẫn, khi chín không còn nhựa.

2.3. Mật độ trồng

Trồng 22 - 23 cây/sào (625 cây/ha). Khoảng cách: Cây cách cây = 4m; hàng cách hàng = 4m.

Đào hố 40 x 40 x 40cm. Phơi ải hố 5 - 7 ngày mới tiến hành lót phân lấp đất. Khi lấp hố đưa lớp đất mặt xuống đáy, lớp đất đáy trộn đều với phân bón lấp bên trên, trồng không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân bón.

Cách trồng: Xé bỏ vỏ túi nilon bao bầu. Cắt bỏ phần rễ cọc bị xoắn trong bầu (nếu có). Dùng cuốc khơi miệng hố đủ để đặt bầu cây, lấp đất, nén nhẹ, cắm cọc níu giữ cho cây giống thẳng. Tưới ẩm, tủ gốc bằng rơm, rạ, trấu, mùn cưa. Chú ý, khi trồng cần xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh bị tách chồi ghép.

3. Chăm sóc

3.1. Bón phân

Năm thứ nhất: Bón lót trước trồng 0,3 - 0,5kg vôi bột + 3kg phân gia cầm hoặc 5kg bã thải hầm biogas. Bón thúc 2 lần (sau trồng 1 tháng và sau trồng 3 tháng). Mỗi lần bón 0,3kg Lân supe + 0,3kg NPK Đầu trâu 20-10-15+TE. Năm thứ 2: Bón phân 2 lần vào tháng 5 và tháng 11. Lượng bón 1 lần/ 1 gốc: 3kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5kg NPK Đầu trâu 20-10-15-TE.

Từ năm thứ 3: Bón theo nhu cầu của cây, cây khỏe bón ít cây yếu bón nhiều. Trung bình mỗi gốc bón 5-9kg phân gia cầm + 0,5kg vôi bột + 0,5-0,7kg Kali clorua hoặc 5kg phân hữu cơ vi sinh + 1,5kg NPK Đầu trâu 16-16-8. Bón khi cây chuẩn bị ra trái và sau thu hoạch quả lứa đầu. Bón phân theo rãnh đào dưới hình chiếu tán cây và lấp đất kín.

3.2. Chăm sóc

Đảm bảo đủ ẩm thường xuyên cho vườn mít. Nhổ cỏ, cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành gầy yếu, cành ở vị trí quá dày, tạo độ thông thoáng cho vườn mít, tránh hao phí dinh dưỡng, giảm thiểu sâu bệnh hại. Chú ý, cắt tỉa không để vườn mít cao quá 3m, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch và phòng đổ ngã khi mưa bão.

3.3. Phòng trừ sâu bệnh

* Sâu đục thân: Đẻ trứng lên các lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Phát hiện kịp thời mùn gỗ sâu đùn ra từ lỗ thân, gốc. Dùng thuốc Regent 800 EG hoặc Furadan 3H nhào trộn với đất vườn bít kín lỗ sâu đùn. Định kỳ 10 ngày/ 1 lần phun Diệp lục trừ sâu (sử dụng thuốc không lo quá liều và không cần thời gian cách ly).

* Sâu đục trái: Làm mít bị rụng quả non. Sâu thường hại các vị trí tiếp giáp giữa quả với quả và quả với thân cây. Không nên sử dụng thuốc BVTV để phun phòng trừ. Tốt nhất bao quả sớm bằng túi nilon ngay sau khi cây kết thúc rụng quả sinh lý.

* Ruồi đục quả: Thường đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn quả. Phòng trừ: Bao quả bằng túi nilon trắng (có đục lỗ thoát hơi nước). Kết hợp định kỳ phun Diệp lục trừ sâu.

4. Thu hoạch

Cây mít sau trồng 3 năm đã cho quả. Từ khi ra hoa đến trái già khoảng 5 tháng. Quả mít già các gai quả sẽ nở căng, vỏ quả chuyển từ màu xanh non sang xanh vàng, nhựa mủ lỏng và trong, vỗ tay vào mặt quả có tiếng bộp bộp. Nếu vận chuyển đi xa thì thu quả già. Nếu thu quả ăn ngay thì đợi cho quả có mùi thơm. Thu quả quá sớm, quả còn non sẽ kém chất lượng. Thu quá muộn dễ bị thối quả.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.