| Hotline: 0983.970.780

Lá chắn ngăn bão dịch tả heo Châu Phi

Thứ Ba 16/07/2019 , 10:05 (GMT+7)

Mô hình chăn nuôi theo VietGAHP an toàn sinh học là lá chắn hữu hiệu phòng chống dịch tả heo Châu Phi, có thể nhận rộng ở Bến Tre.

Bến Tre là tỉnh có số lượng đàn heo cao nhất ĐBSCL, hơn 600.000 con. Tập trung tại hai huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Vừa qua, Bến Tre được Cục Thú y hỗ trợ xây dựng hai mô chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, là lá chắn phỏng thủ hữu hiệu trong “tâm bão” của DTLCP.

Mô hình chăn nuôi an toàn VietGAHP tại hộ ông Nguyễn Văn Thống.

Ông Nguyễn Văn Buội, PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: “Bến Tre là tỉnh có đàn lợn cao nhất nhì khu vực ĐBSCL, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ cũng chiếm tỷ trọng top đầu của khu vực. Chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế hộ gia đình nông thôn. Trước sự xuất hiện của DTLCP, Sở NN-PTNT đã xây dựng nhiều giải pháp hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn, kết hợp tuyên truyền phòng chống dịch”.

Theo ông Buội, Bến Tre đã xây dựng được 2 mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP. Bước đầu các chủ trang trại thực hiện mô hình rất tốt, có thể nhân rộng ra các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thống, chủ cơ sở chăn nuôi Sáu Thống, xã Hưng Khánh Trung A, Mỏ Cày Bắc cho biết: “Tôi thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP đã trên 1 năm nay. Tôi thấy quy trình quản lý dịch bệnh của mô hình rất chặt chẽ. Ví dụ như kỹ thuật viên của công ty tư vấn thức ăn, thuốc thú y muốn ra vào trại phải được sát trùng, tắm rửa sạch sẽ và cách ly từ 2-3 ngày mới được vô trại. Nếu tiếp xúc với vùng có dịch bệnh phải cách ly từ 3 ngày trở lên”.

Còn đối với công nhân chăn nuôi trong cơ sở ông Thống cho biết họ không tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài. Họ thay phiên trực 24/24h, giữ gìn vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại. Nhân viên ra vào đều phải qua buồng khử trùng trước khi bước vào trại. Theo ông Thống, nhờ thực hiện quy trình VietGAHP kịp thời mà đàn lợn nái, thịt của ông không chỉ khỏe mạnh trong vùng tâm bão của DTLCP mà còn ứng phó được với nhiều. Nhất là trước đó vài ngày trong huyện đã xảy ra 2 ổ dịch rất nguy hiểm.

Lợn được đánh dấu quản lý theo tiêu chuẩn VietGAHP.

Ông Lê Phong Vinh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Mỏ Cày Bắc cho biết: “Trang trại lợn của ông Thống thực hiện quy trình chăn nuôi, sản xuất con giống sạch bệnh, là nguồn cung cấp con giống lớn của địa phương với công suất trên 200 con mỗi tháng. Riêng lợn thịt đạt 1.000 tấn/năm”.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP cần có sự chủ động tích cực của chính từng người chăn nuôi và người tiêu dùng. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre khuyến cáo: “Đối với hộ chăn nuôi lợn: Thực hiện biện pháp "5 không": (1) Không giấu dịch; (2) Không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; (3) Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; (4) Không vứt xác lợn bệnh, chết ra môi trường; (5) Không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn. 

Người chăn nuôi không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan”.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.