| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng đề án 1.000

Thứ Năm 03/04/2014 , 10:29 (GMT+7)

Đề án 1.000 nhằm đến số diện tích của từng loại cây lúa, mía, vương tạp, hộ chăn nuôi để chuyển sang mô hình hiệu quả hơn.

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020 (gọi tắt là đề án 1.000) nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nông dân đang kỳ vọng đề án này sẽ góp phần thúc đẩy SX phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đề án 1.000 có hợp phần chính là: Chuyển đổi 1.000 ha lúa 3 vụ sang 2 lúa - 1 màu hoặc 2 lúa - 1 thủy sản. Chuyển đổi 1.000 ha mía kém hiệu quả sang cây ăn quả kết hợp trồng rau màu - thủy sản - chăn nuôi. Chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, có thế mạnh của tỉnh. Hỗ trợ chuyển đổi 1.000 hộ chăn nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường và tận thu khí sinh học làm chất đốt.

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo: “Các sở, ngành liên quan cần bắt tay thực hiện ngay để đề án 1.000 sớm được triển khai, vì việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là rất cấp bách. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT cân đối nguồn tài chính, xem xét các quy định để đề xuất mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ lãi suất vay tín dụng cho nông dân tham gia thực hiện đề án”.

“Chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi mỗi mô hình 1.000 ha là vừa vì còn phải tính toán lựa chọn cây, con gì thay thế cho phù hợp, đảm bảo được thị trường đầu ra cũng như nguồn kinh phí nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nông dân chuyển đổi”, ông Đồng cho biết thêm.

Theo đó, hợp phần chuyển đổi 1.000 ha lúa 3 vụ sang 2 lúa - 1 màu hoặc 2 lúa - 1 thủy sản sẽ được triển khai thực hiện tại các huyện: Châu Thành (50 ha), Châu Thành A (150 ha), Vị Thủy (168 ha), Long Mỹ (251 ha), Phụng Hiệp (233 ha), TX Ngã Bảy (60 ha) và TP Vị Thanh (85 ha).

Năm 2014 sẽ thực hiện chuyển đổi 460 ha trên địa bàn 23 xã, trong đó có 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, mỗi xã 20 ha và giai đoạn 2015 - 2016 sẽ triển khai nhận rộng mô hình với diện tích còn lại.

Hợp phần 2 sẽ chuyển đổi 1.000 ha mía kém hiệu quả sang cây ăn quả kết hợp trồng rau màu - thủy sản - chăn nuôi, chủ yếu được triển khai tại địa bàn huyện Phụng Hiệp (900 ha) và TX Ngã Bảy (100 ha). Trong đó, năm 2014 thực hiện chuyển đổi 400 ha, còn lại sẽ làm trong 2 năm tiếp theo.

Chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, có thế mạnh của tỉnh thuộc hợp phần 3 của đề án sẽ được triển khai ở các huyện, thị, thành như: Châu Thành (100 ha), Châu Thành A (40 ha), Vị Thủy (300 ha), Long Mỹ (200 ha), Phụng Hiệp (70 ha), TX Ngã Bảy (60 ha) và TP Vị Thanh (230 ha). Năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi 460 ha và giai đoạn 2015-2016 sẽ triển khai tiếp 560 ha còn lại.

17-51-33_khi-de-an-duoc-trien-khai-tinh-hau-giang-se-chuyen-doi-1000-ha-lua-vu-3-kem-hieu-qua-sang-trong-mau-hoac-nuoi-trong-thuy-san
Hậu Giang đang muốn chuyển đổi sang trồng rau màu hoặc nuôi thủy sản

Hợp phần 4 là chuyển đổi 1.000 hộ chăn nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường và tận thu khí sinh học làm chất đốt được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, năm 2014 hỗ trợ cho 460 hộ chăn nuôi thực hiện, năm 2015-2016 tiếp tục nhân rộng mô hình ra trên địa bàn 23 xã (với 11 xã điểm NTM) cho 540 hộ tiếp theo.

Sau khi đã hoàn thành toàn bộ các hợp phần, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, chuyển đổi diện tích lúa 3 vụ sang cơ cấu 2 lúa - 1 màu hoặc thủy sản 2.679 ha; chuyển đổi 4.000 ha mía kém hiệu quả sang cây trồng khác, kết hợp chăn nuôi; diện tích vườn tạp được cải tạo là 7.884 ha.

Riêng về chăn nuôi sẽ nâng tỷ lệ đàn heo được chăn nuôi tập trung trang trại lên 15% năm 2015 và 60% năm 2020; tỷ lệ đàn gia cầm nuôi tập trung trang trại tương ứng với các năm nói trên là 20% và 70%.

Dự kiến kinh phí đầu tư thực hiện đề án 1.000 trong giai đoạn 2014-2016 là khoảng 334 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp cho SX 275 tỷ, chủ yếu là vốn tự có và vốn vay tín dụng của tổ chức, cá nhân tham gia đề án, với sự hỗ trợ của nhà nước về lãi suất vay ngân hàng, xây dựng mô hình trình diễn và 30% chi phí đầu tư cho đệm lót sinh học.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.