
Tật nghiến răng khi ngủ có thể dẫn tới những biến chứng khó lường về răng miệng. Ảnh minh họa.
Nghiên cứu cho thấy, người bị tật nghiến răng khi ngủ thường dễ ngừng thở khi ngủ hơn so với người ngủ ngáy. Ước tính, khoảng 10-20% dân số nói chung bị nghiến răng khi ngủ. Tật nghiến răng khi ngủ thường gặp ở độ tuổi từ 10-40 và có khuynh hướng giảm dần theo tuổi.
Nếu để tình trạng nghiến răng khi ngủ kéo dài thì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh, người ngủ cùng và một số biến chứng khó lường.
Một số ảnh hưởng của chứng nghiến răng khi ngủ có thể xảy ra: Đau nhức đầu; Biến dạng khuôn mặt; Tổn thương răng, hàm, mặt; Đau mặt hoặc đau hàm nặng; Gãy răng, mòn răng, rụng răng; Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm… Về mặt thẩm mỹ, nghiến răng liên tục sẽ gây mòn răng, răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt làm người bệnh trông già hơn.
Các yếu tố tâm lý và di truyền, vị trí của răng trên liên quan đến răng dưới hoặc một số loại thuốc nhất định có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ. Stress, độ tuổi, cà phê, bia, rượu... là yếu tố làm tăng nguy cơ nghiến răng.
Để khắc phục tình trạng này, người bị nghiến răng khi ngủ cần áp dụng một số cách:
Nói không với caffeine
Dừng ngay việc uống soda, coffee và hạn chế ăn quá nhiều sôcôla. Caffeine là chất kích thích và nếu hấp thụ nhiều sẽ làm bạn gặp khó khăn trong việc giữ đầu óc và cơ hàm thư giãn, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này làm tăng nguy cơ nghiến răng khi ngủ.

Tật nghiến răng có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn sau khi bạn uống rượu. Ảnh minh họa
Tránh xa đồ uống có cồn
Rượu, bia là chất gây ức chế, sẽ ngăn cản việc bạn ngủ một cách khỏe mạnh và sâu giấc. Tật nghiến răng khi ngủ có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn sau khi bạn uống rượu. Mặc dù rượu, bia có thể làm bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn, nhưng thức uống chứa cồn này lại không giúp bạn ngủ thoải mái và sâu giấc, từ đó sẽ tăng nguy cơ nghiến răng.
Giảm thiểu căng thẳng
Căng thẳng là một nguyên nhân phổ biến gây ra nghiến răng - nó làm bạn lo lắng ban ngày và bồn chồn vào ban đêm. Trước tiên, tìm nguyên nhân khiến bạn căng thẳng và sau đó đưa ra biện pháp có hiệu quả để loại bỏ. Bạn cũng có thể sửa lịch làm việc và cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
Đừng quên một chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ qua thức ăn nhanh, đồ uống có ga và nhiều loại kẹo gây sâu răng. Bổ sung trái cây tươi, rau, các loại hạt và quả mọng cũng là những giải pháp giảm nghiến răng khi ngủ.

Loại bỏ thói quen nhai những thứ không phải là thức ăn để hạn chế tật nghiến răng. Ảnh minh họa.
Ngừng nhai những thứ không phải là thức ăn
Nhai bút chì hoặc bất kỳ loại phi thực phẩm nào không chỉ đưa vi khuẩn vào miệng mà còn làm rối loạn hoạt động miệng bình thường. Thói quen này liên quan trực tiếp đến nghiến răng và sự nhai không kiểm soát.
Nếu bạn không thể hoàn toàn ngừng nhai những thứ khác nhau trong khi không ăn, hãy thử lừa não bằng cách thay đổi đồ ăn như nhai kẹo cao su, kẹo bạc hà hoặc một bữa ăn nhẹ lành mạnh với lượng nhỏ.
Bổ sung canxi và magiê
Chứng nghiến răng cũng có thể do bạn đang thiếu một số chất nhất định. Trước tiên, cần thực hiện một số xét nghiệm và xem có phải bạn đang thiếu chất không. Không tự kê đơn vitamin và chất bổ sung cho chính mình. Nếu bạn đang thiếu canxi, kali và magiê, hãy bắt đầu bổ sung. Những chất này rất quan trọng đối với chức năng cơ và hệ thần kinh.
Thư giãn đúng cách trước khi ngủ
Điều này rất quan trọng để xua tan căng thẳng trước khi đi ngủ, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn vào buổi tối, từ đó giảm nguy cơ nghiến răng. Một số cách thư giãn trước khi đi ngủ để có một giấc ngủ sâu và ngon hơn bạn nên tham khảo:
Massage cơ cổ, cơ vai và cơ mặt trước khi chìm vào giấc ngủ. Dùng ngón và lòng bàn tay massage khu vực hai bên đầu, trán và quai hàm để giúp lưu thông máu dễ dàng hơn.
Ngâm khăn tắm trong nước nóng, vắt bớt nước rồi đặt nó ở khu vực gò má trước tai. Điều này sẽ giúp cơ thoải mái và thả lỏng hơn.
Ngoài ra, trải khăn ấm lên toàn khuôn mặt. Việc này không chỉ giúp cơ thư giãn, mà còn giúp tâm trí thanh thản hơn.
Mở nhạc êm dịu hoặc tiếng ồn trắng (nhạc trắng) có thể giúp đầu óc thoải mái khi dễ đi vào giấc ngủ.
Đọc sách trên giường ít nhất nửa tiếng trước khi đi ngủ. Thói quen hữu ích này sẽ giúp bạn sẵn sàng chìm vào giấc ngủ.
Tắt hết tivi, máy tính, và bất kỳ ánh sáng chói mắt nào ít nhất là một giờ trước khi ngủ. Giảm thiểu tối đa sự hoạt động của giác quan trước khi chìm vào giấc ngủ cũng giúp bạn ngủ ngon, hạn chế nghiến răng.
Tập thói quen không siết quai hàm ban ngày
Nếu nhận ra rằng quai hàm bạn đang căng cứng hoặc hàm răng thường hay nghiến lại với nhau, hãy tập thư giãn quai hàm bằng cách đặt đầu lưỡi giữa hai hàm răng.
Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng
Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có đủ 4 nhóm thức ăn: đạm, tinh bột, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất; Uống đủ nước (0,4 lít nước/10kg trọng lượng cơ thể/ngày) cũng là một cách giúp hạn chế tật nghiến răng khi ngủ.
Ăn đỗ đen hầm muối
Đỗ đen là thực phẩm giúp thanh nhiệt cơ thể, giải độc và rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, đỗ đen còn là loại thuốc chữa chứng nghiến răng khi ngủ khá hiệu quả. Ăn món đỗ đen hầm với một chút muối hạt sẽ giúp giảm nghiến răng khi ngủ khá hiệu quả.
Bảo vệ răng miệng
Sử dụng một bộ dụng cụ bảo vệ răng chuyên dụng vào ban đêm cũng giúp tránh bị nghiến răng và tổn thương răng. Có 2 lựa chọn: mua bộ bảo vệ răng có sẵn tại các hiệu thuốc hoặc một bộ tùy chỉnh. Một dụng cụ bảo vệ miệng silicone tùy chỉnh sẽ làm cho bạn thích nghi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần đi khám nha sĩ để nhận lời khuyên trước khi sử dụng bộ dụng cụ này.
Hãy đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn bị đau ở hàm, mặt hoặc tai, nếu răng có hiện tượng xô lệch, hoặc nếu bạn khó cắn hoặc nhai.