| Hotline: 0983.970.780

Lại chuyện ngô không hạt

Thứ Sáu 11/07/2014 , 09:49 (GMT+7)

Diễn biến thời tiết khó lường trong vụ ngô xuân ở miền Bắc năm nay khiến nông dân vô cùng lo lắng. Ở một số địa phương, viễn cảnh mất mùa hiện hữu.

Các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai là vùng ngô khá lớn của tỉnh Thái Nguyên. Đến thời điểm hiện tại, nhiều xã trong huyện đã có báo cáo về tình trạng ngô ra nhiều bắp nhưng không kết hạt. Các xã chịu thiệt hại nặng nề nhất là Quang Sơn và Tân Long.

Bước đầu chưa thống kê được diện tích, nhưng hầu hết diện tích trồng ngô ở các xã này đều gặp hiện tượng cây ngô ra nhiều bắp phụ, còn bắp chính không có hạt hoặc tỷ lệ hạt rất kém.

Người dân địa phương gọi là hiện tượng ba bi hay bắp kẹ và đổ nguyên nhân do giống kém chất lượng. Huyện Đồng Hỷ cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân.

Tại bản Trung Sơn, xã Quang Sơn, bà Lý Thị Chi cho biết, vụ ngô này gia đình bà nhận 10 kg một giống ngô được ưa chuộng nhiều năm nay ở địa phương, trong đó 5 kg được gieo sớm hơn, ruộng ngô không có gì khác thường, chỉ có 5 kg gieo muộn vào cuối tháng 2 thì có những cây có hiện tượng ba bi (bắp kẹ), khi bóc ra thì bắp kết hạt ít.

Cũng tại bản Trung Sơn có những ruộng ngô trên phần đất cao, có đến 20 -30% cây có bắp kẹ, nhưng ở phần đất thấp hơn thì tỷ lệ này rất thấp, thậm chí không có.

 Trên 1 ruộng ngô có tình trạng bắp kẹ, những bắp không ra bắp kẹ, nhưng khi bóc lá bi ra thì một phần bắp gần cuống là không có hạt, phần còn lại hạt vẫn kín. Trường hợp này lúc ngô trỗ có vài ngày, thời tiết không phù hợp cho khả năng kết hạt.

Số liệu khí tượng tại Thái Nguyên trong tháng 5/2014 cho thấy, vào các ngày 9, 10 và 11 nhiệt độ cao nhất là 36,2 ; 37,8 và 37,4 độ C, còn độ ẩm không khí thấp nhất tương ứng là 53, 43 và 50%.

Với nhiệt độ như thế, trên đồng ngô còn cao hơn khoảng 8 - 10 độ C nữa và ẩm độ thấp như thế, nhất là vào ngày 10/5, thì chắc chắn phấn và râu ngô sẽ bị khô hết. Cũng may là, vào những ngày sau đó, thời tiết dịu lại nên hiện tượng ngô kết hạt kém chỉ xảy ra với diện tích không nhiều.

Các giống ngô được trồng vụ này đều theo yêu cầu của bà con nông dân, sau nhiều năm cho kết quả tốt. Có những gia đình tại bản Trung Sơn, xã Quang Sơn, sau một số vụ trồng thử nhiều giống khác, vụ này trồng lại giống NK 4300 (giống được trợ giá).

Tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ hiện tượng ngô kết hạt kém cũng xẩy ra với nhiều giống, tuy nhiên tỷ lệ bị hại ở đây không cao và diện tích không lớn.

Hiện tượng ngô kết hạt kém, từ đó ra bắp kẹ do trong thời gian trỗ gặp nhiệt độ quá cao (trên 35 độ C), ẩm độ không khí quá thấp (dưới 60%), còn có thể gặp khi mưa kéo dài, trời rét (dưới 13 độ C).

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: "Thời tiết năm nay quá bất lợi với nông dân trồng ngô. Giai đoạn cây ngô đến thời kỳ sinh trưởng thì mưa nhiều, trời âm u nên không đủ ánh sáng. Sau đó là đợt nắng nóng kéo dài khiến nhiều nơi ngô chết cháy như cỏ lau.

Toàn huyện trồng từ 15 - 20 giống ngô, chủ yếu do Cty CP Giống cây trồng Thái Nguyên và Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ cung ứng. Bước đầu chưa thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân gì, nhưng nhiều khả năng là do thời tiết".

