| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Bọ xít muỗi tấn công cà phê

Thứ Tư 03/10/2018 , 15:05 (GMT+7)

Thời điểm này nhiều nông dân huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) như ngồi trên đống lửa khi hàng ngàn ha cà phê đang bị bọ xít muỗi tấn công gây hại nghiêm trọng. Nhiều diện tích bị suy giảm sản lượng trên 50%…

14-24-09_nh_1_muoi_bo_xit
Hàng ngàn ha cà phê bị bọ xít muỗi tấn công, năng suất suy giảm hơn 50%

Gia đình anh Đặng Hữu Lâm, thị trấn Lạc Dương có 5 sào cà phê bị bọ xít muỗi gây hại từ tháng 7/2018. Do mùa mưa kéo dài cùng với tâm lý chủ quan nên anh không xịt thuốc phòng ngừa. Đến nay cả 5 sào bị nhiễm khá nặng.

Theo anh Lâm, trước đây, bọ xít muỗi hoành hành cây điều, cây chè. Gần đây, do thời tiết bất thường, bọ xít muỗi lan sang cả cà phê. Ngay từ khi phát hiện, gia đình anh đã chủ động mua thuốc BVTV phun phòng trừ. Tuy nhiên bọ xít muỗi là loại côn trùng di trú, từ vườn này sang vườn khác, sinh đẻ nhanh, tỉ lệ gây hại ngày càng tăng. Nếu vào đầu mùa mưa thì chắc chắn bọ xít muỗi sẽ phát triển hơn rất nhiều. Bởi mùa này cà phê đâm chồi và phân hóa chồi non rất mạnh. Với tình hình này, năm nay vườn cà phê 5 sào của anh chỉ còn 40% sản lượng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay dịch bọ xít muỗi đang hoành hành dữ dội trên hàng ngàn ha cà phê tại địa phương. Đặc biệt, giai đoạn này, cây cà phê đang hình thành trái, nông dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Hiện toàn huyện Lạc Dương có hơn 4.000 ha cà phê, tập trung tại 6 xã và thị trấn. Trong đó tổng diện tích cà phê kinh doanh đạt 3.581 ha; tổng diện tích bị gây hại 3.370,15 ha, trong đó diện tích bị nặng là 791 ha; diện tích bị hại trung bình là 1.495 ha; diện tích bị nhẹ là 1.084 ha. Tổng diện tích nhiễm trung bình và nặng là 2.286 ha. Tình hình bọ xít muỗi gây hại cà phê diễn biến khá phức tạp. Nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, năng suất cà phê có thể bị ảnh hưởng đến 70%.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng bọ xít muỗi lây lan gây thiệt hại cho người nông dân, huyện Lạc Dương cũng đã xây dựng 4 mô hình điểm về phòng trừ dịch hại. Đến nay các vườn cà phê này không xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là bọ xít muỗi. Khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, phát quang bụi rậm quanh vườn. Thu gom tàn dư cây trồng, đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi vào buổi chiều. Đồng thời bảo vệ và phát triển quần thể thiên địch tự nhiên sẵn có như nhện lớn bắt mồi, chuồn chuồn kim, ong ký sinh...

14-24-09_nh_12_muoi_bo_xit_gy_hi
Chồi non bị chích hút khô đen và biến dạng

Trong thời gian tới, UBND huyện Lạc Dương sẽ phối hợp cùng Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng dự kiến tổ chức ra quân đồng loạt diệt bọ xít muỗi. Lực lượng khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông, cán bộ nông - lâm - thủy sản cấp xã đều được huy động tham gia chiến dịch. Mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 1 tổ thực hiện việc hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, hỗ trợ người dân phun xịt. Dự kiến tổng diện tích phun thuốc phòng trừ là 2.286 ha với tổng 4.114,8 lít thuốc Victory 585EC, kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Tại hội nghị trực tuyến với các sở, ngành và địa phương để đánh giá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt yêu cầu các huyện là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh phải rà soát dịch bệnh trên cây cà phê để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu dịch bệnh xảy ra phải sớm ngăn chặn không để lây lan diện rộng và có thể trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ dập dịch.

 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.