Ở huyện Võ Nhai, tình trạng ngô không kết hạt xảy ra lẻ tẻ hơn, hầu hết tập trung vào những vùng được gieo hạt muộn.

Bà Nguyễn Thị Vân, người trồng 4 mẫu ngô ở thôn Tân Tiến, xã Dân Tiến khẳng định: "Diện tích ngô không kết hạt hoặc kết hạt ít chỉ xẩy ra ở các gia đình gieo hạt muộn. Thời điểm lúc ngô xoắn nõn và thụ phấn gặp thời tiết bất thuận, lúc mưa nhiều quá, lúc lại nắng nóng kéo dài nên số thì bị chết, số không kết hạt".

Tương tự, các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy (Hòa Bình) cũng có nhiều hộ dân phản ánh việc ngô ra nhiều bắp từ bắp chính, rất ít hạt hoặc không có hạt. Điều đáng lưu ý là hầu hết các diện tích bị hiện tượng này đều tập trung gieo hạt vào trung tuần tháng 2 và bắt đầu trổ cờ từ 25/4.

"Để hạn chế hiện tượng mất mùa ngô do thời tiết, bà con cố gắng gieo trồng vào thời vụ phù hợp nhất đối với địa phương đã đúc kết qua nhiều năm và chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật mà nhà cung cấp hạt giống khuyến cáo. Nhà nước nên xem lại chính sách bảo hiểm cho cây trồng trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi phức tạp", TS Phan Xuân Hào.

Ở các xã có tỷ lệ ngô không kết hạt cao như Khoan Dụ (Lạc Thủy) và Yên Trị (Yên Thủy) thì hiện tượng xảy ra trên tất cả các giống ngô.

Đối chiếu với lịch gieo hạt giống và tình hình thời tiết năm nay, Chi cục BVTV tỉnh Hòa Bình đã có kết luận: "Thực trạng ngô không kết hạt xảy ra trên địa bàn không phải do giống mà do thời tiết bất thuận. Cụ thể, thời điểm cây trong giai đoạn xoắn nõn, bắt đầu trỗ cờ, phân hóa bắp, thời tiết ở một số địa phương trên có lốc. Giai đoạn cây tung phấn, phun râu sau ngày 30/4 gặp nhiệt độ quá cao và ẩm độ không khí thấp".

Sau khi đi thực tế ở một số địa phương trồng ngô, TS Phan Xuân Hào, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cho biết, hiện tượng ngô không hạt và ra bắp kẹ lâu nay thường thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều người cho là do chất lượng giống, thậm chí có người cho là giống được trợ giá mới bị...

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách khách quan và khoa học thì có thể loại bỏ được yếu tố chất lượng giống, càng không phải do “giống trợ giá” gây nên.

Theo ông Hào, bắp kẹ là hiện tượng từ nách lá bi của bắp chính xuất hiện những bắp phụ nhỏ không có hạt. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là bắp chính kết hạt kém hoặc bắp chính bị hư hại bởi sâu, bệnh, chuột gặm, rầy nâu chích; thậm chí do nông dân bóc ra để kiểm tra xem có hạt hay không khi ngô mới trổ được ít ngày.

Bắp kẹ cũng có thể xuất hiện do chế độ bón phân không hợp lý, thường là do bón quá nhiều đạm sau khi ngô đã kết hạt. Trong trường hợp này số lượng bắp kẹ phụ thuộc vào lượng đạm, thời điểm bón và cả giống.

Trong trường hợp các bắp chính kết hạt kém thường xuất hiện nhiều bắp kẹ. Chẳng hạn, vụ xuân năm nay ở Thái Nguyên, các lô giống do các đơn vị phân phối được trồng trên diện tích hàng nghìn ha, nhưng hiện tượng bắp kẹ (bà con gọi là ba bi) chỉ xảy ra tại một số xã ở Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai... với diện tích không nhiều.

Các giống ngô khác nhau có phản ứng khác nhau với điều kiện môi trường, có những giống chịu được ngưỡng khắc nghiệt cao hơn các giống khác.

Chính vì vậy mới phải qua thử nghiệm tại các vùng sinh thái (khảo nghiệm và SX thử) để chọn giống phù hợp cho SX ở từng vùng. Bằng con đường chọn tạo và thử nghiệm nhiều có thể chọn được những giống thích nghi rất tốt trong nhiều điều kiện sinh thái. Tuy nhiên khi thời tiết quá khắc nghiệt thì hiếm có giống nào chịu được.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.